Tinh Hoa

Cuộc chiến tranh địa đạo các liệt giữa Israel và Hamas

Không chỉ có chiến tranh trên không và trên bộ, Dải Gaza còn có chiến tranh “địa đạo” không kém phần ác liệt giữa Israel với Hamas.

Giữa cổng vào rào dây kẽm gai của một kibbutz (nông trường tập thể hiện đại kiểu Israel) và thánh đường Hồi giáo gần nhất ở Gaza City (TP Gaza) cách nhau khoảng 3-4 km có một cánh đồng cà rốt rộng mênh mông.

Ông Daniel Lazare, một nông dân Israel sống 30 năm ở vùng biên thùy này, từng chứng kiến những cuộc chạm trán giữa Tsahal (quân đội Israel) và du kích quân Hamas. Đã quen với tiếng rít của tên lửa Hamas nhưng càng ngày ông càng lo sợ thật sự trước những gì xảy ra ở vùng đất lành ít dữ nhiều này.

Xuất quỷ nhập thần

Đồng thời với chiến dịch quân sự mới nhất mang tên “Bảo vệ biên cương”, Tsahal đề ra mục tiêu phá hủy hệ thống địa đạo khổng lồ dưới lòng đất Gaza City nằm ngoài tầm kiểm soát của Israel. Nhờ hệ thống này trổ sang Israel – Tsahal gọi là “địa đạo khủng bố” – du kích Hamas có thể xuất quỷ nhập thần xâm nhập tấn công bất ngờ Israel. “Họ từng đến rất gần kibbutz của chúng tôi. Ăn đạn rốc-két là chuyện thường ngày nhưng hiểm họa từ những địa đạo lại là chuyện khác” – ông Daniel Lazare nhớ lại.

Đây không phải lần đầu Hamas, tổ chức chính trị Palestine theo đường lối cứng rắn kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 đến nay, dùng địa đạo để phục vụ những lợi ích quân sự và chính trị của mình trong thế bị Israel bao vây tứ bề.

Tháng 3/2014 vừa qua, hãng tin Reuters dẫn lời cựu Thủ tướng Palestine Ismaïl Haniyeh, thủ lĩnh cao cấp nhất của Hamas, đe dọa: “Những địa đạo mà chúng tôi khai trương hôm nay nằm trong một chiến lược mới của Hamas trong cuộc chiến chống Israel. Đó là chiến lược địa đạo. Trên hoặc dưới mặt đất, những kẻ chiếm đóng sẽ bị chúng tôi tống cổ”.

Một trong 36 miệng đường hầm của Hamas mà Israel phát hiện trên lãnh thổ của mình (Ảnh: THE INDEPENDENT)

Thật ra, Hamas đã áp dụng chiến lược này từ năm 2006, gây bất ngờ lớn cho Israel lúc bấy giờ. Đó là năm Hamas thắng lớn trong cuộc bầu cử ở Palestine. Ngày 25/6 năm ấy, các chiến binh lữ đoàn Ezzedine Al-Qassam, lực lượng vũ trang của Hamas, đã xâm nhập lãnh thổ Israel bằng một đường hầm bí mật dài 960 m rồi tấn công một đồn lính ở gần cửa khẩu Kerem Shalom trong vòng 6 phút.

Họ bắt hạ sĩ Gilad Shalid, lính gác đồn, lúc rạng sáng và đem về Dải Gaza làm con tin. Hơn 5 năm sau, Shalid mới được Hamas trả tự do sau khi Israel đồng ý trao trả 1.027 tù binh Palestine.

Để đối phó với chiến lược mới của Hamas, Tsahal thành lập những đơn vị tác chiến đặc biệt chuyên trị địa đạo. Cuối năm 2003, Bộ Tổng Tham mưu Israel thành lập một đơn vị công binh riêng mang tên Yahalom (Kim cương), chuyên phát hiện và phá hủy địa đạo Hamas. Kế đó, đội đặc nhiệm Kfir (Sư tử con) thành lập năm 2012 được huấn luyện đánh nhau trên đường phố đô thị sau khi chui qua địa đạo địch giở chiêu “gậy ông đập lưng ông”.

Mấy tuần gần đây, trong khuôn khổ một chương trình bí mật mang tên Talpiot, Aman (tình báo quân đội Israel) đã thử nghiệm một hệ thống điện tử có khả năng phát hiện địa đạo ngay trong quá trình đào bới. Hệ thống ống cống ngầm của TP Tel Aviv – Israel đã được dùng để thử nghiệm vũ khí tuyệt mật này.

Cơn ác mộng
 

Một sĩ quan Israel đã giải thích với tuần báo Mỹ Time: “Một cuộc tấn công đến từ nhiều hướng khác nhau là cơn ác mộng thật sự đối với người lính Israel ở vùng giáp ranh Dải Gaza. Nếu sau một cuộc tấn công chớp nhoáng và bất ngờ, có chừng 25 dân làng Israel – bao gồm trẻ em – bị giết, cả xã hội Israel sẽ rúng động”. Israel sẽ trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng và lúc đó, không còn ranh giới nào cho những cuộc giết chóc ghê rợn.

Thực tế cho thấy không cần tình huống gay cấn nêu trên, Israel đã “đánh phủ đầu” Hamas. Dù Hamas chỉ mới phóng rốc-két, chưa mở cuộc tấn công trên bộ quan trọng nào từ địa đạo gây thương vong lớn cho thường dân phía bên kia nhưng trong mấy ngày qua, không quân Israel đã lạnh lùng ném bom vào các trường học của Liên Hiệp Quốc, giết hàng trăm trẻ em và phụ nữ Palestine ở Dải Gaza với lý do “nghi ngờ chứa chấp bộ chỉ huy Hamas”.

Nguồn tin tình báo Israel khẳng định rằng hầu hết các miệng địa đạo ở Gaza City là sàn nhà của thường dân có cảm tình với Hamas, là trường học, bệnh viện hoặc thánh đường Hồi giáo. Cách lý giải này – theo các tổ chức nhân quyền – dường như để biện minh cho những vụ không kích của máy bay Israel nhắm vào các công trình dân sự, dẫn tới kết quả du kích Hamas chết ít hơn thường dân Palestine gấp nhiều lần.

Theo tính toán của Aman, đào một địa đạo quân sự cần ít nhất 2-3 năm. Ngay cả ở các vùng đất xốp, những kíp thợ trẻ 8 người thay phiên nhau đào 24/24 giờ cũng chỉ có thể được 10 m mỗi ngày. Hamas hoàn toàn có khả năng đào địa đạo bằng máy móc nhưng không dám bởi dễ bị lộ do gây tiếng động lớn.

Mới đây, Tsahal đã phát hiện một địa đạo kiên cố vách bê-tông dài 1,6 km, sâu khoảng 20 m, có hệ thống điện và thông tin liên lạc riêng. Trong hầm này chứa thực phẩm đủ nuôi quân nhiều tháng. Tsahal ước tính Hamas đã đầu tư 10 triệu USD và 800 tấn bê-tông cho dự án 2 năm xây dựng địa đạo này. Nó đã bị phá hủy hoàn toàn ngay sau đó.

 Theo Nld, Youtube