Tinh Hoa

Mắm Nam Ngư, Chinsu: Quảng cáo thổi phồng chất lượng?

Nhiều độc giả lo lắng về chất lượng ở nhiều nước có ảnh hưởng sức khỏe gia đình, độ đạm trong chai mắm có đúng tiêu chuẩn chất lượng? Phải  chăng đó chỉ là chiêu bài để đánh lừa người tiêu dùng?

Ăn nhiều mắm có  HT155 – trẻ con bị tăng động

Theo như quảng cáo, mắm Nam Ngư vì sức khỏe người tiêu dùng, nhưng sự thực có phải vậy?

Sau khi bài báo ở nhiều nước đăng trên VTC News, nhiều độc giả gửi phản ánh về chất lượng mắm hiện nay.

Độc giả Trần Thành Công cho biết: “Sau khi đọc bài báo tôi không khỏi giật mình .Vì trong thời gian qua gia đình tôi thường xuyên sử dụng nước mắm Nam Ngư. Thời gian gần đây, bé con nhà tôi có hiện tượng bị dị ứng da. Trước kia cháu không bị như vậy. Xin hỏi chất HT 155 có gây lên tình trạng như vậy của con tôi hay không? Tôi rất lo, mong báo, đài sớm vào cuộc trong vụ việc này”.

 

Nước mắm Nam Ngư có đúng như quảng cáo?


Một độc giả có nickname cun_xinh10 chia sẻ: “Tôi muốn hỏi rõ thành phần nước mắm Nam Ngư thật hư ra làm sao? Bởi vì chúng ta ăn nước mắm hàng ngày chứ không phải tháng ăn vài lần”.

Trên bao bì của chai nước mắm Nam Ngư, thành phần được ghi gồm có: nước, muối, đạm cá cơm, đường, chất điều vị, chất bảo quản, chất ổn định, màu tổng hợp (HT155)…

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm (Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam), việc các loại nước mắm sử dụng nhiều chất phụ gia là không tốt. Vì nước mắm có chất dinh dưỡng, người sử dụng có thể chỉ cần chan nước mắm với cơm cũng có thể ăn ngon miệng được.

Chất HT155 (hay còn được gọi là E155 hoặc Brown HT) là một loại phụ gia dùng trong sản xuất thực phẩm. Tuy chưa có nghiên cứu nào phát hiện chất E155 gây tình trạng ung thư, nhưng một số thông tin cho rằng nó có thể gây dị ứng với con người. Vì vậy, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra lệnh cấm sử dụng chất này.

Theo bà Sửu, nếu sử dụng chất này quá đậm đặc cho trẻ em dưới 3 tuổi thì không nên, vì nó sẽ khiến cho trẻ em mắc bệnh tăng động (tức là hiếu động quá mức-PV).

“Nói chung sử dụng nhiều chất phụ gia là không tốt. Bây giờ có thể khỏe, nhưng 5 – 10 năm sau thì có thể sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều chất chúng ta đã dùng từ lâu nhưng đến giờ mới phát hiện ra tác hại của nó. Còn rất nhiều chất như vậy và việc sử dụng thường xuyên mà không biết là rất nguy hiểm. Chất phụ gia thực phẩm là con dao 2 lưỡi. Vì vậy, khi thật cần thiết hãy dùng, chứ không phải lúc nào cũng dùng.

Ví dụ, sản xuất cái bánh thì phải có bột nở mới thành cái bánh được. Nhưng nước mắm không có màu (không sử dụng E155) thì cũng không sao, có rất nhiều cái có thể làm màu được như nước hàng, cũng có thể tạo màu nâu, nên không cần thiết phải dùng chất này.  Hoặc độ ngọt là do chất đạm chứ không phải là do chất phụ gia”, bà Sửu nhấn mạnh.

Nam Ngư vì sức khỏe người tiêu dùng?

