Nhiều người đã vượt biên đến gặp một thầy lang tại ngôi làng hẻo lánh Sokoma ở nước Cộng hòa Sierra Leone để chữa bệnh nhưng lại bị lây Ebola từ người này, khiến tình trạng lây lan càng khó kiểm soát.
Người phụ nữ bị nghi nhiễm Ebola đang được kiểm tra thân nhiệt tại Bệnh viện Kenema, Sierra Leone
Cơ quan y tế thành phố Kenema cho biết virus tử thần Ebola bắt đầu lây lan từ làng Sokoma ở biên giới với Guinea. Tại đây, một người phụ nữ tự xưng là “thần y” có năng lực chữa được Ebola. Ngay lập tức, những người bị bệnh đổ xô tìm đến nhà thần y để mong được chữa bệnh khiến virus Ebola lan truyền một cách nhanh chóng.
“Bà ấy đã tuyên bố chữa được bệnh Ebola nên nhiều người từ Guinea đã đến Sierra Leone để điều trị. Nhưng sau đó, chính bà ta cũng bị nhiễm bệnh và chết. Trong đám tang của bà ta, nhiều phụ nữ ở các làng xung quanh cũng nhiễm bệnh” – Mohammed Vandi, một quan chức y tế ở Kenema (Sierra Leone), cho biết.
Đây chính là nơi bắt đầu một chuỗi phản ứng nhiễm trùng, tử vong vì virus Ebola. Theo thống kê, có 848 người ở Sierra Leone đã nhiễm bệnh và 365 người chết do lây nhiễm từ “thần y” này khi nhận được lời mời vượt biên và chữa bệnh của bà ta.
Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.220 người kể từ khi nó bùng nổ ở miền Nam Guinea hồi đầu năm nay. Dịch lan tới thành phố Kenema có 190.000 dân từ ngày 17/7. Tính đến nay đã có 277 người chết ở Kenema, trong đó có 12 y tá chăm sóc các bệnh nhân Ebola. Mới đây, 100 y tá ở Kenema đã đình công để phản đối điều kiện y tế tồi tệ trong thành phố.
“Những con số này cho chúng tôi biết một điều: Ebola đang ở đây với chúng tôi và tác động của nó với chúng tôi là có thật” – Maya Kaikai, một bộ trưởng chính phủ ở khu vực phía Đông Kenema, phát biểu trong buổi họp báo.
“Đây là một bệnh lây lan rất nhanh, không phân biệt trình độ học vấn, kinh tế, chính trị, độ tuổi, nhóm dân tộc, giới tính hay tôn giáo”, ông Maya Kaikai cho biết.
Theo Nld, Economictimes, 9news