Mỹ đã hiện thực hóa kế hoạch tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria, tuy nhiên cuộc không kích này lại tiết lộ nhiều bất ngờ đáng lưu tâm. Dưới đây là 5 hé lộ quan trọng được CNN phân tích.
-
Các nước Ả-Rập tham chiến trong cuộc tấn công ISIS
Một điều tối quan trọng đối với Washington là phải tránh cho cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo trở thành chiến tranh thực sự của nước Mỹ. Đặc biệt, Mỹ phải ngăn chặn mọi cơ hội cho phép các phần tử cực đoan có thể quy kết đây là cuộc chiến của nước Mỹ chống lại người Hồi giáo và các nước Ả Rập.
Hoa Kỳ cho biết, Bahrain, Jordan, Ả-Rập Xê-Út, các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) và Qatar, những nước Hồi giáo thuộc dòng Sunni, đều “tham gia hoặc ủng hộ”chiến dịch tấn công chống ISIS, lực lượng cũng thuộc dòng Hồi giáo Sunni nhưng dùng bạo lực trấn áp tộc người Shite.
Việc Qatar tham dự liên minh chống ISIS lần này thực sự mang tính tích cực và gây bất ngờ. Lý do là vì Qatar đã tích cực ủng hộ các lực lượng đối lập chống chính quyền của ông Bashar al-Assad, và nhiều cáo buộc cho rằng nước này đã chi viện hỗ trợ giúp các nhóm Hồi giáo nổi dậy trở thành lực lượng nòng cốt đối phó chính quyền Syria.
-
Không chỉ tấn công ISIS, Hoa Kỳ còn nhắm mục tiêu vào Khorasan, các chiến binh thuộc nhóm khủng bố Al-Qaeda
Thông cáo báo chí do Lầu Năm Góc đưa ra có ẩn ý về một thông tin gây xôn xao dư luận, thể hiện bằng ngôn từ như sau: Mỹ “đã hành động để phá tan âm mưu hiện hữu tấn công chống lại các lợi ích của Hoa Kì và phương Tây”. Cho đến nay, các cuộc tranh luận về việc Mỹ nên hay không nên tham chiến tại Syria đã tham chiếu đích xác tới hiểm họa từ ISIS. Tuy nhiên, bên ngoài nước Mỹ, người ta còn lo ngại về một lực lượng nguy hiểm khác đang lớn mạnh là nhóm Khorasan, một tổ chức tập hợp các chiến binh al Qaeda giàu kinh nghiệm.
Bộ Tư lệnh Mỹ cho biết, quân đội nước này đã đơn độc tấn công kho đạn dược và vũ khí gây nổ, trại tập huấn và các cơ sở khác của Khorasan mà không có sự tham dự của các nước Ả rập. Thông qua tấn công al Qaeda, Mỹ đã giúp chặn đứng các nhóm có nguy cơ thay thế ISIS, nếu lực lượng này thất bại ở Syria. Tiêu diệt Khorasan có khả năng giúp lực lượng nổi dậy ôn hòa chiếm đóng những nơi mà ISIS bỏ lại, chứ không phải chính quyền của ông al-Assad hay các nhóm cực đoan khác.
-
Sự trỗi dậy của ISIS đã tạo nên cuộc cạnh tranh thánh chiến nhằm tấn công Hoa Kỳ
Sự nổi dậy của Khorasan để trở thành nhóm khủng bố mạnh nhất tại Syria đã tạo nên một cuộc đối đầu cao độ giữa các nhóm chiến binh thánh chiến ở Syria. Xét về mặt tích cực thì sự xuất hiện của Khorasan chứng tỏ ISIS và Al-Qaeda có nhiều kẻ thù, nhưng về mặt tiêu cực, các nhóm khủng bố có thể cố gắng thị uy với nhau bằng cách chĩa mũi tấn công vào Mỹ và phương Tây. Muhsin al Fadhli, 33 tuổi, người Cô-oét, là thủ lĩnh của nhóm khủng bố Khorasan, đồng thời cũng là đối tượng đứng đầu danh sách truy nã của nhiều quốc gia. Al-Fadhli giữ vị trí quan trọng trong việc chia tách giữa ISIS và Al-Qaeda ở Syria. Al Fadhli và thủ lĩnh ISIS là Abu Bakr al-Baghdadi tách bạch do hằn thù cá nhân. Vì Al-Baghdadi muốn lật đổ al Qaeda, trùm thánh chiến toàn cầu, nên hoàn toàn hợp lý khi cho rằng hai tổ chức này sẽ cạnh tranh về lực lượng cũng như tăng cường uy tín thông qua tấn công Mỹ và các nước phương Tây.
