Tổng thống Nga Medvedev (phải) trao đổi với Yevgeny Kaspersky.
Tóm tắt:
– Từ việc phát hiên, phân tích virus Cascade và lần đầu tiên tìm ra cách xóa bỏ nó, tại Trung tâm Công nghệ Thông tin KAMI, Kaspersky thu thập các malware rồi phân tích làm cơ sở lập trình chương trình chống virus đặt tên là AVT (anti-virus products), sau trở thành thương hiệu KAV (Kaspersky anti-virus).
– Trước đây, virus được tạo ra một cách tình cờ lan truyền trên mạng và các hacker tài tử thực hiện các cuộc tấn công như một trò giải trí. Kaspersky “sợ rằng Internet có thể trở thành một chiến trường, một nền tảng cho các cuộc tấn công chuyên nghiệp trên các hạ tầng thiết yếu”.
– Với Kaspersky thì mối quan tâm lớn nhất hiện nay là khả năng diễn ra các cuộc chiến du kích trên mạng do các tổ chức khủng bố thực hiện. Trong trường hợp này nạn nhân không chỉ dừng lại là những mục tiêu nhất định mà còn là cộng đồng xã hội.
Khi đặt mục tiêu hiện đại hóa nước Nga, Tổng thống Dmitry Medvedev đã muốn nhắm tới những tài năng trong thế giới công nghệ, và một trong số đó là Yevgeny Kaspersky. Ông hiện được xem là một trong những “hiệp sĩ” bảo vệ an ninh mạng Internet của thế giới.
Đối với ông chủ của phòng thí nghiệm virus máy tính Kaspersky Lab thì nhu cầu ngăn chặn các cuộc chiến tranh mạng hiện nay còn cấp bách và quan trọng hơn cả việc đưa công ty của chính mình lên vị trí hàng đầu thế giới và góp phần tạo nên một “thung lũng Silicon” trên đất Nga.
Vượt qua ranh giới hoạt động của các tin tặc (hacker) tài tử, cuộc chiến tranh mạng có thể đã bắt đầu từ năm 2003 khi virus máy tính có thể làm tê liệt đồng loạt các nhà máy cung cấp điện trên toàn Bắc Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định.
Với sự tham gia của các nhà chế tạo virus chuyên nghiệp, cuộc chiến ngày càng trở nên tinh vi kể từ mùa hè năm ngoái khi dòng virus Stuxnet được lập trình để tấn công phá hoại các cơ sở hạt nhân của Iran, đẩy lùi tiềm lực tham vọng của Teheran trở về vị trí của nhiều năm trước. Người ta tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi các hacker với những dòng virus siêu mạnh có thể cướp quyền điều khiển các thứ vũ khí hủy diệt nhằm tàn phá ngay chính ở các quốc gia sản sinh ra chúng.
Trên thực tế, kể từ sau sự kiện Stuxnet, các hacker đã bắt đầu tấn công vào các trang mạng chính phủ, những cơ quan đầu não về quốc phòng và an ninh, những tập đoàn công nghiệp lớn và cả các cơ quan truyền thông toàn cầu – những nơi mà trước đây được coi là bất khả xâm phạm. Dưới góc nhìn của những người giàu kinh nghiệm và có trách nhiệm với nền an ninh mạng Internet thế giới như Kaspersky thì cuộc chiến này không có kẻ thắng người thua mà chỉ có những tội phạm và nạn nhân.
Đam mê virus máy tính
Yevgeny Valentinovich Kaspersky, thường được gọi thân mật là Eugene, là con người đặc biệt ham mê sưu tập các loại virus máy tính. Sinh ngày 4-10-1965 tại Novorossiysk nước Nga, ngay từ nhỏ Kaspersky đã bộc lộ sở thích với toán học. Cậu học sinh trung học Eugene thường giải các bài toán đăng trên tạp chí chuyên ngành vào giờ giải lao ở lớp và đăng ký tham gia các khóa học về toán và vật lý dành riêng cho học sinh bậc cao do Viện Vật lý và Công nghệ Moscova tổ chức.
Sau đó, cậu được trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscova tuyển chọn như một phần thưởng khi còn đang theo học hai năm cuối trung học chuyên ngành vật lý và toán học. Ngay sau khi tốt nghiệp, Eugene theo ngành toán học, mật mã học và công nghệ thông tin do Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo KGB tổ chức tại Viện Mật mã, Viễn thông và Khoa học Máy tính.
