Thế giới thật sự náo động trong năm qua với các sự kiện nổi bật gây tác động toàn cầu, trong đó là các quyết định làm thay đổi cục diện của nhiều vấn đề.
Dưới đây là 5 quyết định chấn động có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trên khắp năm châu:
1. Người Mỹ chọn Tổng thống
Chiến thắng ngoạn mục của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump khiến cả thế giới choáng váng. Trái ngược với nhiều kết quả thăm dò trước cuộc bầu cử ngày 8/11, người Mỹ đã chọn tỷ phú New York làm Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, chứ không phải nữ chính trị gia Hillary Clinton tưởng chừng cầm chắc cơ hội chiến thắng.
Dù chưa nhậm chức, Tổng thống đắc cử Trump đã báo hiệu khả năng ông sẽ khuấy đảo toàn bộ hiện trạng của thế giới, từ mối quan hệ với Nga, Trung Quốc, Iran, tới các vấn đề quan trọng như Biển Đông, biến đổi khí hậu.
2. Người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU
Một quyết định bất ngờ khác là Anh Quốc bỏ phiếu rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU), một sự kiện được gọi tắt là Brexit. Các cuộc khảo sát cho thấy người Anh sẽ ở lại với EU, tuy nhiên kết quả bỏ phiếu vào tháng 6 đã khiến cả thế giới và chính người Anh sốc nặng vì đa số cử tri muốn rời khỏi liên minh.
Nhiều người tiếc nuối vì không ngờ rằng lá phiếu của họ đã dẫn đến một quyết định khó vãn hồi và có thể tiêu tốn của nước Anh hàng chục tỷ đô la Mỹ. Thất bại vì không vận động được người Anh ở lại EU, Thủ tướng David Cameroon đã tuyên bố từ chức. Khối liên minh có tuổi đời hơn 2 thập kỷ rơi vào trạng thái bấp bênh.
3. Nghị quyết lên án Trung Quốc
Ngày 13/6/2016, Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công và những tù nhân lương tâm khác. Nghị quyết cũng yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp đối với môn khí công ôn hòa này suốt gần hai thập kỷ qua.
Một tháng sau đó, Nghị viện Châu Âu cũng ra một thông cáo lên án hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, đồng thời kêu gọi các chính trị gia trên toàn châu lục hành động để chấm dứt tội ác kinh hoàng này.
Video: Giết người cướp nội tạng – Quốc doanh bí mật của Trung Quốc
4. Phán quyết Biển Đông
Tòa án Trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) đã ra một phán quyết về Biển Đông vào tháng 7, trong đó ủng hộ đơn kiện của Philippines và bác bỏ tuyên bố chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc tại vùng biển. Đây được coi là một chiến thắng và một căn cứ pháp lý quan trọng cho các nước có tranh chấp chủ quyển biển đảo với Trung Quốc tại Biển Đông, dù Bắc Kinh tuyên bố không tuân thủ phán quyết này.
Tuy nhiên, Tổng thống mới nhậm chức hồi tháng 6 của Philippines, ông Rodrigo Duterte, đột ngột tuyên bố phán quyết Biển Đông chỉ là một ‘mảnh giấy’, sau khi chia tay đồng minh Hoa Kỳ để hợp tác với Trung Quốc.
5. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Nhân ngày Trái đất 22/4, một thỏa thuận bước ngoặt nhằm cắt giảm lượng khí thải toàn cầu bắt đầu được ký kết tại Paris. Tới nay đã có 120 trong số 194 các bên tham gia phê chuẩn các cam kết trong hiệp định.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 4/11. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang đứng trước nguy cơ bấp bênh khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump cho biết, ông sẽ cần phải xem xét lại các vấn đề xung quanh chuyện biến đổi khí hậu.
Theo Đại Kỷ Nguyên