5 kiểu nhà truyền thống của Trung Hoa bạn nên tìm hiểu trước khi chúng biến mất
Kiến trúc nhà ở truyền thống của Trung Hoa có lịch sử rất lâu đời và phân bố rộng rãi. Tùy thuộc vào môi trường tự nhiên và tình hình nhân văn các khu vực, mà kiến trúc nhà ở các nơi cũng thể hiện bô ̣mặt đa dạng hoá.
Trung Quốc là một đất nước với khoảng 56 dân tộc cùng sinh sống, và giữa các vùng lãnh thổ có sự khác biệt rất lớn về khí hậu và địa hình, bởi vậy, nhà ở của người dân có sự đa dạng về kiến trúc, và phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như điều kiện tự nhiên ở địa phương.
Nhà ở Trung Quốc cơ bản có thể phân làm một số loại như: Nhà ở kiểu quy củ (lạc viện), kiểu lầu cao và kiểu hang động. Trong tất cả các hình thức, kiểu quy củ là loại nhà phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Nhà ở kiểu quy củ xuất hiện sớm nhất vào thời Tần – Hán (221 – 220 TCN), Tứ hợp viện Bắc Kinh là đại diện điển hình cho kiểu nhà này. Hai loại nhà còn lại thì có đặc trưng địa hình rõ nét, là loại hình kiến trúc bảo tồn được đặc trưng kiến trúc nguyên thủy nhiều nhất.
1. Tứ Hợp Viện (Siheyuan)
Theo truyền thống, tứ hợp viện là nhà ở của một gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống. Giữa các thành viên gia đình cũng như nhà ở của họ được sắp xếp theo một trật tự nghiêm ngặt.
Các gian nhà trong Tứ hợp viện đều được sắp xếp dành cho chủ nhân theo thứ tự già trẻ lớn bé, những gian nhà khác bất luận ngang dọc hoặc cao thấp, trang trí cũng như xây dựng đều phải thấp hơn gian nhà chính. Kết cấu như vậy khiến cho gian nhà chính không những là trung tâm sinh hoạt của cả gia đình, mà còn là biểu tượng của đời sống tinh thần gia tộc.
Tứ hợp viện là loại nhà ở khép kín; dùng những căn phòng, hành lang, tường bao để quây lại, chỉ có duy nhất một cửa thông ra ngoài, đóng cửa lại trở thành một góc trời riêng, có tính riêng tư rất lớn, vô cùng phù hợp để gia đình sinh sống.
Trước áp lực về dân số, các nhà phát triển và quy hoạch đô thị thường ưa chuộng nhà chung cư hơn hơn là kiểu truyền thống này. Tuy nhiên, cũng có một số dự án đang cố gắng tạo nên một cảm giác mới mẻ khi kết hợp giữa kiến trúc hiện đại với nguyên tắc thiết kế của tứ hợp viện – hồ đồng này.
2. Thổ Lâu (Tulou)
Nằm ở vùng Đông Nam của tỉnh Phúc Kiến, những “thổ lâu” độc đáo này chính là những ngôi nhà bằng đất của người Khách Gia (Hakka), được thiết kế và xây dựng từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ 20.
Thổ lâu là một điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc Trung Hoa cổ đại. Người ta kết hợp giữa đất và xà gỗ để tạo nên những bức tường dày, hình trụ. Mỗi thổ lâu có chiều cao từ 3 đến 5 tầng, và nó tạo thành pháo đài bảo vệ người dân khỏi các đợt tấn công từ bên ngoài.
Mỗi thổ lâu chỉ có một lối vào duy nhất ở tầng một và không hề có cửa sổ. Ban công, cửa ra vào, và các không gian mở đều hướng vào bên trong của thổ lâu nhằm tối ưu việc bảo vệ cư dân khỏi nguy hiểm tiềm ẩn từ bên ngoài.
Mỗi nhà cấu trúc dạng này có thể chứa người của cả một gia tộc lên đến hàng trăm, và nó hoạt động như một ngôi làng nhỏ với không gian mở rộng rãi dành cho các hoạt động cộng đồng ở bên trong.
Không giống như cấu trúc phân chia nơi ở theo thứ bậc của tứ hợp viện, cư dân sinh sống trong thổ lâu được phân bố bình đẳng. Chính hình dạng vòng tròn của thổ lâu cũng phản ánh việc đề cao giá trị cao cộng đồng này. Năm 2008, tập hợp 46 thổ lâu đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
3. Nhà tre dân tộc Thái ở Vân Nam
Dân tộc Thái là một trong những dân tộc cổ xưa tại Vân Nam. Thôn trại dân tộc Thái thường phân bố trên những đồng cỏ rộng lớn và bên những dòng sông xanh trong, thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt và giặt giũ.
