Tinh Hoa

Điệp vụ đánh tháo Mussolini nổi tiếng

Năm 1943, Thủ tướng độc tài của Italia Mussolini bị lật đổ và bắt giữ. Phát xít Đức đã dày công tổ chức một chiến dịch giải cứu Mussolini. Tham gia vào chiến dịch này có Otto Skorzeny – một sĩ quan SS ranh ma xảo quyệt và trung thành với Hitler, với Đức Quốc xã đến mức cuồng tín. 12/9/1943, cuộc giải cứu thành công. Dưới đây là một phần trong quyển hồi ký của Otto Skorzeny về chiến dịch đó.

Nhận nhiệm vụ

Ngày 26/7/1943, tôi được lệnh triệu hồi khẩn cấp về dinh Quốc trưởng. Sau khi nghe tôi trình bày ngắn gọn lý lịch của mình: nơi sinh, học ở đâu, các giai đoạn sĩ quan dự bị và tình trạng hiện nay, Hitler lùi lại một bước và đột ngột ra câu hỏi đầu tiên: – Ai trong các ông biết nước Italia?
Chỉ có mình tôi đáp:
– Trước chiến tranh, tôi đã hai lần ở Italia, thưa Quốc trưởng. Tôi đã đi mô tô đến tận Napoli.   Ngay lập tức, một câu hỏi nữa cho tất cả:
– Các ông suy nghĩ gì về Italia?
Với vẻ bối rối, lúng túng, nhiều sĩ quan trả lời lắp bắp. Cuối cùng đến lượt tôi, tôi trả lời ngắn gọn:
– Tôi là người Áo, thưa Quốc trưởng.

Tôi cho rằng, chỉ cần đáp thế là đủ để bày tỏ quan điểm của mình. Bất kỳ một người áo chân chính nào cũng trải qua nỗi đau sâu sắc khi mất miền Nam Tiroli, một vùng đẹp nhất mà trước đó đã từng của chúng tôi.

Hitler đăm chiêu nhìn tôi, sau đó nói:
– Tất cả có thể ra. Còn ông, đại úy Scorseni, hãy ở lại. Tôi muốn trao đổi với ông.   Hitler bắt đầu:
– Tôi có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho ông. Thủ tướng Italia – Mussolini bạn tôi và là chiến hữu trung thành của chúng ta, hôm qua đã bị Quốc vương làm phản và bị đồng bào của ông ấy bắt giam. Cần giải thoát Mussolini một cách nhanh nhất. Tôi trao cho ông sứ mệnh này. Ông cần giữ bí mật tuyệt đối chuyện này. Ngoài ông ra, chỉ có 5 người nữa được biết về chiến dịch. Ông sẽ trực thuộc tướng Student. Bây giờ, ông sẽ gặp ông ấy.

Tôi bước vào gian phòng nhỏ ở bên cạnh của tướng Student. Viên tướng chưa kịp nói gì với tôi thì Himmler, sếp của SS xuất hiện. Phân tích các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Mussolini, Himmler đã liệt kê một số tên các sĩ quan, các nhà hoạt động chính trị và các quý tộc – trong số ấy tôi không hề biết một ai. Một số, Himmler gọi là lũ phản bội, còn số thứ ba, ông ta coi là những người bạn đáng tin cậy. Khi tôi lấy giấy bút định ghi thì Himmler bỗng nổi giận ngăn tôi lại:
– Ông điên rồi. Điều đó cần phải hết sức giữ bí mật. Ông phải nhớ lấy!

