Quảng cáo bốc giời, quảng cáo sai sự thật… hiện đang là vấn đề nan giải khi thị trường bùng nổ vô số các loại sản phẩm. Làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt được chất lượng thực của sản phẩm so với quảng cáo?
Trong khi nhiều mặt hàng tiêu dùng đang phải điều chỉnh giá thì người tiêu dùng cũng dễ bị “bịt mắt” khi thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm “ăn theo”.
1. “Siêu công nghệ” quảng cáo
Cùng trong tháng 3, giá xăng và giá điện cùng tăng khiến vấn đề sử dụng điện, xăng trở nên căng thẳng đối với nhiều người, nhiều gia đình. Nắm bắt được nhu cầu này, trên thị trường đồng loạt xuất hiện các thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm xăng, điện ít nhất 15%, cao nhất lên đến 62%, tiết kiệm gas tới 30%… Có thực sự công nghệ tiết kiệm năng lượng trong nước đã có những thành tựu đáng nể như vậy hay đây là trò úm ba la của những người bán hàng?
Một thiết bị tiết kiệm xăng, giá chỉ có 35.000đ nhưng ngay trên bao bì được ghi “tiết kiệm từ 15-20%”. Đáng chú ý là trên bao bì sản phẩm có ghi rõ nơi sản xuất và kèm theo thông tin Sở Khoa học & Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cấp phép. Trước sự rõ ràng về nguồn gốc và thông tin khoa học kèm theo, rất nhiều người tiêu dùng tin, thiết bị này là đồ xịn.
Quảng cáo tích kiệm điện (Ảnh minh họa internet) |
Chị Nguyễn Thu Hà trong một lần đi mua mũ bảo hiểm ở phố Huế tiện thể hỏi mua luôn thiết bị tiết kiệm xăng. Chủ cửa hàng lập tức giới thiệu sản phẩm này và thuyết phục thêm rằng, “hàng chính hãng, giá lại rẻ. Nếu không tiết kiệm được thì cũng chẳng đáng là bao”. Nghe thấy hợp lý, chị Hà đồng ý mua. Ngay tại chỗ, một người thợ đã lắp thiết bị này vào xe cho chị và lấy công 5.000 đ. Chị Hà ung dung ra về với suy nghĩ từ nay không còn phải ngay ngáy lo đến khoản bội chi do xăng dầu tăng giá.
Thế nhưng một tuần, hai tuần trôi qua, chị Hà không thấy thiết bị phát huy tác dụng như kỳ vọng. Chiếc xe “Giấc mơ Việt Nam) (Dream do Hon Da sản xuất) của chị vẫn đều đặn phải “ăn” xăng vào sáng thứ Năm theo thường lệ. Kèm theo sự nghi ngại về thiết bị giúp “ăn ít, làm vẫn như thế” này, chị Hà còn thấy lo nó sẽ làm hư hại các thiết bị, động cơ của xe máy.
Thế là chị đưa xe ra phố Phủ Doãn – một con phố chuyên doanh về sửa mô tô, xe máy. Sau khi nghe chị trình bày, một thợ sửa xe lành nghề cười đầy dí dỏm cho biết, chị không phải là người đầu tiên đến đây để tháo “cái của nợ” mới lắp ấy ra.
Chỉ mất chưa đầy 2 phút, anh đã lôi ra cái thứ được quảng cáo là tiết kiệm xăng kèm lời giải thích, “kết quả tiết kiệm thế nào chị kiểm chứng thì biết rồi, còn thiết bị này có gây hại cho xe không thì chị yên tâm, nó không gây ra điều gì bất thường đâu”. Nghe vậy, chị Hà thở phào nhẹ nhõm, chị bảo “tiết kiệm thì rõ ràng chẳng thấy gì, anh tháo hẳn ra để tôi yên tâm”. Không hề “thương tiếc”, chị Hà bỏ lại bộ thiết bị mới mua cho anh thợ sửa xe máy như vứt bỏ rác thải.
