Tinh Hoa

Đừng quá đề cao tầm quan trọng của Internet

Trong một vài trường hợp, người sử dụng internet sẽ rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi quá tin tưởng vào mạng toàn cầu.

Và có vẻ như những vấn đề này đang cản trở quá trình kết nối của mạng toàn cầu vào đời sống thực. Dưới đây là những vấn đề tiêu biểu được tờ PCWorld rút ra:
 
1. Y tế
 
 
Nhờ vào những trang web như WebMD, toàn nhân loại đã có thể trở thành những bác sĩ đại tài. Tất cả những gì bạn phải làm đó là điền độ tuổi, đánh dấu những chứng bệnh mình đang gặp phải, và trang web sẽ hiển thị một danh sách hàng tá những căn bệnh có khả năng giết chết bạn chỉ trong vài giây đồng hồ! Một hậu quả gián tiếp khác, internet đã nghiêm trọng hoá những chứng bệnh chúng ta mắc phải. Liệu có bao giờ bạn thức dậy vậo một buổi sáng với cơn đau đầu nhẹ, và bạn nghĩ mình đang mắc một chứng bệnh nan y không?
 
2. Hỗ trợ kỹ thuật
 
 
Với internet, mọi nhu cầu trợ giúp cùng những lời khuyên hữu ích trên mọi lĩnh vực đều đã hiện diện. Dĩ nhiên việc bạn phải làm đó là click chuột và dạo qua những trang diễn đàn khổng lồ được điều hành bởi những người sử dụng dịch vụ, hoặc bởi chính nhà sản xuất. Tuy nhiên nếu như bạn không đủ kiên nhẫn để dò từng chủ đề, thì cũng đừng lo, vì chúng ta còn một sự trợ giúp khác đến từ chính các doanh nghiệp: Công cụ tư vấn khách hàng 24/7.
 
Vấn đề lập tức nảy sinh khi một vài công ty tạo ra những công cụ trợ giúp tự động được lập trình sẵn. Phần lớn thời gian, những chương trình này hoạt động hết sức hiệu quả, nhưng cũng không ít lần, chính sự trợ giúp này đã đẩy người tiêu dùng vào tình thế khó xử. Và như vậy, cuộc chiến giữa trách nhiệm của con người và “trách nhiệm” của những cỗ máy cũng vô tình nổ ra.
 
3. Những chuyến bay giá rẻ
 
 
Chắc hẳn bạn đã không ít lần nhìn thấy những mẩu quảng cáo về những hãng hàng không giá rẻ với những con số thực sự hấp dẫn. Đôi khi một số trang web còn cho phép bạn so sánh giá vé của các hãng hàng không khác nhau. Tuy nhiên thế giới ảo cũng lại trở thành một “kẻ đồng loã” tiếp tay cho các trang web kể trên.
 
Nhằm tinh giảm giá vé, qua đó thu hút khách hàng, nhiều trang web như Orbitz hay Travelocity đã sử dụng nhiều biện pháp “nhập nhèm” như cắt bỏ những khoản phí xếp chỗ ngồi, kiểm tra hành lý, cùng nhiều chi phí phát sinh khác. Đôi khi nếu cộng những khoản này, cái giá mà bạn phải bỏ ra để được bay những chuyến bay “giá rẻ” sẽ khiến bạn cảm thấy sốc!
 
4. Sự khác biệt giữa “Có mặt” và “Kết nối”
 
 
Nhờ có internet, mọi người đã có thể được thoả mãn nhu cầu kết nối với nhau. Ngày hôm nay, chỉ với một chiếc điện thoại, bạn hoàn toàn có thể biết được bạn bè của mình đang ở đâu, và có dự định làm gì, cũng như chia sẻ những thông tin tương tự. Tuy nhiên việc này không hề xảy ra “mọi lúc, mọi nơi”.
 
Bạn sẽ rất hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ thấy một người ngồi trong rạp chiếu phim, ôm khư khư chiếc điện thoại di động và cập nhật từng chi tiết của bộ phim đang được chiếu cả. Giữa thế giới ảo và đời sống thực luôn tồn tại những khoảng cách đáng kể, và những người thành công là những người biết cách cân bằng hai thế giới này, thay vì để một trong hai chiếm lĩnh trọn thời gian của họ.
 
5. Những mối quan hệ, cũ và mới
 
 
Một trong những điều tuyệt vời nhất khi sử dụng Facebook đó là việc bạn có thể tìm thấy một người bạn đã mất liên lạc trong một khoảng thời gian dài. Tương tự, việc gây khó chịu nhất đó là việc bạn bị tìm thấy bởi một kẻ đáng bị quên lãng.
 
