Tinh Hoa

Chú ý chế độ ăn cho người cao tuổi

Đề cập vấn đề dinh dưỡng ở tuổi già, giáo sư Nguyễn Thiện Thành có viết: “Người có tuổi như đèn treo trước gió, cơ thể ngày một yếu dần. Tính tình, khẩu vị cũng bỗng nhiên thay đổi. Chính vì thế, người cao tuổi cũng cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để hạn chế tối đa, phòng ngừa những bệnh thường dễ xâm nhập”.

 

Như vậy thì dinh dưỡng người già có vai trò quan trọng và có khác với những đối tượng khác.

Nguyên nhân

Tới tuổi già, có nhiều thay đổi sinh lý tự nhiên như: giảm khả năng nếm và ngửi thực phẩm từ tuổi ngoài 60. Trên 40% người cao tuổi (NCT) bị rụng mất hàm răng, do đó sự nhai nuốt thức ăn trở nên khó khăn. Tuyến nước bọt giảm hoạt động, nước bọt ít khiến thực phẩm trong miệng trở nên khô, nhai không nhuyễn. Cảm giác khát nước giảm khiến cho NCT ít uống nước. Dịch vị bao tử giảm, nhu động ruột và bao tử kém, khiến cho sự tiêu hoá thực phẩm giảm. Ít làm việc chân tay cho nên nhu cầu năng lượng bớt đi. Do đó sở thích và nhu cầu dinh dưỡng cũng phải thay đổi theo.

Các thay đổi này ảnh hưởng tới sự chuyển hoá thực phẩm cũng như loại thực phẩm tiêu thụ. Vì vậy quý cụ cũng nên để ý tới những món ăn thích hợp trong bữa cơm của mình.

Ngoài ra, NCT cũng thường dùng nhiều dược phẩm khác nhau, mà một số có thể làm giảm sự hấp thụ một vài loại thực phẩm. Chẳng hạn thuốc xổ giàu khoáng chất làm thất thoát các sinh tố A, D, E, K trong cơ thể; thuốc hạ cholesterol giảm khả năng tiêu hoá chất béo của gan.

Nói chung thì người già có thể giảm phần nào về số lượng thực phẩm trong bữa ăn nhưng chất lượng (quality) món ăn vẫn phải tương tự như khi còn trẻ. Món ăn cần cô đọng, có đầy đủ các chất dinh dưỡng chính yếu là tinh bột, đạm, béo và các vitamin, khoáng chất, nước.

Vài điều cần lưu ý

NCT không nên giới hạn dinh dưỡng, trừ khi tuyệt đối cần vì một bệnh mãn tính nào đó. Nếu tiêu hoá được thì cứ ăn đúng phần ăn đã sắp đặt.

Thực phẩm không quá cứng, dính, dai khiến cho các bác khó nhai và nuốt. Thay đổi độ đậm đặc thực phẩm như bằm, cắt nhỏ để dễ nhai nuốt. Khích lệ vận động cơ thể đều đặn như đi bộ, làm việc nhà, quét sân để giúp tiêu hoá thực phẩm và giảm táo bón.

Nếu mau no, ăn bữa chính vào buổi trưa. Khích lệ ăn chung với người khác, như vậy sẽ vui vẻ ăn nhiều và ngon miệng hơn.

Không lạm dụng thuốc nhuận tràng, rượu.

Hậu quả của suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng đưa tới thương tổn thể chất và tâm thần như: dễ mắc các chứng bệnh truyền nhiễm vì hệ miễn dịch suy yếu; tăng rối loạn với các bệnh chuyển hoá thực phẩm; giảm khả năng hoạt động trí óc cũng như chân tay; tăng nguy cơ tử vong vì suy nhược tổng quát, dễ đau ốm và khó phục hồi khi bị bệnh nặng.
Người già cần bổ sung:

– B6 và folic acid rất thường thiếu ở NCT.
– Người tuổi cao thường hay bị thiếu nước vì cảm giác khát nước giảm vì thế cần uống đầy đủ.
– Cần tiêu thụ đầy đủ chất đạm: nam 63g/ ngày, nữ 50g/ngày. Ít hơn trong suy gan, thận hoặc ít nhu cầu. Tăng thêm trong ung thư, loét da do tư thế nằm.
– Về tinh bột, mỗi bữa hai/ba chén cơm là đủ.
– Khi cảm giác nếm ngửi giảm, cần dùng thêm kẽm, folate, vitamin A, B12 và tăng một chút gia vị vào món ăn.
– Bổ sung vitamin C, D, folic acid, khoáng chất sắt vì thường hay bị thiếu trong phần ăn.
Dinh dưỡng thường không cung cấp đủ vitamin C cho nhiều NCT. Tác dụng chống oxy hoá của vitamin C có thể trì hoãn nhiều bệnh liên quan tới sự hoá già. Vitamin C có nhiều trong chanh, cam, dâu, cà chua, súp lơ xanh. Rất ít trong cá thịt.

Khẩu phần đề nghị

• Buổi sáng: điểm tâm với ngũ cốc khô + sữa + 1 trái cây như táo, chuối; một tuần lễ ăn trứng tráng một lần với bánh mì; ăn xôi nấu với đậu phộng + ruốc hoặc muối vừng; bánh cuốn chả hoặc tô phở nhỏ.

• Cơm trưa: một khay thức ăn với một khoanh cá hoặc miếng thịt, hoặc chục con tôm + rau luộc + chút nước mắm + bát canh. Nên luộc, hấp nướng, kho thịt cá hơn là chiên rán.

• Tối: ăn nhẹ nhiều rau, đậu hũ và lưng chén cơm + ly sữa. Ăn cá hai tuần một lần. Thịt cá to bằng lòng bàn tay là đủ.

• Nước uống: trà, nước lạnh, giới hạn nước có gas.

• Tráng miệng: nửa quả cam, quả chuối, lâu lâu sữa chua hoặc vài muỗng kem.

Nên dùng các món ăn có các loại ngũ cốc toàn vẹn, phong phú hoá và tăng cường như gạo còn chất cám có nhiều sinh tố, chất xơ.

– Nên ăn rau có màu sáng chói như càrốt, súp lơ xanh (broccoli) có nhiều chất chống oxy hoá. Trái cây màu sậm như dưa, trái mâm xôi (berries). Chế phẩm từ sữa có ít chất béo như sữa chua, sữa không đường. Đậu khô, các loại hạt, cá, gà, vịt, thịt nạc, trứng. Dầu thực vật lỏng, chất béo ít bão hoà. Uống nhiều nước.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức