Tinh Hoa

10 PC xấu xí nhất trong lịch sử

Những chiếc máy tính này hầu như thất bại sau khi ra mắt chỉ nhiều nhất là vài năm. Các tên tuổi nổi tiếng như Nokia, Apple, IBM… đều góp phần cung cấp cho thị trường một sản phẩm xấu xí như vậy.

Canon Cat (1987)

Canon Cat được thiết kế chỉ có bàn phím và màn hình – không có chuột. Giao diện của máy chỉ có các biểu tượng kiểu chữ (text). Đây thực sự là thiết bị rất hợp với suy nghĩ của Canon: Cat là chiếc “máy đánh chữ” cuối cùng. Không may, Cat lại được tiếp thị nhắm tới các nhân viên thư ký, những người không cần đến một cỗ máy mạnh mẽ, và đắt đỏ. 

Trong khi, Cat có giá tới 1.500 USD. Sản phẩm chỉ bán ra được khoảng 20.000 chiếc, và bị “đứt gánh giữa đường” chỉ sáu tháng sau khi ra mắt. Thú vị nữa là Cat do Jeff Raskin thiết kế. Jeff Raskin cũng là người đóng góp lớn cho sản phẩm máy tính cá nhân Apple Macintosh. Đoán xem Jeff Raskin sẽ đưa “siêu phẩm” nào vào hồ sơ sáng tạo của ông?

Nokia Booklet 3G (2009)

Nokia chen chân vào thị trường netbook năm 2009 với mẫu Booklet 3G, sản phẩm trông rất tuyệt vời khi ở trên giấy. Nó được thiết kế để kết nối liên tục và có thời lượng pin tới 12 giờ. Nó cũng rất đáng giá: 575 euro (845 USD) vào lúc đó. Tuy vậy, người dùng Mỹ trả 299 USD kèm hợp đồng 2 năm với AT&T. Giờ đây, các khách hàng Booklet 3G vẫn phải trả 60 USD/tháng hẳn đang mong chờ thời hạn 2 năm kết thúc. Nokia vẫn còn lưu trang viết về Booklet 3G, nhưng nó không còn thấy đâu trên website của AT&T nữa.

IBM Aptiva (1994)

 

Mặc dù cũng có một số điểm thiết kế được, (như có modem tích hợp), nhưng Aptiva đầy lỗi. Tệ nhất là IBM vấp phải cuộc chiến với Microsoft về phần mềm Lotus cạnh tranh với Microsoft Office. Vì thế, Aptiva không chạy được bản quyền Windows 95.

NeXT Computer (1988)

Sau khi Steve Jobs rời Apple, ông sáng lập ra NeXT. Và NeXT đã sáng tạo ra NeXT Computer – chiếc PC đầu tiên của công ty. NeXT Computer có hình khối kỳ quặc, màu đen, giá tới 6.500 USD. Phần cứng của máy, gồm bộ vi xử lý Motorola 68030 25MHz – thực sự mạnh vào thời điểm đó, nhưng lại chẳng có phần mềm nào chạy trên đó. Thế hệ NeXT tiếp theo cũng không cải thiện mấy, và công ty chấm dứt dòng đời sản phẩm với khoảng 50.000 chiếc bán ra.

Apple Lisa (1983)

Lại một sản phẩm nữa của Jobs, nó có tên của con gái đầu của Jobs. Dù trang bị bộ vi xử lý 5MHz Motorola 68000, có ổ đĩa mềm, Apple Lisa lại cực đắt, 10.000 USD. Mặc dù nhắm tới khách hàng doanh nghiệp, nhưng lại không cạnh tranh nổi với các mẫu rẻ hơn của IBM.