Theo tờ hướng dẫn của một loại thiết bị tiết kiệm xăng, thiết bị này làm sạch pitông và supap, chịu ngập nước và nhiệt độ cao, khởi động nhanh, tăng tốc động cơ, thích hợp cho mọi loại xe, giúp chống thấm nước và chống xung điện thế ngược làm tổn hại xe nếu như điện thế đánh cao lửa quá hoặc thấp quá đều có hại cho bugi”.
Để biết rõ hơn về thứ thiết bị được quảng cáo là rẻ, vừa hữu ích này, chúng tôi đã tìm đến Phòng Thí nghiệm động cơ đốt trong, Viện Cơ khí động lực, Trường đại học Bách Khoa. Tại đây, Tiến sỹ Phạm Hữu Tuyến sau khi đọc tờ hướng dẫn đã tìm ra ngay chi tiết chưa chuẩn xác về mặt nguyên lý mà người tiêu dùng rất dễ bỏ qua là: “tăng điện thế phù hợp… đốt gần hết nhiên liệu thừa”. “Thế nào là “đốt gần hết nhiên liệu thừa”?”, Tiến sỹ Tuyến tự đặt câu hỏi.
Chúng tôi đã đọc nội dung này nhưng không hề để ý đến chi tiết mà anh Tuyến vừa chỉ ra. Nói về hiệu quả tiết kiệm xăng của thiết bị vừa nêu, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng cho biết, “đối với động cơ, tiết kiệm được 5% nhiên liệu đã là một thành tựu rồi”.
Một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động cơ đã khẳng định như vậy đủ thấy, tỷ lệ tiết kiệm 15-20% xăng như quảng cáo của loại thiết bị trên là hoang đường. Thế nhưng, Tiến sỹ Tuyến vẫn rất thận trọng khi cho rằng, “muốn biết chính xác phải làm thí nghiệm”. Ông cũng cho biết thêm, thông thường các thiết bị này nếu đúng là “hàng chuẩn” phải được kiểm chứng và chứng nhận của Tổng cục Đo lường chất lượng.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết trên thị trường hiện nay còn có khá nhiều thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm xăng khác với các mức giá từ 70.000 – 200.000 đ, tiết kiệm từ 20-30%. Còn anh Hùng, một người thợ sửa xe máy thì cho biết, các loại thiết bị này thì có hai dạng: Dạng kẹp vào bình xăng và dạng kích điện (như thiết bị nêu ở trên). Dạng kẹp vào bình xăng để cho xăng chạy qua, giúp cho nguồn xăng chạy qua bộ chế hòa khí đều đều.
“Nếu đúng nguyên lý này thì sẽ giúp tiết kiệm nhưng tiết kiệm được bao nhiêu thì không biết”, anh Hùng nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thiết bị trên đều không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận đúng quy chuẩn. Việc mua bán, sử dụng chúng cũng mang tính tự phát chứ chưa qua kiểm chứng. Chính vì thế, các cơ quan chuyên trách về đo lường, đăng kiểm cần phải vào cuộc để hạn chế tình trạng “đục nước béo cò” trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay.
2. Mua hàng để giải quyết vấn đề tâm lý – Người tiêu dùng bị “bịt mắt”?
Tìm hiểu trên thị trường, chúng tôi thấy có khá nhiều thiết bị hỗ trợ tiết kiệm năng lượng như: hộp thiết bị tiết kiệm điện, thiết bị tiết kiệm gas, tiết kiệm tủ lạnh… Nguyên lý hoạt động của thiết bị tiết kiệm gas được quảng cáo như sau: “Thiết bị được lắp đặt trên ống dẫn gas vào bếp gas công nghiệp hoặc bếp ga gia đình nhằm tác động trực tiếp lên chuỗi phân tử Hydrocacbon trong gas làm cho oxy dễ tiếp xúc với gas hơn, qua đó gas dễ cháy và cháy triệt để hơn”.
