Ngày nay, chỉ cần máy tính bị treo hoặc đơ đơ vài tiếng cũng thật phiền toái. Tuy nhiên, lịch sử công nghệ còn chứng kiến những tai nạn và mối đe dọa khủng khiếp hơn rất nhiều. Dưới đây là danh sách 10 thảm họa đáng sợ nhất mọi thời đại.
Đường ống vi phạm bản quyền
Vào đầu thập niên 80, Liên Xô tìm kiếm công nghệ điều khiển hệ thống đường ống dẫn khí tốt hơn. Tuy nhiên, họ dại dột đánh cắp phần mềm của một công ty Canada. Phía Mỹ nắm được và cố tình can thiệp để chương trình hoạt động oái oăm, khiến van, tua-bin… tắt mở ngẫu nhiên và gây quá tải, làm đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu nổ tung. Rất may không có thiệt hại về người, nhưng đây là bài học bản quyền phần mềm đắt giá.
Lỗi chíp xử lý Pentium
Năm 1994, Intel đẩy mạnh phát triển chíp xử lý Pentium. Họ đã mắc sai lầm và được giáo sư Thomas Nicely – người đang sở hữu 1 sản phẩm chạy Pentium phát hiện sau 5 tháng miệt mài nghiên cứu, kể từ lúc ông nhận ra vấn đề.
Lỗi này khiến cho sai số của phép chia không được chính xác. Sau đó, mặc dù Intel chữa cháy bằng tuyên bố “xác suất xuất hiện chỉ 1 trên 9 tỷ” hoặc “sau 27.000 năm thì 1 người dùng mới gặp lỗi này lần 2” nhưng họ vẫn phải bồi thường và đổi mới chíp cho khách hàng.
Tàu thăm dò sao Hỏa mất tích
Sai sót rất nhỏ trong thám hiểm vũ trụ cũng phải trả giá rất đắt. Vào năm 1999, gần nửa tỷ đô-la đã tan thành mây khói. Câu chuyện về tàu thăm dò sao Hỏa Mars Climate Orbiter có nhiệm vụ thu thập thông tin thời tiết. Nhưng thay vì tiếp cận hành tinh đỏ tại độ cao 200 km, tàu đã xuống thấp hơn và không chịu nổi lực hút quá mạnh, khiến nó bị hút xuống và bốc cháy nhanh chóng.
Phần mềm lỗi trên Mars Climate Orbiter gây sai số cho bộ điều khiển lực đẩy – mặc dù cực nhỏ nhưng vẫn ảnh hưởng đến toàn bộ hành trình. Vài tuần sau, tàu Mars Polar Lander trở thành nạn nhân tiếp theo. Cảm biến trên tàu đã phát nhầm tín hiệu về tình trạng tiếp đất. Kết quả, các tên lửa đẩy ngừng hoạt động và… cuộc dạo chơi kết thúc!
Ngày đen tối của dân lập trình năng lượng
Một lỗi phần mềm có thể đẩy chúng ta vào bóng tối. Ngày 14/8/2003, hệ thống quản lý năng lượng XA/21 dựa trên nền tảng Unix của Mỹ gặp thảm họa với 1 sai sót nhỏ trong hơn 4 triệu dòng mã thành phần. Sự cố dẫn đến quá tải và vô hiệu hóa hàng loạt cơ chế báo động, khiến máy chủ ngừng làm việc trong nửa tiếng đồng hồ. Tình trạng tương tự xảy ra trên máy chủ dự phòng chỉ ít phút sau đó.
Sự cố khiến toàn bộ vùng Đông Bắc nước Mỹ và một phần Canada (tổng cộng khoảng 50 triệu dân) bị mất điện, kéo theo nhiều hậu quả to lớn. Nghe đâu, phương pháp liên lạc tốt nhất lúc bấy giờ là sử dụng laptop cùng modem dial-up của đường dây điện thoại cố định.
Tưởng nhầm ánh sáng mặt trời thành tên lửa
Vào năm 1983, thời kỳ chiến tranh lạnh đang căng thẳng, các nước chạy đua vũ trang và đề phòng lẫn nhau. Giữa lúc này xảy ra 1 sự kiện vô cùng nhạy cảm mà chỉ cần quyết định thiếu chính xác, chiến tranh thế giới lần 3 có thể bùng nổ.