Otto Skorzeny

ít phút sau, tất cả đã được giải quyết: buổi sáng, tôi sẽ bay cùng tướng Student tới Rome. Chính thức tôi sẽ là sĩ quan tùy tùng của ông ta. Cùng thời gian này, 50 chiến sĩ trong đội xung kích của tôi sẽ bay từ sân bay ở Berlin tới miền Nam nước Pháp, rồi từ đó sẽ bay tới Rome cùng với các đơn vị của sư đoàn không quân cơ động đầu tiên cần có mặt ở mặt trận Italia. Buổi chiều hôm đó, tướng Student đưa tôi, với tư cách sĩ quan tùy tùng, đến chỗ Thống soái Kesenrinh. Viên tướng đó thề rằng, ông ta và bất kỳ người nào trong giới lãnh đạo quân sự Italia đều không biết tý gì về địa điểm Mussolini đang bị giam giữ.

Lần theo dấu vết

May sao, trong hàng trăm cái tên mà Himmler đã nêu ra, tôi lại nhớ được hai tên quan trọng nhất: Kapple và Donman. Kapple là đại diện của Gestapo tại Italia. Còn Donman là người đã sống ở Italia tương đối lâu. Theo lời khuyên của trùm SS Himmler, tôi và tướng Student đã có tiếp xúc với họ, nói về mục đích sứ mệnh của mình và yêu cầu họ giúp đỡ.

Chúng tôi được biết rằng, ở khắp thủ đô Italia đang có những tin đồn khác nhau. Một số nói rằng, Mussolini đã tự sát, số khác nói ông ta đang lâm trọng bệnh. Số thứ ba khẳng định Mussolini đang ở nhà nghỉ. Nhưng chúng tôi may mắn biết được rằng: buổi trưa ngày 25 tháng 7, Mussolini đã tới tiếp kiến Quốc vương. Từ lúc đó không ai nhìn thấy ông ta nữa. Như vậy, ông ta đã bị bắt ngay trong hoàng cung.

Trong số quan chức Italia mà Kapple giao tiếp, có một sĩ quan quân đoàn cácbin (tất cả lính tráng đều được trang bị súng cácbin. Viên sĩ quan này hé ra các tin tức quý giá: dường như Mussolini bị đưa đi trên chiếc xe cứu thương từ hoàng cung đến các doanh trại lính cácbin ở Rome. Việc điều tra của chúng tôi đã khẳng định thông tin này. Ngoài ra, chúng tôi còn biết tù binh bị giam ở chỗ nào, ở tầng nào của tòa nhà. Nhưng, đã 10 ngày trôi qua từ khi bị bắt, Mussolini có thể đã bị chuyển đến chỗ khác.

Tại một nhà hàng nhỏ ở Rome, chúng tôi đã làm quen với một thương gia buôn bán hoa quả. Con gái người hầu của một trong số các khách hàng của ông ta yêu một anh lính cácbin. Anh ta phục vụ trên đảo Ponsa, nơi có một trại giam, và anh ta thường viết thư cho người yêu của mình. Trong một bức thư, anh ta kể chuyện: có một người tù quan trọng, một nhân vật cao cấp nào đó bị đưa tới đảo. Thông tin này nhanh chóng được xác nhận, nhưng ngay sau đó, một sĩ quan hải quân trẻ, trong lúc nửa tỉnh nửa say đã lộ ra rằng: chiến hạm của anh ta mới đây đã chở Mussolini từ trại giam trên đảo Ponsa về thành phố nhỏ Spexia, nơi có căn cứ Hải quân của Italia bên bờ Liguri.

Sau đấy, chúng tôi nhận được nhiều tin tức từ nhiều nguồn khác nhau. Mọi tin đồn rằng, Mussolini ở một hòn đảo nhỏ hay tại một quân y viện của một thị trấn nhỏ nằm sâu trong rừng núi, đều là giả. Ngược lại, tin tức về sự có mặt của Mussolini ở một pháo đài bên bờ biển Xanta Madalena ở tận mũi Đông Bắc của Xardinia, được xác định đúng hơn cả. Các thông tin này đối với tôi quan trọng đến nỗi tôi quyết định bay ngay đến Xardinia và tự mình tiến hành trinh sát.

