Trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc mở hầu bao hào phóng với chính phủ tham nhũng của các quốc gia từ Đông Âu tới châu Phi rồi sau đó buộc các nước này cắt đất để đóng căn cứ quân sự trong dài hạn.
Năm 2010, Sri Lanka vay Trung Quốc 1,5 tỷ USD để xây một cảng cỡ lớn tại thị trấn Hambantota. Sau khi hoàn thành, cảng này gần như không có tàu bè neo đậu và vận chuyển hàng hóa. Do giá trị kinh tế của cảng biển mới này quá thấp và không sinh lời, Sri Lanka không có tiền để trả lại Trung Quốc, vì thế họ đã ký hợp đồng cho thuê luôn toàn bộ cảng cho Trung Quốc trong vòng 99 năm. Công ty China Merchants Port Holdings có 70% cổ phần chi phối tại cảng Hambatota.
“Với thỏa thuận này. Chúng ta đã bắt đầu trả được nợ”, Thủ tướng Sri Lanka nói với Quốc hội, và cho biết chính phủ sẽ có thêm tiền để phát triển kinh tế và du lịch.
Nhưng những nhà phê bình nói rằng “giải pháp này có thể còn tệ hại hơn là căn bệnh“. Một số coi thỏa thuận này là tiền lệ để Trung Quốc chiếm chủ quyền trong thời gian dài ở các quốc gia mắc nợ Trung Quốc, những lãnh thổ mà mục đích cuối cùng của Trung Quốc là dùng cho quân sự.
“Có lo ngại rằng Trung Quốc sẽ biến cảng Hambatota tại Sri Lanka mà họ đã thuê 99 năm thành một căn cứ hải quân khác, theo đúng phương pháp bẫy nợ mà người Trung Quốc đã sử dụng ở Djibouti”, tờ Daily Caller của Mỹ nhận định.
Và một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Hambatota sẽ là quá gần tới mức gây khó chịu cho đối thủ Ấn Độ. Đây có thể là lý do tại sao Ấn Độ có thể phải mong muốn cân nhắc một thỏa thuận với Sri Lanka để tự bỏ tiền ra điều hành “sân bay trống trải nhất thế giới”. Sân bay quốc tế Mattala Rajpaksa, một địa điểm khá gần với cảng Hambatota – tức là cũng liền kề Ấn Độ – được xây dựng bằng những khoản vay lãi suất cao từ Trung Quốc. Sau khi hoàn thành và được phong là “sân bay cô đơn nhất thế giới”, chính phủ Sri Lanka nghĩ ra ý tưởng dùng vị trí của sân bay này và mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhằm để thuyết phục Ấn Độ chi tiền ra bù lỗ cho mình, tuy nhiên có vẻ Ấn Độ không hài lòng với kế hoạch này cho lắm.
2. Pakistan
Pakistan cũng là một quốc gia có vị trí gần Ấn Độ khác rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Hiệp ước song phương Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) có số kinh phí được loan báo là lên đến hơn 40 tỷ USD, vốn là một phần quan trọng trong dự án Vành đai – Con đường. Sau các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, Pakistan đã nợ Trung Quốc hơn 6 tỷ USD. Số nợ này cho phép Trung Quốc thực hiện một số tham vọng của mình. Đầu tiên Trung Quốc đã hoàn tất thương vụ thuê cảng nước sâu chiến lược Gwadar trong vòng 40 năm. Hiện nay, Trung Quốc lại cho xây một căn cứ quân sự tại Pakistan ngay gần với cơ sở thương mại mà Trung Quốc đã xây ở cảng Gwadar. Theo báo cáo “Thẩm tra tác động nợ của Sáng kiến Vành đai, Con đường từ quan điểm chính sách” của Trung Tâm Phát triển Toàn cầu xuất bản tháng 3/2018, Pakistan không chỉ nợ Trung Quốc hàng tỷ đồng, họ còn phải trả nợ với lãi suất cao, trong đó có các khoản lên tới 5%. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư Trung Quốc được cam kết lãi suất cao một cách không tưởng cho các dự án xây dựng tại Pakistan. Chẳng hạn, các dự án nhà máy điện do Trung Quốc đầu tư được chính phủ Pakistan hứa tỷ suất hoàn vốn 34% mỗi năm trong vòng 30 năm.
Nhưng có lẽ chính phủ Pakistan không muốn tiếp tục dấn sâu vào con đường nợ nần với Trung Quốc. Tháng 11/2017, Pakistan loan báo họ sẽ không “tìm kiếm nguồn tài chính từ Trung Quốc” cho một dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn mới. Pakistan nói rằng các điều kiện của Trung Quốc để cho vay dự án đập thủy điện Diamer-Basha trên sông Indus chi phí 14 tỷ USD “là bất khả thi và đi ngược lại lợi ích của chúng ta”. Pakistan cũng đang mấp mé khủng hoảng nợ, tức là họ có thể phải xin cứu cánh từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hơn nữa, sau cuộc bầu cử gần đây, hiện chưa rõ chính phủ mới của Thủ tướng Imra Khan sẽ làm gì với các dự án đang diễn ra với Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc tích cực ra bài khuyên ông Imra đừng tin lời đường mật của phương Tây và củng cố chặt chẽ quan hệ Pakistan – Trung Quốc. Liệu chính phủ mới của Pakistan có học được bài học gì sau khi buộc phải cho Trung Quốc xây căn cứ quân sự trên đất của mình hay không, có lẽ tương lai mới có thể rõ.