Yevgeny Kaspersky |
Kaspersky tốt nghiệp đại học năm 1987, nhưng bước ngoặt trong cuộc đời đến với cậu vào tháng 10-1989 khi cậu phát hiện virus Cascade xâm nhập vào máy tính mình đang sử dụng. Lúc bấy giờ, người sử dụng máy tính thường rất lo lắng mỗi khi máy bị các phần mềm độc hại gọi là “malware” (malicious software) xâm nhập, nhưng Kaspersky lại chủ động chấp nhận chúng như một sự thách đố.
Cậu bắt đầu phân tích virus Cascade và lần đầu tiên tìm ra cách xóa bỏ nó. Sự thành công này đã làm cho Kaspersky và nhóm bạn có cùng niềm đam mê công nghệ tại Trung tâm Công nghệ Thông tin KAMI tiếp tục thu thập các malware rồi phân tích chúng để làm cơ sở lập trình chương trình chống virus đặt tên là AVT (anti-virus products), sau này trở thành thương hiệu KAV (Kaspersky anti-virus). Niềm đam mê này cũng đặt nền tảng cho việc thành lập phòng thí nghiệm Kaspersky Lab vào năm 1997 và hiện nó đã trở thành một trong những địa chỉ cung cấp các phần mềm an ninh mạng hàng đầu thế giới.
Với 2.000 nhân viên và chiếm 3,2% thị phần toàn cầu trong năm 2010, Kaspersky Lab không phải là người khổng lồ chuyên ngành so với Symantec hay McAfee. Nhưng bản thân Yevgeny Kaspersky được cả thế giới biết đến như một trong những nhà tiên phong trong cuộc chiến bảo vệ an ninh mạng trên cả ba mặt trận an toàn máy tính (KIS), diệt virus (KAV) và bảo vệ điện thoại thông minh.
Hiệp sĩ trong cuộc chiến tranh mạng
Đã có nhiều chuyên gia nói đến cuộc chiến tranh mạng nhưng thật khó để hình dung hết thứ vũ khí mà con người sử dụng tại đó cùng những thành quả nó sẽ mang lại và quy mô tác hại lên các mặt đời sống của nhân loại. Sự xuất hiện của Internet là một cuộc cách mạng công nghệ của cộng đồng toàn cầu, từ đó tạo nên nền tảng văn minh (civilisation platform) hình thành nền văn hóa Internet (Internet culture) và nền kinh tế tri thức (knowledge economy).
Trước đây, người ta mới chỉ biết đến virus được tạo ra một cách tình cờ lan truyền trên mạng và các hacker tài tử thực hiện các cuộc tấn công như một thứ trò chơi giải trí. Nhưng nay người ta buộc phải đối phó với các nhà sản xuất virus chuyên nghiệp tạo thành từng nhóm như Anonymous, LuzlSec nhắm đến các mục tiêu cụ thể nhằm phá hoại hoặc làm tê liệt khả năng điều khiển của mạng máy tính. Càng khó khăn hơn nữa khi xã hội Internet bắt đầu phát triển loại hình sản xuất và kinh doanh virus theo đơn đặt hàng. Khi nói về thảm họa tồi tệ nhất mà virus máy tính có thể tạo ra, Kaspersky “sợ rằng Internet có thể trở thành một chiến trường, một nền tảng cho các cuộc tấn công chuyên nghiệp trên các hạ tầng thiết yếu”.
Một chuyên viên an ninh mạng tại phòng làm việc của Kaspersky Lab ở Moscova
Vốn là con người bộc trực, qua phần trả lời phỏng vấn tờ Spiegel (Đức), Kaspersky đã đề cập đến các nền kinh tế đứng đầu trong việc kinh doanh virus, rằng “căn cứ vào số lượng virus, nước Nga chỉ đứng hàng thứ ba sau Trung Quốc và khu vực châu Mỹ La tinh.
Nhưng tội phạm mạng Nga lại rất tinh vi trong hoạt động, gần đây họ phát minh ra các loại virus và các chương trình Trojan phức tạp theo đơn đặt hàng và kiếm tiền qua Internet. Nhưng phần lớn chương trình nguy hại được soạn bằng ngôn ngữ Trung Hoa, nghĩa là nó có thể được sản xuất tại Trung Quốc, Singapore, Malaysia hay cả từ California nơi có những người nói tiếng Quan Thoại”.
