Chính quyền Trung Quốc đã buộc các trường học đóng cửa đối với hàng ngàn con em công nhân nghèo di cư ở Bắc Kinh, ảnh hưởng xấu tới giáo dục trẻ em, trong khi lại hỗ trợ một dự án xây dựng trường học cho người nghèo ở châu Phi.
Một phụ huynh nằm trên mặt đất để phản đối việc đóng cửa một trường học dành cho con em của các công nhân di cư ở quận Haidian tại Bắc Kinh. (Ảnh: The Epoch Times)
Từ tháng 6, gần 30 trường học cho con em công nhân di cư ở Bắc Kinh đã nhận được thông báo đóng cửa. Khoảng 30.000 học sinh sẽ bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa này.
Đồng thời các bản tin cho thấy một tổ chức phi chính phủ có quan hệ gần gũi với chính quyền Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng 1.000 trường học “Hy vọng” ở châu Phi. Tin tức này đã gây tranh cãi gay gắt trong công chúng.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc hứa hẹn sẽ cung cấp 9 năm giáo dục cơ bản cho tất cả các công dân, con em của các công nhân nông thôn di cư không có giấy phép cư trú ở các thành phố không thể dễ dàng theo học ở các trường công lập. Họ được yêu cầu phải trả tiền hơn nhiều lần so với người dân địa phương để đăng ký vào các trường công lập.
Không có trợ cấp của chính phủ, các công nhân di cư phải thành lập các trường tư thục để giáo dục con cái của họ. Khi số lượng công nhân di cư tăng lên, ngày càng nhiều trường học xuất hiện, chỉ riêng ở Bắc Kinh số lượng đã trên 300 trường.
Tuy nhiên, khi năm học mới sắp bắt đầu, chính phủ đã đóng cửa hơn 20 trường học của công nhân di cư ở các quận Đại Hưng và Haidian tại Bắc Kinh. 9 trường học khác ở huyện Triều Dương cũng bị đóng cửa.
Lý do chính được trích dẫn cho việc đóng cửa là vi phạm luật xây dựng.
Các nhà chức trách cho biết các học sinh sẽ được bố trí tới học ở các trường công khác, nhưng nhiều người nghi ngờ liệu trẻ em di cư thực sự sẽ có thể theo học tại các trường này không.
Han Haixue, hiệu trưởng trường tiểu học Ziqiangxiwang ở Bắc Kinh, cho biết việc chuyển các trẻ em này tới các trường học khác sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông cho biết một số trẻ em đã bị chuyển đến học tại các trường cách xa nơi làm của cha mẹ chúng 10 km, khiến chúng không thể đến trường.
Zhang Zhiqiang, Giám đốc trường học của con em công nhân di cư Bắc Kinh nói rằng đề xuất của chính quyền không thực tế chút nào, và họ sẽ may mắn nếu một nửa số học sinh này có thể đăng ký học ở các trường công lập. Ông Zhang cho biết vấn đề là hệ thống giáo dục Trung Quốc tách rời chính sách và việc cấp vốn.
“Mặc dù chính phủ đã có một quyết sách nhằm di dời các học sinh, nếu tài trợ không được cung cấp, các trường công lập sẽ không thể chấp nhận các học sinh,” ông Zhang nói.
Ước tính khoảng 300.000 đến 400.000 trẻ em của công nhân di cư sống ở Bắc Kinh. Chỉ có 63 trong hơn 300 trường học tư thục của công nhân di cư có giấy phép được chính phủ cấp.
Để các trẻ em này để có thể theo học tại các trường công lập, cha mẹ chúng trước tiên phải có 5 giấy chứng nhận khác nhau: giấy phép cư trú Bắc Kinh tạm thời, giấy chứng nhận việc làm, và 3 giấy chứng nhận khác. Đối với một công nhân di cư thật không dễ dàng có được đủ tất cả 5 giấy chứng nhận.
Mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi
Khi các công nhân di cư Trung Quốc phải chịu áp lực nặng nề để đảm bảo cho con em họ được giáo dục phổ thông cơ sở, Trung Quốc lại có kế hoạch chi khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 312 triệu USD) để xây dựng 1.000 trường học ở châu Phi thuộc Dự án Hy vọng Trung Quốc-châu Phi trong 10 năm tới.
Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc Nổi tiếng Thế giới và Tổ chức Phát triển Thanh niên Trung Quốc là những tổ chức gây quỹ chính thức cho Dự án Hy vọng Trung Quốc-Châu Phi.
Tổ chức Phát triển Thanh niên Trung Quốc được liên kết với Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo thông tin công chúng trực tuyến, Lu Junliao – Chủ tịch của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc Nổi tiếng Thế giới, trước đây làm việc cho chính quyền thành phố Quảng Nguyên ở tỉnh Tứ Xuyên và được đào tạo tại trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ. Sau khi tham gia khu vực tư nhân vào năm 1995, sự nghiệp của ông ta lên như diều gặp gió. Năm 2005, ông Lu được mệnh danh là một trong 100 người giàu có thế lực nhất ở Trung Quốc.
Con gái của ông Lu, Lu Xingyu, là giám đốc điều hành và thư ký trưởng của Dự án Hy vọng Trung Quốc-Châu Phi.
Nhà văn tự do Chen Xi từ Quý Châu nói rằng thật mỉa mai khi Trung Quốc đang xây dựng các trường học ở châu Phi trong khi rất nhiều con em của công nhân di cư đang bị tước đi quyền được giáo dục ngay trong nước.
“Chính phủ quyên góp cho các nước khác mà không quan tâm tới các học sinh Trung Quốc không có cơ hội được giáo dục. Chúng ta nên tự hỏi, nghị trình ẩn giấu ấy là gì?”.
Tác giả: Gu Qing’er /The Epoch Times