Tôi đem theo thuyền trưởng và trung úy Vargher trong đội của mình, bởi anh ta nói sõi tiếng Italia, đi trên chiếc tàu quét mìn của Đức, lượn khắp khu vực trên mặt nước của cảng và dọc các bờ của đảo. Nấp dưới cánh buồm, tôi đã chụp nhiều kiểu ảnh về các công trình của cảng và dù từ xa, tôi vẫn chụp được tòa biệt thự mà chúng tôi quan tâm hơn cả – đó là biệt thự Veber nằm ở ngoại ô thành phố. Sau đấy, tôi tìm cách xác minh “người tù quan trọng” là ai. Để đạt mục đích này, tôi quyết định dùng trung úy Vargher.

Vargher ăn mặc giả một thủy thủ bình thường của Đức. Trời nhập nhoạng tối, anh ta sẽ lân la ở các quán rượu và lắng nghe các cuộc trò chuyện. Khi nào tóm được câu chuyện về Mussolini, anh sẽ xen vào và tuyên bố rằng Mussolini bị bệnh nặng. Rõ ràng là ý kiến của anh sẽ bị bác lại và điều này cho phép Vargher đánh cuộc. Để thêm sức thuyết phục, Vargher phải đóng vai một kẻ nát rượu.

Kế hoạch của tôi có vẻ đơn giản, song lại có kết quả không ngờ. Một người bán hàng rong, hằng ngày thường đem hoa quả tới biệt thự Veber, nhận đánh cuộc. Để chứng tỏ cho Vargher, ông ta đã dẫn anh chàng tới ngôi nhà cạnh biệt thự và qua ô cửa tò vò của trần nhà, ông ta chỉ cho Vargher cái sân gác mà “tù nhân đặc biệt” thường đi dạo. Sang ngày hôm sau, Vargher quay lại vị trí quan sát này. ít bữa sau, anh ta đã biết gần chính xác số lính gác, thời gian thay gác, các điểm súng máy…

Đã tới lúc soạn kế hoạch hành động tiếp theo. Bằng cách nào có thể đưa được Mussolini ra khỏi biệt thự và đưa ông ra khỏi thành phố bằng phương tiện gì?

Những giả thiết trái ngược

Kế hoạch soạn xong thì bỗng nhiên – như sét đánh giữa trời quang – có lệnh từ hàn
h dinh Quốc trưởng: “Hành dinh vừa nhận được báo cáo từ Abver (Đô đốc Canaris) rằng, Mussolini đang ở một đảo nhỏ cách đảo Enba không xa. Đại úy Scorseni nhanh chóng chuẩn bị chiến dịch đổ bộ và thông báo về hành dinh thời gian có thể tiến hành chiến dịch. Hành dinh sẽ phê chuẩn kế hoạch chiến dịch”.

Thế này là thế nào? – Chúng tôi tự hỏi. Tuy rằng tình báo của đô đốc có các phương tiện thu thập tin tức cực kỳ hiệu quả, nhưng không lẽ những gì chúng tôi nắm được đều là tin nhảm cả hay sao? Vì ý kiến của chúng tôi đối lập nhau, nên tướng Student đề nghị được trực tiếp báo cáo với Quốc trưởng. Sau nhiều lần giải thích qua điện thoại, cuối cùng cũng được phép. Chúng tôi được lệnh bay ngay lập tức đến Đông Phổ và sau buổi trưa, vừa hạ cánh, chúng tôi đã biết rằng Hitler đang đợi.

Tướng Student giới thiệu vắn tắt về tôi, sau đấy ông nhường lời cho tôi. Theo khả năng, tôi trình bày rõ ràng, ngắn gọn và chi tiết các giai đoạn điều tra của chúng tôi. Nhiều chứng cứ có sức thuyết phục, nghiêng về giả thiết của chúng tôi, phù hợp với việc Mussolini hiện đang ở Xanta Madalena, đã gây được ấn tượng.

