Những lãnh đạo tinh thần tại châu Phi tung hê Gadhafi (ngồi giữa) là “Vua của các vua” năm 2008. Ảnh: AFP. |
Chiến lược hướng tới châu Phi được đại tá Gaddafi bắt đầu thực hiện từ những năm 1990 nhằm nâng cao vị thế quốc tế của mình, sau khi bị các nhà lãnh đạo Ảrập xa lánh. Đây là điều dễ hiểu vì tiền của Libya không thể mua được ảnh hưởng cho Gadhafi tại các nước Ảrập giàu có, nhưng phát huy được tác dụng tại những nước nghèo hơn ở châu Phi.
Năm 2008, một số lãnh đạo tinh thần ở châu Phi đã tung hê Gadhafi là “Vua của các vị vua”, trong khi không ít chính trị gia nổi tiếng ở lục địa đen như Nelson Mandela coi Gadhafi là “Nhà lãnh đạo anh em”. Sự lên đời này của cá nhân Gadhafi đi kèm với khoản đầu tư lớn của Libya vào các nướ châu Phi, từ xây dựng đường xá đến hỗ trợ tài chính cho tổ chức Liên minh châu Phi (AU).
Dựa vào ảnh hưởng ngày càng tăng, Gadhafi coi châu Phi thuộc về mình và kêu gọi thành lập “Hợp chủng quốc châu Phi” đối chọi với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Nhưng thời lên voi của Gadhafi đã chấm dứt và trong khi trốn phe nổi dậy Libya, Gadhafi có thể đang tìm cách chạy sang một nước châu Phi để xin tị nạn và tránh sự tróc nã của Toà án hình sự quốc tế (ICC).
Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi có sự khác biệt về quan điểm với Gadhafi, nhưng họ thừa nhận đây là một nhà cách mạng của châu lục kể từ khi đảo chính lên nắm quyền ở Libya năm 1969. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni hồi tháng 2 bình luận: “Ở châu Phi, chúng ta đã hưởng lợi từ một số nhà lãnh đạo có đầu óc độc lập như Gamal Nasser của Ai Cập, Mwalimu Nyerere của Tanzania và Samora Machel của Mozambique”.
“Do đó tôi tin rằng Gadhafi vốn có đầu óc độc lập đã có những đóng góp tích cực cho Libya cũng như cho châu Phi và Thế giới thứ ba. Chúng ta cũng nên nhớ rằng ông ấy là người đã xoá bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ và Anh khỏi Libya kể từ khi lên cầm quyền”, BBC dẫn lời ông Museveni nói thêm.
Dường như các nhà lãnh đạo châu Phi đang lo ngại rằng sau cuộc nổi dậy tại Libya có sự hỗ trợ của NATO, Libya sẽ trở thành một “con rối” của phương Tây. Vì lý do này, Liên minh châu Phi (AU) đến nay vẫn từ chối công nhận Chính quyền chuyển tiếp (NTC) của phe nổi dậy như là chính phủ mới của Libya. AU cũng không ủng hộ toà án quốc tế truy tố Gadhafi các tội ác chiến tranh.
Tuy nhiên, hiện nay không có nhiều nước châu Phi sẵn lòng dang tay che chở cho Gadhafi. Burkina Faso từng được cho là đã mời nhà lãnh đạo thất thế của Libya sang tị nạn nhưng nay lại phủ nhận. Quốc gia nghèo này đang phải phụ thuộc vào viện trợ của Pháp, một nước tham gia liên quân đánh chế độ Gadhafi ở Libya.
Đại tá Muammar Gadhafi một thời “làm mưa làm gió” ở Libya và châu Phi. Ảnh: Telegraph. |
Theo học giả Shadrack Ghutto của Đại học Nam Phi, đại tá Gaddafi sẽ thuận lợi hơn nếu tìm cách tị nạn ở những nước châu Phi có quyền lực như Nam Phi hoặc Nigeria. “Bất cứ nước nào quyết định cho ông ấy tị nạn đều phải đủ mạnh để chống đỡ trước sức ép chính trị và kinh tế từ phương Tây”, ông Ghutto lý giải.
Nigeria từng chứa chấp nhà lãnh đạo bị lật đổ của Liberia là Charles Taylor năm 2003, nhưng họ phải hứng chịu sức ép dữ dội từ Mỹ và Anh đòi giao Taylor cho toà án của Liên Hợp Quốc xét xử về các tội ác chiến tranh. Sợ Nigeria chịu không nổi sức ép nên Taylor đã bỏ chạy sang Cameroon lánh nạn bằng đường bộ năm 2006, nhưng bị Nigeria bắt lại và chuyển giao cho toà án quốc tế.
Trường hợp của đại tá Gadhafi, người bị phương Tây săn đuổi còn gay gắt hơn Charles Taylor, thì càng khó có quốc gia châu Phi nào đủ “dũng khí” che chở. Vợ và một số con của Gadhafi đã sang tị nạn tại nước láng giềng Algeria, trong khi hôm qua có tin một đoàn xe bọc thép chở các quan chức cao cấp của chế độ Gadhafi đã vượt biên giới sang nước láng giềng Niger.
Ngay lập tức, NTC cảnh báo nước láng giềng Niger không được cho phép Gadhafi tị nạn nếu tính đến mối quan hệ với nước Libya mới trong tương lai. Trong khi đó, đại tá Gaddafi có sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhóm sắc tộc Tuareg ở Niger nên có nhiều phỏng đoán ông cũng có mặt trong đoàn xe sang Niger hôm qua.
Trước đây Gadhafi hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy của người Tuareg tại Niger. Hàng nghìn chiến binh Tuareg, gồm chỉ huy của họ là Rissa ag Boula, từng sang Libya phục vụ trong trong quân đội Gaddafi. Họ là lực lượng đánh thuê cho đại tá Gadhafi trong cuộc chiến chống phe nổi dậy và NATO. Boula hiện đã quay lại Niger và lực lượng chiến binh Tuareg có thể tạo ra sức ép để buộc chính phủ Niger chấp nhận cho đại tá Gadhafi tị nạn.
Nói cách khác, đại tá Gadhafi với uy tín gây dựng được trước đây có thể tìm cho mình một chốn dung thân ở châu Phi. Các nước châu Phi cũng có thể chấp nhận mối quan hệ không mấy tốt đẹp với chính quyền Libya mới để chứa chấp Gadhafi. Trong khi đó, chính phủ mới của Libya có thể đi ngược với chính sách của Gadhafi là buông châu Phi và hướng sang các nước Ảrập vốn ủng hộ NATO can thiệp vào Libya.
Như vậy, chế độ Gadhafi dù đã bị lật đổ nhưng tác động của cá nhân ông này đối với Libya và cả châu Phi vẫn chưa chấm hết.
Đình Nguyễn