Các nhà hoạt động đòi dân chủ đã tổ chức các cuộc biểu tình khổng lồ, mà gần đây nhất là hôm 1/7, gần 100.000 người Hồng Kông đổ xuống đường biểu tình để phản đối việc chính quyền Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào đặc khu này.
Cuộc biểu tình diễn ra sau khi nhóm hoạt động Occupy Central tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức, thu hút tới gần 800.000 người bỏ phiếu. Người Hong Kong đòi có quyền tự lựa chọn nhà lãnh đạo đặc khu này theo đúng cam kết của Bắc Kinh.
Các quan chức thành phố đã chỉ trích các cuộc biểu tình phản đối là bất hợp pháp.
Tình hình bất ổn ở Hong Kong hiện đang ở mức cao nhất từ nhiều năm qua, trong lúc đang có quan ngại về việc Bắc Kinh can thiệp vào các hoạt động bầu cử ở nơi này.
Hơn 120.000 người đăng ký tham gia tuần hành ủng hộ chính quyền, là sự kiện diễn ra vào lúc 13:30 giờ địa phương (05:30GMT) nhưng các nhà tổ chức nói số người thực sự có mặt có thể tới 200.000.
“Chúng tôi muốn cả thế giới biết rằng chúng tôi muốn hòa bình, dân chủ, nhưng xin làm ơn đừng đe dọa chúng tôi, đừng biến nơi này thành chốn bạo lực,” Robert Chow, đồng sáng lập viên liên minh này nói với hãng tin AFP.
Tại một địa điểm khác, các nhà hoạt động thiên dân chủ từ nhóm “Chiếm đóng Khu Trung tâm” nói họ sẽ huy động người biểu tình chiếm một số khu vực tấp nập trong khu quận kinh doanh ở trung tâm, nếu như việc cải cách bầu cử không được đưa ra.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Trung Quốc đã nhắc lại phương thức “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời cảnh báo Hồng Kông rằng dù đặc khu hành chính này có quyền tự chủ trên một phạm vi rộng thì họ cũng phải nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, cũng như nằm trong giới hạn của sự tự do.
Kỳ bầu cử tới ở Hong Kong sẽ diễn ra vào năm 2017, và Bắc Kinh cam kết cho phép người dân Hong Kong bầu chọn lãnh đạo.
Tuy nhiên Bắc Kinh cho biết các ứng cử viên tranh cử vào năm 2017 phải được một ủy ban thân cận chính quyền trung ương thông qua.
Tổng hợp