Cảnh cướp phá cửa hàng ở Hackney, khu có đông người Việt sinh sống, hôm 9/8/2011
Thủ tướng David Cameron tuyên bố việc giải quyết các vấn đề của “xã hội vỡ nát” ở Anh là ưu tiên hàng đầu của ông theo sau các vụ bạo loạn hồi tuần trước.
Các vụ việc khiến năm người chết và gần 2.800 nghi phạm giết người, cướp của gây hỏa hoạn và bạo loạn đã bị bắt.
Ông nói ông sẽ xem xét lại các chính sách của chính phủ nhằm chấn chỉnh tình trạng “đạo đức suy đồi”, đẩy nhanh kế hoạch giải quyết những gia đình “có vấn đề”, cải thiện cách nuôi dạy con cái và giáo dục.
Nhưng một số nhà bình luận đã nói xã hội Anh ‘nát’ cả ở chính trường lẫn ngoài đường phố.
Thủ tướng Anh cũng đã mời cảnh sát trưởng hàng đầu người Mỹ, ông Bill Bratton từ Los Angeles tới tư vấn giúp Anh xóa bớt nạn băng đảng lộng hành.
Ông Cameron nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình bền vững và nói ông muốn áp dụng “phép thử gia đình” cho mọi chính sách nội địa.
“Nếu nó ảnh hưởng xấu tới các gia đình…nếu nó trà đạp lên các giá trị kết dính con người với nhau hay làm ly tán các gia đình thì chúng ta không nên thực hiện [các chính sách đó]
“Tôi có tham vọng rõ ràng rằng trong nhiệm kỳ của Nghị viện khóa này, chúng ta sẽ làm thay đổi cuộc sống của 120.000 gia đình có nhiều vấn đề nhất của đất nước.”
‘Giải pháp nông cạn’?
Lãnh đạo phe đối lập ngay lập tức đã chỉ trích những tuyên bố của ông Cameron và gọi đây là “chiêu mị dân”.
Thủ tướng Cameron mời ông Bill Bratton (trái) từ Los Angeles tới giúp Anh chống băng đảng
Ông Ed Miliband nói: “Chúng ta đã nghe tới rất nhiều điều trong những ngày vừa qua, nào là vòi rồng, nào là siêu cảnh sát, nào là những tiếng gõ cửa hàng ngày đối với các thành viên băng đảng và nhiều “chiêu mị dân” khác.
“Một thủ tướng mà trước đây từng nói giải pháp là rộng vòng tay ôm lấy kẻ ngỗ ngược nay nói rằng câu trả lời là cải cách các luật về an toàn và y tế.
“Càng ngày thủ tướng càng chứng tỏ ông đang tìm những câu trả lời nông cạn và mang tính bề nổi chứ không phải là những giải pháp dài hạn mà đất nước cần có, dựa trên sự hiểu biết và trí tuệ của các cộng đông.”
Ông Miliband thúc giục có một cuộc “thảo luận toàn dân” về nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo loạn và chỉ ra rằng Anh đã lập ra các ủy ban điều tra nguyên nhân những vụ tương tự trong quá khứ.
Hồi mới lên làm lãnh tụ đảng đối lập, ông Cameron đã đến thăm một khu ‘xóm nghèo’ và ôm hôn một thiếu niên hư để bày tỏ sự quan tâm một cách tình cảm.
Khi đó, ông đưa ra quan điểm về nhu cầu đồng cảm với những tầng lớp thua thiệt tại Anh.
‘Văn hóa siêu tiêu thụ’
Hồi cuối tuần, một vị tu hành có tiếng ở Anh nói rằng những vụ đốt phá, cướp bóc và bạo lực ở Anh trong tuần trước là kết quả của việc xói mòn đạo đức xã hội và sự tôn thờ vật chất.
“Không chỉ có giới trẻ hư hỏng mà cả nước Anh phải thay đổi tư cách đạo đức.”