Hơn ai hết Kaspersky hiểu rõ tính năng của thứ vũ khí gồm các loại virus máy tính lan truyền qua mạng Internet. Trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ ZDNet.com.au năm 2009 ông cũng bày tỏ sự thán phục với những tác giả của virus Conficker: “Họ là những kỹ sư bậc cao và viết các mã một cách hoàn hảo. Họ dùng hệ thống mật mã theo đúng cách và không để lại một sai sót nào. Họ thực sự là các chuyên gia”.
Mùa hè năm ngoái cả châu Âu bị chấn động bởi một cuộc chiến tranh mạng do loại virus siêu thông minh mà lần đầu tiên các nhà an ninh mạng biết đến và đặt cho cái tên là Stuxnet gây ra. Gọi là cuộc chiến vì Stuxnet nhắm đến mục tiêu cụ thể là phá hủy tất cả các cơ sở làm giàu uranium của Iran và tạo ra những dư chấn trên một vùng rộng lớn.
Với độ tinh tế và phức tạp hiếm có, nhiều tờ báo đã đưa ra thông tin rằng Stuxnet là dự án phối hợp nhịp nhàng của Mỹ và Israel. Đó là một lập trình virus hết sức chuyên nghiệp với vốn đầu tư hàng triệu đô la Mỹ và được phối trí bởi một dàn gồm những kỹ sư cao cấp thực hiện trong nhiều tháng trời. Rõ ràng dòng virus siêu mạnh đó không có lấy một chút nghiệp dư, nó hoàn toàn chuyên nghiệp vì được sản xuất và điều khiển một cách nghiêm túc để chỉ nhắm đến mục tiêu mà không gây tổn hại lan tràn.
Sau cuộc chiến Stuxnet, người ta có cảm giác rằng các hacker chuyên nghiệp và các nhà an ninh mạng đã đình chiến cho đến đầu năm nay, khi các làn sóng tấn công ồ ạt trang web của các cơ quan đầu não của các chính phủ, những tập đoàn công nghiệp quan trọng như Lockheed Martin, Sony hay các hãng thông tấn lớn như Google… xuất hiện.
Góp phần cho một nền kinh tế bền vững
Những dự báo về các cuộc chiến tranh mạng có thể đã làm nhiều chính phủ đặt mối quan tâm vào sức mạnh vô cùng to lớn của Internet, trong cả hai khái niệm xây dựng cũng như hủy diệt. Người ta không thể thay thế cái gì đang có nhưng ít nhất cũng có thể làm cho nó tốt hơn bằng việc nắm quyền chủ động. Dmitry Medvedev, vị tổng thống trẻ của nước Nga, đặt tham vọng lớn hơn vào đó khi nhắm đến mục tiêu hiện đại hóa đất nước không chỉ bằng sức mạnh về năng lượng và khí đốt mà còn bằng những bộ óc thông minh.
Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng tại sao nước Nga là vùng đất của nhiều hacker nguy hiểm lại có ít công ty phần mềm đẳng cấp quốc tế như Kaspersky Lab. Tại sao nước Nga lại cứ để tình trạng chảy máu chất xám kéo dài trong một thời gian dài kể từ khi Liên Xô tan rã trong khi người Nga vốn có một truyền thống khoa học cống hiến lâu đời.
Báo giới cho rằng trong những lần trao đổi với ông chủ của công ty an toàn điện toán Kaspersky, Tổng thống Medvedev không chỉ thảo luận về việc hình thành một thành phố đổi mới ở Skolkovo trong vùng ngoại ô Moscova theo mô hình thung lũng Silicon của Mỹ mà còn quan tâm đến việc phát triển kinh tế tri thức và nền an ninh mạng.
Nhưng người ta nghĩ rằng với một người có kinh nghiệm trên mặt trận phòng vệ Internet như Kaspersky thì mối quan tâm lớn nhất hiện nay là khả năng diễn ra các cuộc chiến du kích trên mạng do các tổ chức khủng bố thực hiện. Trong trường hợp này nạn nhân không chỉ dừng lại là những mục tiêu nhất định mà còn là cộng đồng xã hội bị lâm vào tình thế mất an toàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.
________________________________________
Tài liệu tham khảo:
– Yevgeny Kaspersky: http://www.europeanceo.com/profiles/digital-tsar
– Anti-Virus Pioneer Evgeny Kaspersky: http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,770191,00.html
– Stuxnet Worm- A Declaration of Cyber-War:
http://www.vanityfair.com/culture/features/2011/04/stuxnet-201104?currentPage=1
– Innovation, by Order of the Kremlin: http://www.nytimes.com/2010/04/11/business/global/11russia.html
Theo Hoàng Xuân Phương
TBKTSG