Tinh Hoa

“Vũ điệu” tuyệt vời của bầy chim sáo đá

Hàng trăm chú chim sáo đá,Sturnus vulgaris,đã tập trung lại với nhau trong video được quay tại Otmoor, Anh. Những chú chim có thể đạt tốc độ hơn 74km/h, xoay tròn cùng nhau trong không gian rộng lớn tạo nên cảnh tượng kỳ lạ.

Chim sáo đá tập trung thành bầy tại Otmoor, Anh

Chưa có lời giải thích rõ ràng nào cho hiện tượng này, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng chim sáo đá bay thành bầy đàn để cùng bảo vệ lẫn nhau chống lại những kẻ săn mồi như chim ưng.

Trong thực tế, video này còn quay được hình ảnh một con chim bồ cắt đang cố gắng bắt chú chim sáo đá ở phía ngoài cùng của bầy chim.

Tuy nhiên, nếu những chú chim đang thực sự cố gắng tránh kẻ thù, thì nấp trên những ngọn cây sẽ có lý hơn.

Bất kể lý do gì đằng sau hiện tượng này, các nhà khoa học cũng vẫn quan tâm tìm hiểu làm thế nào bầy chim có thể cùng nhau nhào lộn trên không như thế mà không va chạm nhau.

Một dự án châu Âu được gọi là StarFLAG nhằm mục đích tái tạo lại những chuyển động ba chiều của loài chim này và tạo ra các mô hình máy tính cho hành vi phức tạp này.

Trong năm 2008, các nhà nghiên cứu đã quay phim hàng ngàn chú chim sáo đá tập trung ở Rome, sử dụng phần mềm đặc biệt để xác định tới 2.600 chú chim và vẽ cấu trúc của đội hình để tìm ra hình dạng thật của chúng.

Nhóm nghiên cứu phát hiện thông thường các chú chim có rất nhiều không gian mở ở phía trước và phía sau, khi những chú chim khác được phân bố ở các bên. Mỗi con chim dường như chỉ chú ý đến 6 hoặc 7 chú chim bên cạnh để đạt được không gian bất đối xứng này.

Những con chim có lẽ điều khiển đường bay của mình bằng cách xử lý thông tin từ nhiều giác quan – thị giác, thính giác, và có lẽ cả cảm giác về các dòng không khí do những chú chim bên cạnh tạo ra.

Bí ẩn “vũ điệu” tuyệt vời này vẫn là đề tài nghiên cứu của nhiều chuyên gia, kể cả các kỹ sư hàng không và các nhà toán học, nhưng dù nguyên nhân của hiện tượng này là gì thì cảnh tượng này vẫn là một cảnh quan kỳ thú.

Nguồn: The Epoch Times