Những lý lẽ mà tôi trình bày đã thuyết phục được Hitler. Ông ta muốn tôi trình bày tiếp kế hoạch giải cứu Mussolini. Nhờ sơ đồ, tôi kể về dự án của chúng tôi mới phác thảo vài ngày trước. Tôi giải thích rằng, ngoài hạm đội tàu phóng lôi, tôi cần một số tàu quét mìn và ngoài 50 người của tôi, còn cần gần 1 đại đội quân tình nguyện từ biên chế của Lữ đoàn SS đóng lại Corxica. Mặt khác, để yểm trợ cho việc rút quân, tôi cần có quyền sử dụng các đại đội cao xạ của quân đội Đức ở Corxica và Sardinia. Nghe xong, Hitler rất tán thành và lệnh cho Đại đô đốc Denis, hãy ra các mệnh lệnh cần thiết cho các đơn vị của mình. Trong suốt thời gian tiến hành chiến dịch, phải hành động dưới sự chỉ huy của tôi.

Sau khi các tàu phóng lôi đã đến Xanta Madalena, Riedli, – đồng đội của tôi liền lên tàu quét mìn tới Corxica kiểm tra quân đổ bộ xuống tàu. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt tay nghiên cứu thêm biệt thự Veber và các vùng lân cận của nó. Mặc dù Vargher đã làm việc rất tốt, nhưng tôi vẫn quyết định tự mình đi kiểm tra lại tất cả một lần cuối. Chúng tôi “đi dạo” gần biệt thự và ngụy trang trong bộ quần áo lính thủy lôi thôi. Tôi tìm cách xem xét biệt thự và công viên bao quanh nó. Mọi thứ có vẻ yên tĩnh.

Trên đường quay về, tôi ghé qua một hiệu giặt. Lại thêm một điều may mắn nữa đến với tôi. Có một anh lính cácbin trong đội canh gác Mussolini ghé vào chơi với bà chủ hiệu. Tôi lấy cớ làm quen và cẩn thận hướng câu chuyện về việc sụp đổ của Mussolini. Mới đầu anh chàng có vẻ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề này. Anh ta chỉ hoạt bát lên khi tôi cho rằng, chắc là Mussolini đã chết, không chịu được các tình tiết trong phút lâm chung của Mussolini do tôi bịa ra, anh ta gào lên:

“Tôi vừa mới nhìn thấy Mussolini sáng nay. Chính tôi đã hộ tống ông ấy, khi họ chở ông ấy tới chiếc máy bay màu trắng để đưa ông ta bay đi đâu đó, rời khỏi đây”.

Trời! Quả là một điều bất ngờ! Chỉ tới lúc đó tôi mới sực nhớ rằng, chiếc thủy phi cơ cứu thương, chiều qua tôi vẫn còn thấy dập dềnh trên sóng bên cạnh bờ, sáng nay đã biến mất. Tôi đã nhận ra điều đó, song không mấy lưu ý. Mặt khác, tôi cũng hơi ngạc nhiên, khi nhìn vào biệt thự thấy lính gác có vẻ thảnh thơi.

Bây giờ, điều cần thiết trước hết là bãi bỏ chiến dịch và dừng ngay việc di chuyển lực lượng đến các vị trí.

Lúc này, “ngành tình báo” nhỏ bé riêng của tôi cũng thu thập được tin tức, gần như hoàn toàn chắc chắn, rằng Mussolini đang ở trong một khách sạn nằm ở chân đỉnh núi Gran Xarxo.
Suốt mấy ngày, chúng tôi cố tìm kiếm các bản đồ chi tiết của vùng này. Bởi vì khách sạn được xây xong không bao lâu trước chiến tranh, nên hiện giờ nó chưa có trên bản đồ. Để chuẩn bị một chiến dịch lớn, chúng tôi thấy rất cần có các bức ảnh chụp từ trên không, càng nhanh càng tốt.