Mặt bằng nhà tre gần như là hình vuông, để thông gió, tỏa nhiệt và tránh ẩm, tầng trệt không ngăn vách, dùng làm nơi nuôi gia súc và chứa đồ đạc. Hành lang trước có mái che, xung quanh được rào bởi những lan can, không khí lưu thông, thoáng đãng, ánh sáng tốt, là nơi chủ nhân dùng để tiếp khách, hóng mát và sinh hoạt.
Bên ngoài có sân phơi ngoài trời, dùng để đặt lu nước và phơi quần áo. Trong nhà là phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ, trong phòng sinh hoạt chung có bếp lửa, dùng để nấu cơm và pha trà, là nơi cả gia đình đoàn tụ.
4. Diêu động (Yaodong)
Diêu động là một kiểu kiến trúc nhà ở phổ biến của các tỉnh thuộc miền Bắc Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là ở tỉnh Thiểm Tây.
Diêu động, hay những ngôi nhà trong hang, sử dụng đất lấy từ sườn đồi như vật liệu cách nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ, giúp mát mẻ vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông.
Các ngôi nhà có thể được tạo nên bằng cách đục trực tiếp vào sườn đồi, hay đào xuống đất để tạo ra một nơi cư trú dưới lòng đất, hoặc được xây dựng độc lập bằng gạch tự đóng. Nhiều ngôi nhà được xây dựng san sát nhau tạo thành một ngôi làng gồm nhiều cấp và là nơi sinh sống của một thị tộc hoặc gia đình mở rộng.
Khi ngày càng nhiều thanh niên rời làng đến các thành phố lớn để tìm việc làm, ngày càng ít cư dân sinh sống trong diêu động. Tuy nhiên, thập niên vừa qua đã chứng kiến nhiều nghiên cứu đánh giá cao về lợi ích kinh tế và môi trường của cuộc sống ở diêu động, và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã gặt hái được nhiều thành công trong việc xây dựng và tiếp thị các nhà ở kiểu mới với kiến trúc xanh và các chọn lựa nhà ở tối ưu.
5. Thạch Khố Môn (Shikumen)
Khác với tứ hợp viện, thổ lâu, và diêu động – những nơi cư ngụ đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, thạch khố môn của Thượng Hải là di tích của đầu thế kỷ 20, khi người Pháp mang theo văn hóa phương Tây đến pha trộn với phong cách kiến trúc của thành phố này.
Nhà thạch khố môn được làm từ gỗ và gạch được đặt liền kề nhau với độ cao không quá ba tầng… Các dãy nhà tạo nên các con hẻm yên tĩnh. Ngôi nhà tương đối nhỏ và người dân nơi đây thường dành phần lớn thời gian ở ngoài con hẻm để làm mì sợi, giặt quần áo, chơi bài và uống cà phê, một lối sống riêng của người Thượng Hải.
Nhà theo phong các thạch khố môn có cổng làm bằng đá, trên cánh cổng thường có chiếc vòng sắt cỡ lớn dùng để gõ cửa, và chiếc cổng được trang trí hoa văn và gắn hoa theo phong cách nghệ thuật Deco, các họa tiết hình học biểu thị cho Thời đại nhạc Jazz (Jazz Age) của Thượng Hải.
Mặc dù 60% cư dân của thành phố Thượng Hải sống trong các tòa nhà thấp tầng, nhưng gần đây, nhà nước đã giải tỏa nhiều khu nhà thạch khố môn để lấy mặt bằng xây dựng chung cư cao tầng, đổi lại, người dân được nhận tiền đền bù hoặc một căn hộ mới trong các tòa chung cư đó. Tất nhiên, điều này sẽ khiến cuộc sống vỉa hè, một nét truyền thống của người Thượng Hải không còn phù hợp.
Đối với một người dân bình thường, việc ngăn cản hay trì hoãn sự biến mất của thạch khố môn dường như là điều không thể. Tuy vậy, các dự án như Shanghai Street Stories của Sue Anne Tay và Cardboard Thạch Khố Môn của Richard Liwei Huang vẫn đang cố gắng lưu giữ những ký ức và thiết kế nhà ở dựa trên các tài liệu và câu chuyện kể về người Thượng Hải xưa.
TinhHoa tổng hợp