Mọi sự việc diễn ra đều có lý do riêng, và việc quên đi một mối quan hệ cũng không phải ngoại lệ. Bạn đang chuẩn bị đi làm, trong khi trên Facebook của bạn tràn ngập những mẩu tin nhắn rủ đi chơi từ những người bạn học cùng cấp 3, thật không tiện chút nào phải không?
 
6. Thông tin
 
 
Quả thực, mạng toàn cầu đã đem lại cho chúng ta những tiện ích bất ngờ, cũng như những thông tin mà trong quá khứ khó có thể được biết đến: Tấm ảnh chụp gia đình của sếp chẳng hạn. Tuy vậy, vấn đề nảy sinh khi có quá nhiều thông tin thừa thãi được cập nhật. Lúc đó chính là lúc người sử dụng Internet thực sự gặp phiền toái trong việc lọc ra những thông tin thực sự hữu ích cho họ.
 
7. Mua sắm
 
 
“Cơn bão” đến từ những gian hàng, hay những trang web bán hàng trực tuyến đã tạo ra sức ép cho những gian hàng “vật lý” trong đời thực. Những cửa hàng dần dần không thể cạnh tranh với những gian hàng ảo đầy tiện lợi và có những dịch vụ hậu mãi đáng lưu tâm. Mua sắm điện tử, dĩ nhiên, có những tiện ích nhất định, tuy nhiên chúng thực sự chưa đủ sức để xoá sổ cách con người mua sắm trong nhiều thế kỷ qua.
 
Khi đi mua sắm tại một trung tâm nào đó, bạn có thể nâng niu, xem kỹ từng chi tiết sản phẩm bằng chính tay và mắt của mình, hay thậm chí là đem nó về nhà sử dụng dưới dạng sản phẩm dùng thử trong một khoảng thời gian giới hạn. Đó là những lợi thế mà mua sắm điện tử không thể (hay ít nhất là chưa thể) bắt kịp mua sắm truyền thống.
 
8. Tin tức
 
 
Những thế hệ trước đã quá quen thuộc với những bài báo dài nhiều mặt giấy trên những trang báo viết với những nội dung sâu và những phân tích toàn diện. Tuy nhiên thời kỳ của báo viết có vẻ đã lu mờ ít nhiều với sự trỗi dậy của mạng toàn cầu. Với tiêu chí cập nhật, ngày hôm nay bạn có thể tìm thấy không ít những bài báo với nội dung “cập nhật sớm nhất”, tuy nhiên lại chỉ dài vỏn vẹn vài dòng chữ. Mạng toàn cầu do đó đã đặt ra một vấn đề đáng lưu tâm giữa chất lượng và tính cập nhật của tin tức.
 
9. Độ tin cậy của thông tin
 
 
Wikipedia đã trở thành một cái tên không thể bỏ qua mỗi khi bạn cần tìm thông tin về mọi lĩnh vực của đời sống, tuy nhiên trong vài trường hợp, độ tin cậy của thông tin được đăng tải trên trang bách khoa toàn thư mở này vẫn còn là một ẩn số.
 
Bỏ qua mọi sự hồ nghi, chúng ta vẫn đang sở hữu một trang thông tin miễn phí đáng tin cậy nhất trên thế giới, thay thế cho những thư viện quốc gia đồ sộ với số lượng người được ra vào hết sức hạn chế, nhưng thông tin được lưu trữ tại đây có thể được tin tưởng tuyệt đối. Thêm một rào cản nữa ngăn cản mạng Internet có thể hoà cùng với cuộc sống thực.
 
10. Chữ viết
 
 
Để bắt kịp với tốc độ cập nhật nhanh chóng mặt của Internet, giới trẻ đã tạo ra một loại ngôn ngữ “viết tắt”. Điều đáng nói ở đây là ngôn ngữ “viết tắt” này đôi khi lại phá vỡ hoàn toàn những quy tắc ngữ pháp của nhiều thứ tiếng. Đáng báo động hơn cả là việc những giáo viên nói rằng học sinh của họ áp dụng cả “ngôn ngữ SMS” hoặc “ngôn ngữ chat” vào những bài tập làm văn chúng được giao về nhà. Điều này nếu không kịp thời chấn chỉnh có thể đem lại nhiều hậu quả đáng tiếc trong tương lai.