Chuyện rằng Liên Xô sử dụng hệ thống cảnh báo sớm giúp phát hiện tên lửa liên lục địa từ phía Mỹ. Vào ngày 26/9/1983, ánh sáng mặt trời phản xạ quá mạnh tại trạm phóng tên lửa của Mỹ, khiến cảm biến của Nga thông báo Mỹ đã phóng 5 quả tên lửa. May thay, đại tá Stanislav Petrov đã tỉnh táo nhận định người ta sẽ không bắt đầu chiến tranh chỉ với 5 quả tên lửa. Vậy nên ông không phát đi tín hiệu báo động và trả đũa.
Cảnh báo nhầm tên lửa hạt nhân
Mỹ cũng từng mắc sai lầm khi đưa ra những cảnh báo không chính xác trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Vào ngày 9/11/1979, ai đó để nhầm cuốn băng diễn tập vào hệ thống khiến hàng loạt màn hình của những trung tâm chỉ huy xuất hiện hình ảnh tên lửa hạt nhân của Nga đang chĩa thẳng về phía họ.
Khi ấy, mọi lực lượng quân sự Hoa Kỳ được đặt trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng cho ngày tận thế. Được biết, máy bay “Doomsday” (ngày tận thế) dành riêng cho tổng thống cũng chuẩn bị cất cánh tức thời.
Sai sót bản quyền Windows
Công cụ chống dùng lậu hệ điều hành Windows Genuine Advantage quá nổi tiếng với những bước xác nhận rối rắm, khó chịu. Và khi Windows Genuine Advantage cáo buộc nhầm hàng ngàn khách hàng lại càng khiến mọi việc tồi tệ hơn.
Nguyên nhân bởi 1 nhân viên đưa nhầm phần mềm lỗi lên máy chủ, khiến mọi người truy cập sau đó đều bị xóa sạch code cài đặt. Microsoft cho biết nhóm phát triển đã quá chủ quan và không chịu kiểm tra lại trước khi đến quán rượu ăn mừng – một sai sót thật đáng trách!
Khủng hoảng hệ thống mạng
Vào những ngày đẹp trời, mạng lưới của nhà mạng AT&T thực hiện tới 70% cuộc gọi đường dài tại Mỹ (tương ứng khoảng 115 triệu cuộc gọi). Đáng tiếc, ngày 15/1/1990 lại không như vậy khi 1 máy tính điều hành chuyển mạch tín hiệu tại New York bị khởi động lại.
Điều này vốn không phải vấn đề lớn nhưng phần mềm quản lý liên lạc giữa các mạch dính lỗi, khiến thời gian gửi thông báo xác nhận kết nối không chính xác. Hậu quả là hệ thống bị lỗi và AT&T không thể tổ chức được khoảng 50% số cuộc gọi trong hơn 9 tiếng, ước tính thiệt hại đến hơn 60 triệu USD (~1.200 tỷ đồng).
Thử nghiệm ô tô ê chề
Nằm trong số những hãng xe rất chú trọng yếu tố an toàn, song Volvo cũng phải ê mặt với những vụ thử nghiệm công nghệ mới. Lần đầu, Volvo trình diễn màn tránh va chạm với xe tải, mặc dù hệ thống nhận biết nguy hiểm hoạt động tốt nhưng sai sót giữa mạch điều khiển và pin khiến chiếc xe mới tinh đâm vào đuôi xe thử nghiệm.
Bên cạnh đó, hệ thống tránh người đi bộ dựa trên cảm biến và radar cũng làm Volvo xấu hổ vì chỉ tránh được 9 trên 12 hình nộm, còn 3 mẫu vật khác bay tứ tung.
6 tỷ USD cho lỗi phần mềm máy bay
Vào năm 2005, Airbus phải hoãn trình làng siêu máy bay Airbus 380 thêm 2 năm cùng khoản thiệt hại 6 tỷ USD (khoảng 120.000 tỷ đồng). Nguyên nhân bởi những cơ sở sản xuất tại Pháp chuyển sang sử dụng phiên bản CATIA 5 mới nhất để thiết kế, còn đối tác Đức vẫn xài CATIA 4 với công đoạn xử lý 3D hơi khác nhau.
Tất nhiên, 2 nửa máy bay không thể khớp lại hoàn hảo, nhất là mảng dây cáp. Dù rất cố gắng hiệu chỉnh chênh lệch giữa 2 phần mềm, nhưng việc kết nối đoạn dây cáp với tổng chiều dài 530 km, 100.000 dây đơn và 40.000 bộ kết nối vốn chẳng dễ dàng chút nào.