Gateway Destination (1996)

Gateway Destination (chính xác là “Gateway 2000″ Destination) là sản phẩm PC đa phương tiện thực sự đầu tiên. Với giá 4.000 USD, nó có bộ điều chỉnh TV, có card video, tích hợp các chương trình TV, game trên màn hình một màu CRT 31 inch (cực kỳ to vào lúc đó). Giờ đây, tìm kiếm từ “Destination” sẽ ra rất ít kết quả về sản phẩm, đơn giản là đã nhiều năm trôi qua. Nhưng thực tế là Destination không giống với loại PC đa phương tiện này nay, và nó chưa bao giờ được ưa chuộng trong phòng khách.

3Com Audrey (2000)

Vào thời điểm này, Internet đã thực sự phát triển, và một số nhà sản xuất PC nghĩ những cỗ máy đơn giản như thế này, được thiết kế chỉ để lướt web sẽ là sản phẩm tuyệt vời. Ví dụ hoàn hảo là chiếc Audrey của 3Com – thiết kế và đặt tên dành cho những khách hàng không am hiểu kỹ thuật. Vì thế, máy có những nút bấm dành cho email, lướt web, lịch. Audrey cũng có bàn phím không dây, màn hình cảm ứng và người dùng điều khiển nó bằng chiếc bút kim. Ngoài ra, nó có giá tương đối rẻ (499 USD), có 5 màu rất thân thiện với gian bếp. Audrey dừng phát triển sau chưa đến 8 tháng ra mắt. Cũng cần nói thêm nó chạy phiên bản đầu của hệ điều hành QNX, phần mềm mà BlackBerry PlayBook đang dùng.

Samsung Q1 (2006)

Trước iPad, trước Windows 7, thậm chí trước netbook, Microsoft đã có khái niệm về “PC siêu di động” – một dạng máy tính nhằm lấp lỗ hỗng giữa smartphone và notebook. Samsung Q1 chính là một trong những sản phẩm đầu tiên của “giống” này. Nó không có bàn phím vật lý, chỉ có bàn phím ảo và người dùng sử dụng với chiếc bút kim, nó chạy Windows XP Tablet Edition. Phần cứng không tương thích để làm gì hơn là chạy video trên màn hình 7 inch. Giá 1.099 USD khiến nhiều khách hàng không lựa chọn nó. Thậm chí những cải tiến sau đó, như thêm bàn phím, khe cắm thẻ SD, RAM mở rộng hơn, cũng như đặt lại tên là Q1 “Ultra” cũng không cứu nổi sản phẩm này, và khái niệm “PC siêu di động”.

Apple Power Mac G4 Cube (2000)

Apple mong muốn thành công với Power Mac G4 Cube. Không may, thiết kế sai lầm, máy có hình khối kỳ quặc, phi thực tế, có thể lấy cảm hứng từ chiếc NeXT. Lý do chính khiến người ta không mua nó là thẩm mỹ. Chỉ 150.000 chiếc Cube bán ra, nhưng ít nhất cũng có niềm an ủi là một chiếc Cube từng có mặt trong Bảo tảng Nghệ thuật hiện đại của thành phố New York.

 

IBM PC Junior (1984)

Sau thành công của dòng máy tính doanh nghiệp, IBM bước vào thị trường máy tính tiêu dùng với chiếc PCjr (PC Junior). Ngoài tên gọi ám chỉ khách hàng dùng máy này là trẻ con (Junior còn có nghĩa là trẻ con), máy còn có loạt vấn đề nữa, trong đó có bàn phím cực kỳ khủng khiếp. Những phím trắng nổi lên có kích thước, hình dạng không giống ai, một số người nói nó khiến người dùng rất khó gõ. Không chỉ bàn phím không chuẩn, các khe cắm thiết bị ngoại vi cũng không tương thích.

Sản phẩm thực sự là một thảm họa. Bên cạnh nhiều lỗi thiết kế, IBM còn thất bại khi tiếp thị thị trường. Doanh số èo uột, IBM chấm dứt cuộc đời của PCjr sau chưa đầy 2 năm.

Theo Vân Thùy
ICTnews / PCMag / CafeF