Nhà báo Peter Oborne
Ngài Nigel McCulloch, Giám mục Manchester, nói người Anh thuộc các tầng lớp, nguồn gốc và tuổi tác khác nhau đã bị lẫn lộn và không phân biệt được sự khác biệt giữa cái đúng và cái sai.
Ông nói: “Kết quả là một văn hóa siêu tiêu thụ và cái tôi được đặt lên hàng đầu, nền văn hóa mà trong đó sở hữu vật chất được đặt lên trên việc quan tâm tới người khác và những tôn chỉ trong đó là đừng để bị bắt quả tang và đừng có tố lẫn nhau.”
Nhiều người đã lên tiếng đồng tình với Giám mục McCulloch và nói rằng lòng tham trong xã hội Anh đã lên tới mức “bệnh dịch” và dường như người ta đánh giá người khác bằng chiếc xe hơi người ta đi, nhãn hiệu quần áo người ta mặc và các thiết bị điện tử mà họ mang theo.
Một số báo Anh “buồn” rằng trong các vụ cướp bóc, không hề có ai phá và cướp hiệu sách mà chỉ tranh nhau lấy hàng hiệu và đồ đắt tiền.
‘Nát từ trên xuống dưới’?
Trong khi đó một cây viết bình luận chính trị của báo Telegraph nói các chính trị gia có vẻ đạo đức giả và giả dối khi lên tiếng về các vụ bạo loạn.
Ông Peter Oborne nói chính các dân biểu lên án những người đánh cắp TV màn hình phẳng hay điện thoại di động lại là những người dùng tiền thuế của dân để tiêu xài một cách hợp pháp.
Chẳng hạn dân biểu đảng Lao Động Gerald Kaufman, người đề nghị thủ tướng tìm cách “thu phục” những kẻ bạo loạn, đã từng đòi thanh toán hóa đơn của ba tháng làm việc lên tới hơn 20.000 đô la trong đó có chiếc TV hiệu Bang & Olufsen trị giá 14.000 đô la Mỹ.
Hay dân biểu Denis MacShane, người nói rằng những kẻ trộm đồ muốn có vài phút để vào thế giới tiêu thụ Sloane Street [phố chuyên bán hàng hiệu], lại chính là người đòi thanh toán gần 10.000 đô la cho tám chiếc máy tính xách tay.
Các khoản chi tiêu tai tiếng này, trong đó có cả những khoản kỳ lạ như xây tháp cho vịt nghỉ chân trong ao vườn, đã bị báo Telegraph lột tẩy hồi năm 2009.
Peter Oborne cũng nói chính Thủ tướng David Cameron đã không qua được phép thử đạo đức và trách nhiệm.
Ông Oborne viết: “Chỉ mới sáu tuần trước đây ông [thủ tướng] còn vui vẻ tới bữa tiệc mùa hè của News International (tập đoàn bị tố cáo gây ra nhiều vụ nghe lén điện thoại) cho dù lúc đó tập đoàn truyền thông này đang chịu không phải là một mà là hai cuộc điều tra của cảnh sát.
“Tai tiếng hơn nữa, ông trao chức vụ cao cấp tại Downing Street [phủ thủ tướng] cho cựu Tổng Biên tập News of the World Andy Coulson cho dù khi đó ông biết ông Coulson đã từ chức vì để xảy ra những hành vi phạm pháp [tại tờ báo mà nay đã phải đóng cửa]”.
Ông Oborne nói văn hóa “tham lam và ngoại phạm” đã lan sang cả các lãnh đạo công ty và lãnh đạo chính trị cũng như cảnh sát và phần lớn giới truyền thông.
Ông nói: “Không chỉ có giới trẻ hư hỏng mà cả nước Anh phải thay đổi tư cách đạo đức.”
Các vụ bạo loạn khiến Anh Quốc phải nhìn lại mình và chẩn chỉnh các giá trị đạo đức
Theo BBC