Lời giới thiệu về sản phẩm này cũng gây ấn tượng mạnh khi đưa ra con số tiết kiệm gas trên cả tuyệt vời: tiết kiệm đến 30% lượng gas tiêu thụ. Loại thiết bị này được rao bán trên mạng với giá 390.000 đồng. Chúng tôi đem thông tin về thiết bị tiết kiệm gas đến hỏi anh Nguyễn Mạnh Cường, một chủ đại lý gas ở quận Long Biên, Hà Nội, anh lắc đầu: “Trên thị trường có nhiều loại quảng cáo là tiết kiệm gas.
Tôi cũng đã từng được đại lý cấp trên giới thiệu về loại thiết bị gắn vào sau van để “kiểm soát lượng gas ra”, xuất xứ liên doanh Việt Nam – Đài Loan có giá hơn 200.000đ/bộ”. Giới thiệu sản phẩm chung chung, mang ra dùng thử thì không có sự thay đổi so với trước khi lắp thiết bị – anh Cường nhận xét – các thiết bị tiết kiệm gas chỉ đạt mục đích giải quyết vấn đề tâm lý cho người tiêu dùng chứ thực tế thì không thể tiết kiệm như quảng cáo”.
Máy điều hòa, máy giặt được quảng cáo tiết kiệm 50%, 62% điện năng. Những thông tin trên thực sự gây sốc với nhiều người tiêu dùng nhưng Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải thì bình thản nhận xét, “mỗi “đời” máy tiết kiệm được 1% điện năng đã là sự phát triển đáng kể về công nghệ rồi”. Là một người nặng lòng với việc tiết kiệm năng lượng, nhiều năm qua ông đã dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ chiếu sáng tiết kiệm điện.
Theo ông, người tiêu dùng không nên kỳ vọng vào thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện và hỗ trợ tiết kiệm điện mà nên ứng dụng các thành tựu công nghệ để sự tiết kiệm đó thực sự là tiết kiệm. Ông nêu ví dụ, bóng đèn compac thay bóng đèn sợi đốt đã là một sự thay đổi đáng kể trong tiêu thụ điện năng.
Nếu sử dụng đèn led, việc tiết kiệm điện tối đa mà vẫn đảm bảo ánh sáng tốt nhất cho việc học tập, làm việc thì còn hiệu quả hơn nhiều. Để có sự thay đổi này, mỗi người dân cần được trang bị kiến thức cần thiết để thấy được sự hữu ích để đồng lòng làm nên “cuộc cách mạng” trong sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng.
Có nên tin vào thiết bị hỗ trợ tiết kiệm điện? Tiến sỹ Khải cho rằng, bất cứ cái gì cũng cần phải kiểm chứng. Ngoài ra, ông cũng đặt một câu hỏi ngược lại rất giản dị là: “Nếu chúng hữu ích như vậy tại sao các nhà sản xuất không mua đứt bản quyền để sản xuất ra những sản phẩm gia dụng tiết kiệm điện”.
Quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo – đó là ý kiến của các nhà chuyên môn khi nhận xét về các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hiện có trên thị trường. Người kinh doanh đưa ra các sản phẩm này chỉ có một tác dụng duy nhất là giải quyết vấn đề tâm lý.
Hiện nay, nhiều sản phẩm được đưa ra thị trường chỉ tự công bố và đăng ký tiêu chuẩn nên cần sự ra tay của các cơ quan quản lý, kiểm định khi có phản ánh về chất lượng so với quảng cáo để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải tỉnh táo trước khi chọn mua sản phẩm để tránh mất một khoản tiền “oan”.
Điều 30, Nghị định số 75/2010/NĐ/CP, hành vi vi phạm các quy định về nội dung quảng cáo như hành vi quảng cáo sai sự thật, sai chất lượng hàng hóa đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
* Tiến sỹ Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Nhiều sản phẩm được đưa ra thông tin về hiệu quả chung chung, người tiêu dùng khó phân biệt được nên phải tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng. |
Theo CAND