Tinh Hoa

5 phương thuốc cần “thủ sẵn” nếu phòng mạch bác sĩ đóng cửa ngày Tết

Vào dịp Tết nhất, một số phòng khám có thể đóng cửa đến vài ngày, do đó bạn nên trang bị cho tủ thuốc nhà mình những phương tiện cấp cứu đơn giản mà cực kì hiệu quả sau.

Dưới đây là một số loại thuốc gia đình có thể sẽ trở thành vị cứu tinh của bạn trong dịp Tết này:

1. Thuốc hạ sốt, cảm cúm

Do đi lại nhiều, hơn nữa thời tiết ngày Tết thường lạnh hoặc nắng bất thường, các triệu chứng nhức đầu, chảy mũi rất dễ xảy ra. Việc tích trữ các loại thuốc hạ sốt, cảm cúm, kháng sinh trong những ngày Tết là rất cần thiết.

Nếu bị cảm nhẹ, bạn có thể dùng một ly trà gừng nóng để giải cảm. Theo báo Sức khỏe & Đời sống, bạn đồng thời nên trữ sẵn panadol (trị đau đầu), decolgen (trị hắt hơi, sổ mũi), kẹo ngậm ho như tyrotab, strepsil. Hạn chế dùng kháng sinh khi không có toa của bác sĩ. Không nên uống thuốc quá liều so với tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Theo Đông y, bạn có thể dùng 1 tách trà mật ong kèm gừng lát mỏng để giải cảm, trị ho rất hiệu quả nếu bệnh nhẹ. Trường hợp bệnh nặng phải đến viện khám ngay.

2. Thuốc tiêu hóa

Việc cùng lúc dùng nhiều thức ăn giàu đạm, nước ngọt, rượu bia, bánh kẹo… sẽ dễ gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ở trẻ em. Vì vậy, bạn nên dự trữ thuốc tiêu hóa đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra. Thường nhất là đầy bụng, khó tiêu hay ợ hơi, ợ chua do uống nhiều rượu bia.

Theo Sức khỏe & Đời sống, bạn có thể trữ sẵn các thuốc viêm dạ dày như omeprazol 20 mg (ngày 1 viên), phosphalugel (tráng bao tử ngày 2-3 gói sau bữa ăn 1 tiếng). Nếu bị tiêu chảy, đi ngoài chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng mất nước. Do vậy, bạn hãy bù lượng nước đã mất bằng orezon. Mỗi gia đình nên có trong tủ thuốc 10-15 gói oresol.

3. Thuốc dị ứng

Tết là thời gian các gia đình thường có những chuyến đi xa hoặc về quê và thưởng thức nhiều món ăn khác nhau. Nguy cơ dị ứng với đồ ăn lạ hoặc do thời tiết, thay đổi môi trường sống… cũng từ đó mà gia tăng. Các bác sĩ khuyên bạn nên mua sẵn các thuốc có dạng bôi chống ngứa như crotamiton – menthol và kháng viêm như prednisolone 5mg, chlorpheniramine 4mg, fexofenadine 60mg (viên uống) trong trường hợp bị dị ứng do ăn phải thức ăn lạ hoặc bị côn trùng cắn.

Hãy chuẩn bị sẵn một số loại kem bôi đề phòng trường hợp dị ứng.

4. Thuốc trị bỏng

Trong những ngày Tết, nhu cầu nấu nướng của các gia đình đều gia tăng. Ngoài ra cũng không loại trừ một số nguy cơ bỏng do bô xe, xoong nồi nóng, than lửa… Cho nên ngoài việc tìm hiểu cách sơ cứu cơ bản, bạn nên mua thêm các loại thuốc trị bỏng đề phòng như panthenol dạng kem bôi hoặc dạng xịt, mỡ trăn… Khi bị bỏng, hãy ngay lập tức đặt vết thương dưới vòi nước mát đang chảy trong 5-30 phút cho vết bỏng dịu bớt, sau đó tùy vết bỏng lớn hay nhỏ mà có phương án xử lý tiếp theo.

5. Thuốc nhỏ mũi, mắt và tai

Ngày Tết đi lại nhiều trong điều kiện không khí bụi bặm dễ gây khó chịu cho mắt và mũi. Bạn cần dự trữ sẵn nước muối sinh lý Natri clorid 0,9% dùng nhỏ mắt trong các trường hợp khô mắt hoặc cảm giác khó chịu, dùng để rửa mắt do bụi, rửa trôi các dị vật nhỏ bám vào mắt, làm giảm các triệu chứng nghẹt, sổ mũi. Nếu bị viêm tai, ngứa tai thì lấy thuốc nhỏ tai theo hướng dẫn.

 Theo bestie.vn