Nước mắm có chất dinh dưỡng, tức là phải đảm bảo được độ đạm như được quảng cáo. Tuy nhiên, theo tính toán của bà Ngô Thị Kim Thọ, Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa) trên báo chí, có thể thấy độ đạm ghi trên nhãn mác của sản phẩm nước mắm Nam Ngư hiện nay đều không đạt tiêu chuẩn.

Cụ thể, đối với sản phẩm Nam Ngư đệ nhị loại 1 lít có giá bán 12.000 đồng trên thị trường, độ đạm được công bố trên nhãn sản phẩm: “giá trị dinh dưỡng trong 100ml là 2,5g Protein”. Trong sản phẩm Nam Ngư đệ nhị loại 900ml, “giá trị dinh dưỡng trong 100ml là 1,6g Protein”.

Nếu áp dụng với cách tính độ đạm toàn phần (Nitơ toàn phần theo TCVN 3705-90) lấy Protein chia cho 6,25 thì loại mắm Nam Ngư 1 lít chỉ đạt 4 độ đạm, loại 900ml chỉ đạt 2,56 độ đạm.

Theo quy định của TCVN, nước mắm có 4 loại. Loại đặc biệt có độ đạm là 30 độ, loại thượng hạng 25 độ đạm, loại hạng 1 là 15 độ đạm, còn loại hạng 2 (loại thấp nhất) 10 độ đạm.

 


Nếu chiếu theo tiêu chuẩn này, nước mắm Nam Ngư còn thấp hơn nước mắm hạng 2 và rõ ràng là chất lượng không đạt theo TCVN.

Bên cạnh đó, theo TCVN 5107/2003, thành phần quan trọng nhất của nước mắm là hàm lượng đạm. Đây là thành phần chủ yếu quyết định giá trị dinh dưỡng của nước mắm. Độ đạm là một thành tố tạo nên vị ngọt của nước mắm, độ đạm càng cao thì nước mắm càng thơm ngon.

Mặt khác, trên nhãn bao bì sản phẩm của Nam Ngư không ghi rõ độ đạm. Theo quy định hiện hành, dù độ đạm cao hay thấp thì nhà sản xuất đều phải ghi rõ ràng trên nhãn.

Cách ghi nhãn như vậy rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bởi, bản thân người tiêu dùng không phải ai cũng biết cách tính ra độ đạm khi đọc thành phần trên nhãn. Với cách tính độ đạm như trên, chỉ có những chuyên gia trong ngành mới biết, còn đối với người tiêu dùng là quá mập mờ vì nếu có đọc, chưa chắc người dùng đã hiểu chứ chưa nói đến việc tính hàm lượng đạm.

Không chỉ không đạt độ đạm và sử dụng nhiều chất phụ gia, nước mắm Nam Ngư còn khiến người tiêu dùng phải đặt câu hỏi về “nước mắm sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng”, được làm bằng “công nghệ loại bỏ vi khuẩn gây hại”.

Trên website của công ty Masan giới thiệu rất chi tiết về sản phẩm nước mắm Nam Ngư: “Sau 18 tháng nghiên cứu liên tục dựa trên những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất về ATVSTP  hiện đang được áp dụng trên Thế giới, vào tháng 11/2007, Công ty Cổ  phần Công nghiệp – Thương mại Masan đã cho ra đời nước mắm sạch Nam Ngư, đạt tiêu chuẩn ATVSTP của Bộ Y Tế.

Được sản xuất theo công nghệ hiện đại của Chin-su Foods với dây chuyền khép kín, Nam Ngư tự hào là sản phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng với tiêu chí “4 không: Không có Urê gây hại, không có vi khuẩn yếm khí gây biến đổi mùi, không có vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, không có nấm men, nấm mốc”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Thị Sửu – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm, việc nước mắm Nam Ngư quảng cáo như vậy là không đúng, lừa dối khách hàng.

“Khẩu hiệu “Vì sức khỏe” mà Nam Ngư đưa ra chủ yếu muốn nhấn mạnh đến công nghệ loại bỏ vi khuẩn gây hại. Nhưng việc không có vi khuẩn thì phải sử dụng chất bảo quản. Đã sử dụng chất bảo quản thì không thể tốt cho sức khỏe của con người”, TS Sửu nhấn mạnh.

