Tinh Hoa

Thế giới mở hội nghị về Libya thời hậu Gadhafi

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron cùng đại diện của gần 60 nước chiều nay dự hội nghị quốc tế về Libya thời hậu Gadhafi, diễn ra tại Paris.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ cùng chủ trì hội nghị về Libya tại Paris. Ảnh: AFP.

Trong số khoảng 60 nước cử đại diện dự hội nghị “Những người bạn của Libya” tại Paris có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng đại diện của Trung Quốc và Nga, nước mới công nhận Hội đồng chuyển tiếp quốc ga (NTC) là chính phủ hợp pháp của Libya, đồng nghĩa với việc từ bỏ công nhận chế độ Gadhafi.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng sẽ tham dự hội nghị tại Paris, mở màn đúng vào ngày kỷ niệm 42 năm đại tá Gadhafi lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Vua Idris để lên cầm quyền tại Libya. Tính đến khi phải trốn chạy khỏi thủ đô Tripoli tuần trước, Gadhafi là lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất châu Phi.

Giới phân tích cho rằng hội nghị tại Paris lần này sẽ kết thúc nhanh và chỉ mang tính biểu tượng, nhưng đây là một cơ hội nữa để NTC ra mắt thế giới và kêu gọi hỗ trợ về an ninh, tái thiết đất nước. Nhưng đến nay họ vẫn chưa tìm được đại tá Gadhafi và con trai của ông là Saif al-Islam hôm nay còn tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng.

Libya có nguồn thu đầy tiềm năng từ dầu mỏ và chỉ có dân số nhỏ, nhưng họ sẽ vẫn cần sự hỗ trợ từ quốc tế để tái thiết đất nước. Điều này sẽ không quá khó khăn vì nhiều nước, trong đó có Anh, Pháp và Italy, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ cho chính phủ mới tại Libya điều hành đất nước.

Những công việc cần phải phục hồi khẩn cấp tại Libya là dịch vụ điện nước và cung cấp nhiên liệu tại các thành phố lớn, cùng với việc cung cấp thực phẩm và trả lương cho công chức. Mỹ cho rằng sự tín nhiệm đối với NTC phụ thuộc vào việc họ giải quyết những vấn đề cấp bách này như thế nào.

Hầu hết các nước lớn trên thế giới đều đã công nhận NTC là chính quyền đại diện cho nhân dân Libya, thay cho chế độ Gadhafi, mới nhất là Nga. Những nước chính còn chưa công nhận NTC có Algeria, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kenya, Pakistan, Ảrập Xêút, Nam Phi, Venezuela và Zimbabwe.

Một số nước cũng đã dỡ bỏ phong toả các khối tài sản của Libya ở nước ngoài như Mỹ (1,5 tỷ USD), Anh (1,5 tỷ USD) và Pháp (2,6 tỷ USD). Nhưng theo BBC vẫn còn nhiều tài sản lớn của Libya bị phong toả như 2,4 tỷ USD tại Canada, 11 tỷ USD tại Pháp, 7 tỷ USD tại Đức, 8 tỷ USD tại Italy, 19 tỷ USD tại Anh và 34 tỷ USD tại Mỹ.

Đình Nguyễn