3. Montenegro
Montenegro là một quốc gia nhỏ bé nằm ở Đông Âu. Đây là quốc gia duy nhất không có đường cao tốc. Trung Quốc nhìn thấy điểm này và đã đề nghị xây cho Montenegro một con đường cao tốc. Chính phủ Montenegro lập tức đồng ý và gọi đây là “công trình thế kỷ và con đường dẫn tới thế giới hiện đại”, nhưng các nhà quan sát thì lại nói “Đường cao tốc không dẫn tới đâu của Trung Quốc” đang ám ảnh Montenegro.
Đây là một con đường cao tốc dài 100 dặm (160km), với nhiều cây cầu lớn và xuyên qua các thung lũng và núi đồi. Nhưng dân số Montenegro chỉ có 630.000 người mà họ lại định chi tới 950 triệu USD lên một con đường cao tốc? Đã có 2 nghiên cứu khả thi vào các năm 2006 và 2012, cả 2 đều kết luật rằng một dự án cao tốc ở một quốc gia nhỏ bé này sẽ không có đủ lưu lượng giao thông đáng để đầu tư một số tiền khổng lồ như vậy. Nhưng với sự giúp đỡ của nguồn tiền dễ dàng từ Bắc Kinh, việc xây dựng đã bắt đầu.
Nhưng dường như không có nhiều người Montenegro được hưởng lợi. 70% công nhân xây dựng là người Trung Quốc và một tòa án ở Bắc Kinh có quyền tài phán nếu xảy ra vấn đề tranh chấp giữa người địa phương và người Trung Quốc. Một quan chức Châu Âu giấu tên bày tỏ quan ngại về dự án này, nói rằng vì nó mà Montenegro đã hết tiền.
“Không gian tài chính của họ đã bị co lại rất nhiều. Họ đã tự bóp cổ mình. Và trong khi đó, con đường cao tốc này lại chẳng dẫn đến đâu”, Reuters dẫn lời vị quan chức này nói.
Tệ hơn, con đường đó mới chỉ hoàn thành một phần. Do bị đội vốn, nước này cần thêm 1,2 tỷ USD để hoàn thành nó. IMF nói rằng Montenegro không có khả năng vay chừng ấy tiền. Tỷ lệ nợ công trên GDP của quốc gia nhỏ bé này đã chuẩn bị vọt lên mức 80%, chính phủ Montenegro đã phải tăng thuế, ngừng trả lương cho công chức và cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đã thề sẽ hoàn thành con đường này “bằng mọi giá” và cam kết “tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các lãnh vực khác, trong đó có thủy điện và du lịch”. Đây chính là loại cam kết mà quan chức Trung Quốc muốn.
4. Maldives
Thiên đường nghỉ mát nhiệt đới Maldives đã không thoát khỏi số phận trở thành một con nợ của Trung Quốc, một phần do chính phủ nước này nổi tiếng là tham nhũng và quan liêu. Một chiếc Cầu hữu nghị Trung Quốc – Maldives với chi phí 225 triệu USD, phần lớn là đi vay từ Trung Quốc đã được xây dựng. Với việc vay tiền xây chiếc cầu này, tỷ lệ nợ công trên GDP của quốc đảo tuyệt đẹp này lên mức gần 100%. Điều đáng lo ngại là nếu mất khả năng trả nợ, Maldives sẽ sớm phải theo chân Pakistan “gán đất trả nợ” và Trung Quốc có thể lập một căn cứ quân sự mới ở đây – một vị trí trọng yếu gần Ấn Độ nữa.
Phản bác lại các lời chỉ trích, Đại sứ Trung Quốc mới đây tuyên bố việc Trung Quốc đầu tư ở Maldives là hoàn toàn bình thường và “các cáo buộc Trung Quốc thâu tóm đất đai và rải bẫy nợ là hoàn toàn vô căn cứ”.
5. Djibouti
Djibouti là một quốc gia nhỏ ở Châu Phi. Đây là nơi đầu tiên Trung Quốc xây dựng được căn cứ quân sự ở nước ngoài của mình thông qua chiến lược “cho vay – cắt đất” của mình. Đây là vị trí chiến lược bởi vì nó nằm rất gần một căn cứ quân sự khác của Mỹ.
Việc này đã gióng hồi chuông cảnh báo đối với các nhà quan sát Mỹ. Tờ Washington Post gần đây đặt câu hỏi: “Chính quyền Trump có thể ngăn chặn Trung Quốc chiếm lĩnh một cảng biển quan trọng ở Châu Phi hay không?” Cảng biển quan trọng mà họ nói tới là Doraleh Container Terminal tại Djibouti, có vị trí chiến lược ở cạnh Biển Đỏ và Vịnh Aden. Tháng 2/2018, chính phủ Djibouti đã quốc hữu hóa cảng này sau một tranh chấp với hãng vận tải Dubai DP World. Từ đó, có các báo cáo rằng chính phủ Djibouti đang muốn thỏa thuận với một công ty nhà nước Trung Quốc để cùng điều hành cảng biển này. Cảng biển này là lối vào chính cho các căn cứ quân sự của Mỹ, Pháp, Ý và Nhật Bản đóng tại Djibouti và là một địa điểm tối quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố tại Châu Phi và Trung Đông.
Quân đội Mỹ đang cảnh báo nếu Trung Quốc chiếm được cảng Doraleh, “lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ sẽ bị nguy hiểm”. Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng cảnh báo rằng trong khi chính phủ Djibouti ngày càng mắc nợ Trung Quốc nhiều hơn, quan hệ với Trung Quốc của quốc gia Châu Phi này càng thân thiết hơn.
>>>Đều là đặc khu hành chính, tại sao Hong Kong “nổi loạn” còn Macau “biết điều”?
Theo Trithucvn