Nước mắm hảo hạng Chinsu?

Qua khảo sát trên thị trường Hà Nội, sản phẩm nước mắm Chinsu hương cá hồi được bán tại các siêu thị, cửa hàng và trung tâm thương mại gồm 2 loại 500ml và 265ml.

Theo quảng cáo ghi trên nhãn sản phẩm chỉ rõ sản phẩm nước mắm “hương cá hồi thượng hạng”, nhưng ở phía trên sản phẩm lại có ghi rõ “loại hảo hạng”. Thậm chí, trong đoạn clip phát trên VTV, sản phẩm nước mắm Chinsu cá hồi cũng được quảng cáo: “Nước mắm hảo hạng Chinsu – Gia vị của người Việt”.

Như vậy, theo TCVN 5107:2003 thì nước mắm có độ đạm trên 30 độ được xếp vào loại đặc biệt, trên 25 độ là loại thượng hạng. Vậy, độ đạm của mắm Chinsu có đúng như tiêu chuẩn?

Trên sản phẩm có ghi loại hảo hạng

 

Chị Thương (Đống Đa – Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng có tìm hiểu về TCVN, nhưng không thấy có quy định độ đạm của nước mắm hảo hạng. Chỉ thấy nước mắm thượng hạng hay đặc biệt, hạng 1, hạng 2 mà thôi. Lúc mua, tôi cũng xem thử là nước mắm ở phân hạng gì nhưng cũng không biết có đáng tin hay không nữa?”.

TS Nguyễn Tử Cương – Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam cho hay: “Theo TCVN chỉ có 4 loại thuật ngữ dành cho nước mắm là thượng hạng, đặc biệt, hạng 1, hạng 2, còn hảo hạng là do nhà sản xuất tự đưa ra”.

Khi nghe quảng cáo về nước mắm Chinsu hương cá hồi thượng hạng, một số người tiêu dùng cho rằng nước mắm được làm từ cá hồi. Nhưng, cũng có người tiêu dùng lại tỏ ra hoài nghi.

Chị Tú (Xuân Thủy – Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Giá cá hồi đắt như thế, để làm được hương nguyên chất chị nghĩ cũng phải tốn một số lượng không nhỏ. Nếu dùng lượng cá hồi lớn thế, giá bán làm gì có mức dưới 30.000 đồng/chai loại 500ml, chị không biết có đúng là hương cá hồi nguyên chất không nữa”.

Còn giá bán cá hồi tại một số siêu thị không hề rẻ. Cụ thể tại siêu thị Big C niêm yết giá bán cá hồi fillet ở mức 425.000 đồng/kg, xương cá hồi 44.900 đồng/kg, lườn cá hồi ở mức 67. 900 đồng/kg. Tại siêu thị Fivimart, cá hồi cắt lát có giá 69.500 đồng/200g, cá hồi fillet có giá 69.500 đồng/200g.

Khi chúng tôi bày tỏ thắc mắc liệu mắm Chinsu có phải được chiết suất từ cá hồi hay không?. Một ông chủ của doanh nghiệp sản xuất nước mắm lớn cho rằng: “Hương đó có thể chỉ là tính chất nhân tạo, làm nước mắm bình thường sau đó bổ sung hương vào để cho vào nước mắm và người ta lấy nhãn như thế. Tuy nhiên, những hương đó muốn sử dụng phải được cấp phép và có quy định sử dụng theo tỷ lệ thích hợp”. 

Giá trị dinh dưỡng trong 100ml có ghi rõ Protein 7,5g

Nếu tính theo TCVN 5107:2003 trên đã nêu, mắm có độ đạm trên 25 độ là thượng hạng. Cụ thể với 7,5g protein/100ml ghi trên chai nước mắm Chinsu hương cá hồi loại 500ml, có thể tính ra độ đạm là 12. Như vậy, Chinsu có “hảo hạng” hay không thì cũng đã rõ.

Châu Anh – Gia Bảo