Chắc hẳn bạn đã từng thấy phong thái chuyên nghiệp của những nhà thuyết trình lão luyện như Steve Jobs, Bill Gates,… Để đạt được đến vậy, họ cũng tốn khá nhiều thời gian để chuẩn bị và luyện tập đấy.
Có bao giờ việc phát biểu trước một hội trường đầy ắp người khiến cho dạ dày bạn nôn nao, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi, và giọng nói thì run run?
Mặc dù vậy, thì bạn cũng không phải là người duy nhất bị “hội chứng” thiếu tự tin này.
Nhiều người do tính cách hướng nội, ít thể hiện mình mà e ngại việc phát biểu trước mọi người. Nhưng môi trường kinh doanh, gặp gỡ đối tác, tham dự hội nghị bắt buộc chúng ta phải biết cách tự tin khi phát biểu hoặc thuyết trình.
Dù với căn phòng vài người hay hội trường tới vài trăm người, bạn vẫn cần tự tin. Vậy, bạn cần làm gì để chiến thắng nỗi sợ hãi đó. Câu trả lời chỉ gồm hai chữ đó là: LUYỆN TẬP.
1. Cố gắng tập trung vào khán giả
Nếu ai đó đã từng khuyên bạn rằng, khi nói tránh giao tiếp bằng mắt với khán giả sẽ giúp bạn bớt căng thẳng thì đừng nghe họ. Mặc dù đây là lời khuyên khá phổ biến nhưng không hề hữu ích với việc đẩy lùi căng thẳng của bạn.
Nếu muốn giảm căng thẳng, hãy thật sự chú tâm vào người nghe. Hãy tập trung vào những người đang lắng nghe bài phát biểu của bạn. Điều này sẽ giúp bạn dời sự chú ý của mình khỏi những suy nghĩ nội tâm mà vào thời điểm này có lẽ là đầy tự nghi ngờ và tiêu cực.
Thêm nữa, việc biết họ chăm chú lắng nghe bạn, sẽ giúp bạn thêm tự tin hơn.
2. Luyện tập trước gương
Nếu bạn không thể phát biểu trôi chảy khi chỉ có “mình với ta” thì làm sao bạn có thể thuyết trình trước mọi người? Và lúc này luyện tập chính là “chìa khóa thành công”
Bạn có thể tự nói cho mình nghe, hoặc tự đứng trước gương và nhìn thẳng vào gương khi thuyết trình. Điều này không chỉ giúp bạn giảm căng thẳng do có sự chuẩn bị trước mà còn giúp bạn điều chỉnh các ngôn ngữ cơ thể sao cho thật đẹp và nhuần nhuyễn.
Hãy nhớ, các cơ mặt phải thả lỏng và thật tự nhiên bởi nếu vẻ mặt bạn căng thẳng, khán giả cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Người ta nói rằng nếu bạn thất bại trong việc chuẩn bị, bạn đã chuẩn bị sẵn cho việc thất bại. Vì thế một sự chuẩn bị chu đáo luôn cần thiết trước mỗi lần thuyết trình.
3. Tạo ấn tượng ban đầu tốt
Thông thường giai đoạn khởi đầu khiên hầu hết mọi người đều căng thẳng bởi đó chính là ấn tượng đầu tiên. Việc bạn thể hiện trong khoảng thời gian này sẽ xác định cách bạn tiếp cận các phần còn lại của bài phát biểu của mình, vì vậy điều quan trọng là hãy khởi đầu thật thông minh, thu hút người nghe.
Người xưa có câu, đầu xuôi thì đuôi lọt. Một sự khởi đầu tốt sẽ giúp bạn thêm tự tin.
4. Hãy biến bài thuyết trình mang dấu ấn cá nhân của bạn
Thuyết trình khác với việc đọc lại các dữ liệu từ sách hoặc tài liệu. Công việc của bạn là sử dụng những thông tin bạn đã có được từ nghiên cứu và thêm thông tin hoặc quan điểm của riêng cá nhân của bạn.
Ví như thuyết trình về bức tranh khởi nghiệp năm 2015, bạn có thể kể một câu chuyện khởi nghiệp của anh bạn hoặc đồng nghiệp. Sau đó rút ra một số những lời khuyên hữu ích, làm cho bài thuyết trình mang dấu ấn cá nhân của riêng bạn, và để thu hút sự chú ý của khán giả.
Bạn đang tự hỏi làm thế nào việc thực hiện một bài phát biểu gây ảnh hưởng hơn sẽ giúp bạn bình tĩnh và thêm tự tin? Rất đơn giản, khi bạn tự tin về mặt nội dung, thu hút được khán giả, bạn sẽ bỏ được “gánh” lo lắng xuống và trở nên thoải mái hơn.
5. Luyện tập thuyết trình
Nếu có thể hãy đến nơi bạn sẽ thuyết trình từ trước để làm quen với sân khấu, để tìm vị trí đứng lý tưởng. Những việc này sẽ giúp bạn loại bớt căng thẳng bởi đã làm quen với “sân khấu” từ trước.
Ngoài ra việc này cũng giúp loại bỏ các trục trặc kĩ thuật phát sinh trong khi thuyết trình. Bạn biết đấy, “đang hay mà đứt dây đàn” thì bạn chứ không ai khác sẽ là người bối rối nhất.
Các nhà lãnh đạo hiệu quả nhất là thường là những người thuyết trình giỏi nhất. Ta có thể kể ở đây như Bill Clinton, Richard Branson, Bill Gates…
Vì thế chinh phục nỗi sợ hãi này sẽ có lợi cho sự nghiệp của bạn trong tương lai.