Tinh Hoa

LHQ: 750.000 người Somalia có thể chết vì đói

Liên Hiệp Quốc cảnh báo có thể đến 750.000 người bị thiệt mạng khi tình trạng hạn hán ở Somalia trở nên tệ hại hơn trong những tháng tới.


Số trẻ em bị suy dinh dưỡng gia tăng

LHQ tuyên bố một vùng mới đang bị đói và nói rằng hàng chục ngàn người đã chết trong đợt hạn hán nặng nhất từ 60 năm qua ở Đông Phi.

Bay trở thành vùng thứ sáu đang có nạn đói, nơi phần lớn do phe Hồi giáo al Shabab kiểm soát.

LHQ nói khoảng 12 triệu người trên toàn khu vực đang cần viện trợ lương thực.

Số người chết ở khu vực Bay, nam Somalia, nay đã vượt quá ngưỡng để công bố là đang có nạn đói.

“Tổng cộng có 4 triệu người đang gặp khủng hoảng ở Somalia, với 750.000 người có thể bị chết trong những tháng tới nếu không có phản ứng kịp thời,” FSNAU, bộ phận phân tích về lương thực và dinh dưỡng của LHQ nói.

Cơ quan này cho biết phân nửa số người đã chết vì đói là trẻ em.

Các nơi lân cận như Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Kenya và Uganda cũng đang bị ảnh hưởng vì không có mưa.

Nhưng 20 năm giao tranh và không có chính phủ quốc gia khiến Somalia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính quyền được LHQ hậu thuẫn chỉ nắm quyền ở Mogadishu và một vài nơi khác mà thôi.

Hàng chục ngàn người Somalia đã rời bỏ đất nước. Phóng viên Đông Phi của BBC Will Ross nói hiện các tổ chức cứu trợ vẫn gặp khó khăn khi tìm đến với dân chúng trong những vùng trong tay nhóm Hồi giáo al-Shabab.

Nhóm có liên hệ với al-Qaeda này kiểm soát phần lớn miền nam, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, và giới hạn hoạt động của các tổ chức cứu trợ quốc tế.

Một số giới chức của al-Shabab cáo buộc các tổ chức cứu trợ phương Tây thổi phồng tình trạng hiện nay vì lý do chính trị.

Phóng viên chúng tôi nói một số hàng cứu trợ cũng đến nơi, nhưng không ở quy mô cần thiết.

Cho dù có mưa trong tháng 10 và 11, người dân vẫn phải cần viện trợ lương thực trong nhiều tháng cho đến khi có hoa màu mới.

Tại quận Wajir giáp ranh với Somalia của Kenya, nhân viên y tế cho biết số trẻ em bị suy dinh dưỡng gia tăng.

Nạn hạn hán đồng thời ảnh hưởng đến chăn nuôi vốn là nguồn sống của người dân tại những vùng khô cằn của Kenya.

Phóng viên chúng tôi nói tình hình vì vậy vẫn nghiêm trọng cho dù có mặt các tổ chức cứu trợ.

 Theo bbc