-
Máy bay chiến đấu của Syria bị Israel bắn hạ, mặc dù ông Al-Assad không bày tỏ thái độ về đợt không kích ISIS tại Syria
Cái khó khăn nhất trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria là các nhóm này đều muốn lật đổ chính quyền ông Al-Assad. Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ lập trường yêu cầu Tổng thống Al-Assad từ bỏ quyền lực. Trong trường hợp này, đối với Hoa Kỳ, kẻ thù của kẻ thù không phải là bạn. Washington vẫn khẳng định các cuộc tấn công vào Syria không cần sự chấp thuận của Tổng thống Al-Assad và sẽ “không có sự phối hợp hay hợp tác nào” với cả Syria hay đồng minh nước này là Iran.
Bộ Ngoại giao Syria cho biết, Hoa Kỳ đã thông báo cho đặc phái viên Liên Hợp Quốc của Syria trước khi thực hiện các cuộc không kích vào lãnh thổ nước này. Damascus đã không có bất kỳ hành động nào để phản đối sự vi phạm không phận của liên minh quân sự đối nghịch. Tuy nhiên, thay vào đó lại là một sự vụ khác. Israel sáng sớm Thứ Ba (23/9) cho biết đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria do xâm nhập không phận nước này. Phi hành đoàn may mắn sống sót. Chiếc máy bay đã bay khoảng nửa dặm vào lãnh thổ Israel thì bị hạ, mặc dù nước này luôn tuyên bố không có ý định tham gia vào cuộc chiến ở Syria. Đây là lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, Israel lại bắn rơi máy bay chiến đấu của Syria. Một vị tướng đã nghỉ hưu của Israel nói với New York Times, cho rằng máy bay bị bắn hạ sơ ý bay nhầm vào không phận Israel. Cho dù thế nào, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mức độ nguy hiểm của cuộc chiến tại Syria và khả năng nó sẽ bành trướng sang các quốc gia khác.
Cuộc công kích trực tiếp đầu tiên của Mỹ tại Syria diễn ra vào thởi điểm gần đúng một năm kể từ khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ tấn công lực lượng của ông Al-Assad vì các hành động vượt qua “lằn ranh đỏ” bằng vũ khí hóa học. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra, còn hiện giờ ông Obama lại đang tấn công kẻ thù của ông Al-Assad. Tuy tình huống này khá kỳ quặc và khó xử nhưng thời điểm đặc định cho đợt không kích lại tỏ ra khá hiệu quả về mặt chính trị cho Tổng thống Mỹ. Cuộc tấn công xảy ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Obama phát biểu trong kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, không chỉ tạo cơ hội cho mỗi quốc gia bày tỏ quan điểm trước cộng đồng quốc tế mà còn xây dựng những cuộc thảo luận giữa các nguyên thủ trên thế giới. Hoa Kỳ đang ở giai đoạn mang tính quyết định về mặt ngoại giao để giành sự ủng hộ nhằm chống lại lực lượng ISIS.
Tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Obama sẽ trình bày về lí do thích đáng cho sự nghiệp chống trả những kẻ cực đoan giết người hàng loạt đang nỗ lực tìm cách khủng bố Trung Đông và thế giới. Tổng thống Mỹ cũng cần tiếp sức nhằm xây dựng một chính phủ ít đảng phái ở Iraq để các nhóm Hồi giáo Shiite và Sunni tại đây có thể tham gia vào cuộc chiến sinh tử chống ISIS. Ông Obama cũng sẽ tìm cách chiêu mời những đồng minh mới và động viên đồng minh quen thuộc tham chiến, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ nhiều năm né tránh can dự vào nội chiến Syria, nơi hơn 200.000 người bỏ mạng, hàng triệu cư dân phải di tán, với hiệu ứng dây chuyền lan sang Iraq khiến hàng triệu người phải đến tị nạn ở Jordan, Li-băng và Thổ Nhĩ Kỳ… Cuối cùng Hoa Kỳ cũng đã hành động vì không còn sự chọn lựa nào khác và điều này cũng không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, nhiều bất ngờ có thể còn ở phía trước. Cho dù là rất khôi hài khi đợt không kích xảy ra vào đúng thời điểm diễn ra cuộc họp cấp cao của những quốc gia và tổ chức được cho là chuộng hòa bình nhất, nhưng có một thực tế là người dân trong những khu vực bị ISIS cai trị tại Syria đang ngầm vui mừng trước giải pháp đến từ nước Mỹ.
Hồ Duyên, Bùi Hương – Theo CNN