Tướng Student giao cho tôi chỉ huy một chiếc máy bay có trang bị máy quay phim tự động. Sáng ngày 8-9, tôi cất cánh từ Pratica-di-Mar gần Rome, cùng với Riedli và một sĩ quan trinh sát ban tham mưu sư đoàn. Còn cách Gran Xarxo khoảng 30km, chúng tôi quyết định chụp vài kiểu ảnh để thử nghiệm chiếc máy quay to được lắp ở bụng máy bay. Đến lúc ấy mới phát hiện ra rằng cuốn phim bị dính vì quá lạnh (chúng tôi bay ở độ cao 5.500m).

Benito Mussolini

May sao, chúng tôi mang theo máy quay xách tay. Nhưng vì trong khi bay không thể mở hoàn toàn vòm kính lớn của cabin sau nên chúng tôi đành phải bẻ một phần của nó cho vừa tầm quan sát của camera. Thợ chụp ảnh buộc phải thò đầu, vai và hai tay qua lỗ này. Rất khó khăn tôi mới luồn được ngực qua lỗ, còn Riedli ngồi giữ chân tôi. Vài giây sau, chúng tôi bay qua trên Kampo-Imperator, một cao nguyên hoang dại địa hình phức tạp, rồi cuối cùng chúng tôi cũng bay qua trên mục tiêu của mình là khách sạn.

Đó là một công trình tương đối đồ sộ. Tôi chụp kiểu ảnh đầu tiên. Tôi nhận thấy ngay sau khách sạn là một bãi cỏ gần như hình tam giác. Lập tức, tôi nhủ thầm: đây là bãi hạ cánh cho máy bay! Tôi chụp tiếp kiểu ảnh nữa. Sau đó, tôi ra lệnh cho phi công quay 180 độ và lên cao 5.500m để bay qua đỉnh Gran Xarxo. Lần này đến lượt Riedli. Riedli luồn người ra, còn tôi quỳ xuống giữ chân cậu ta. Khi đỉnh núi đã nằm trong tầm nhìn, tôi bấm vào bắp chân cậu ta ra hiệu sẵn sàng.

Có lẽ chúng tôi đã không bay qua đúng đỉnh khách sạn, nên Riedli phải nghiêng người chụp cắt góc. Điều này rất có lợi, bởi vì những bức ảnh đó tốt hơn những bức ảnh chụp thẳng đứng và cho phép hình dung được độ dốc của địa hình. Sau đó tôi cho phi công các chỉ dẫn cụ thể: hạ độ cao xuống 1.500m và trở về, nhưng hơi chếch hướng lên phía Bắc. Tới Địa Trung Hải bay hẳn về phía Bắc Rome. Rồi lấy hướng về sân bay với độ cao gần sát mặt đất.

Mười lăm phút sau, tôi mới thấy rằng sự đề phòng này đã cứu sống chúng tôi, vì khi bay tới bờ biển, bất chợt tôi nhìn thấy các máy bay của địch dàn thành các hàng dày đặc bay đến Praxcati. Những quả bom chúng ném xuống thành phố, chính xác vào ban tham mưu của chúng tôi. Chỉ đến giây phút đó, tôi mới hiểu rằng, nếu tôi không ra lệnh bay vòng một chút lên hướng Bắc, thì chúng tôi đã bị vây ở giữa bầy dày đặc các máy bay của Đồng Minh. Khi về đến Praxcati, chúng tôi bị rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Ngôi nhà đặt ban tham mưu của tướng Student tuy không bị bom đụng đến, nhưng một sĩ quan cảnh báo rằng dưới tầng hầm có 2 quả bom nổ chậm. Chúng có thể nổ bất cứ lúc nào. Trong phòng ngủ vẫn còn các giấy tờ quan trọng, có cả các kết quả điều tra của chúng tôi nữa. Thế là chúng tôi leo qua lan can vào phòng của mình. Mặc dù trong phòng cực kỳ lộn xộn, nhưng chúng tôi vẫn tìm được hồ sơ của mình.

Kỳ II: Giờ G điệp vụ đánh tháo Mussolini (2)   (Theo “Các điệp viên và điệp vụ lừng danh thế giới”, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2008)