Trung Quốc được xem là một trong những thiên đường cấy ghép tạng trên thế giới, với số lượng ca cấy ghép tạng lên đến hàng chục nghìn ca mỗi năm. Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu nguồn nội tạng cấy ghép này đến từ đâu?
Theo thông tin mới ghi nhận được gần đây, lần đầu tiên báo chí Trung Quốc tiết lộ chi tiết về đường dây buôn thận người gồm 12 thành viên mà cầm đầu là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty dược.
Sự việc khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ sau khi được phơi bày trên báo Tân Kinh số ra ngày 10-8. Băng nhóm này đã bị Tòa án nhân dân quận Thanh Sơn Hồ ở Giang Tây tuyên án từ 2-9,5 năm tù giam sau hơn một năm bị bắt giữ. Băng nhóm tội phạm này đã kiếm hơn 1,5 triệu nhân dân tệ (243.600 USD) từ hoạt động mua bán thận trong hai năm 2011 và 2012.
Báo Tân Kinh cho biết nhiều thành viên của băng nhóm này là bác sĩ, y tá, thậm chí là những người từng bán thận hoặc là bệnh nhân từng được cấy ghép thận, sau trở thành thành viên của băng nhóm trên vì hám lợi.
Nuôi như nuôi thú trong chuồng
Trong suốt hai năm 2011 và 2012, hàng chục quả thận người được đóng trong thùng cấp đông và dán nhãn hàng hải sản gửi bằng đường hàng không từ thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây) đến Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) để bán cho những bệnh nhân đang cần cấy ghép thận với giá hàng chục ngàn USD.
Chuyến hàng cuối năm 2012 đã không trót lọt khi hải quan sân bay Quảng Châu phát hiện những kiện hàng đáng ngờ và chặn lại kiểm tra. Mạc Vĩnh Thanh – người trực tiếp gửi những thùng thận – và băng nhóm của y lần lượt sa lưới, trong đó có trùm băng nhóm là Trần Phùng, chủ tịch Công ty thương mại Mãnh Gia Địa Quảng Châu.
Thủ đoạn của băng nhóm Trần là đăng quảng cáo tìm người bán thận hoặc cho thận trên Internet với những lời rao sẽ kiếm được nhiều tiền một cách dễ dàng mà không phải chịu đau đớn hay lao động cực nhọc. Lời rao này đã thu hút khoảng 40 thanh niên trong độ tuổi 20-30 đến hang ổ của đường dây này ở Nam Xương.
Sau khi chấp nhận bán thận, người bán được đưa tản mát vào những khách sạn nhỏ ở Nam Xương nhằm tránh tai mắt công an. Thời gian nuôi dưỡng mỗi “con mồi” để cắt thận khoảng năm tháng. Theo báo Tân Kinh, đã có 23 người bị lấy mất thận và chỉ được trả 22.000-25.000 NDT (3.573-4.061 USD).
Uông Hổ, 21 tuổi, là người tỉnh An Huy. Chỉ vì muốn kiếm tiền để chứng minh với cha là mình có thể tự kiếm sống, sau khi đọc thấy quảng cáo trên mạng anh đã khăn gói đến Nam Xương vào tháng 10-2011. Trước khi bị đưa đi phẫu thuật cắt thận, Uông được bố trí ở một khách sạn nhỏ dưới sự canh gác nghiêm ngặt của một thành viên băng nhóm buôn thận.
Sau nửa tháng “được nuôi dưỡng”, Uông bị đưa đến hai bệnh viện khác nhau để làm xét nghiệm xem quả thận của anh có phù hợp với người muốn thay thận không. “Trong nửa tháng đó tôi chỉ ăn rồi ngủ, giống như một con thú được nuôi trong chuồng” – Uông nhớ lại. Khoảng ba tuần sau, Uông bị bịt mắt dẫn đến bệnh viện để cắt thận, Uông được trả 25.000 NDT.
Nạn nhân khác là Trịnh Tây Bình, một thanh niên khỏe mạnh từ tỉnh Hồ Nam đến Quảng Châu kiếm sống. Trong thời gian ở đây, Trịnh đã theo lời quảng cáo trên mạng tìm cách bán một phần cơ thể kiếm tiền trả nợ bài bạc. Băng nhóm của Mạc đã tổ chức đưa Trịnh từ Quảng Châu đến Nam Xương vào tháng 11-2011 và chỉ trả cho Trịnh 22.000 NDT.
Y bác sĩ tiếp tay
Băng nhóm này trả cho Bệnh viện Hoa Trung Nam Xương 35.000 NDT mỗi lần thuê phòng phẫu thuật lấy thận.
Khi bị bắt, trùm Trần Phùng khai với cảnh sát rằng ông ta biết nhiều bác sĩ ở Quảng Châu có liên quan đến các phi vụ mua bán thận. Khoảng năm 2011, Trần bắt đầu tìm những người hiến thận sau khi bác sĩ Chu Vân Tùng ở Bệnh viện quân khu Quảng Châu tiết lộ đang khan hiếm nguồn thận để cấy ghép.
Trần Phùng liên hệ với Tác Hán Đông, người chuyên mua thận từ những bệnh nhân đã chết não ở một bệnh viện của tỉnh Giang Tây. Song rất nhanh sau đó, Trần và Tác đã lập đường dây chuyên mua bán thận của người sống.
Khi có nhiều người muốn bán thận, Trần cắt cử Mạc Vĩnh Thanh đi thu gom và gửi dưới vỏ bọc “hàng hải sản” cho bác sĩ Chu. Bác sĩ Chu trả cho Trần 120.000 NDT mỗi quả thận. Trần lấy 10.000 NDT và phần còn lại chia đều cho các thành viên của băng nhóm.
Trong đường dây này còn có bác sĩ Tưởng Chính Lâm của Bệnh viện Hoa Trung, người chuyên cắt thận của những thanh niên do đường dây của Trần đưa đến. Mỗi ca Tưởng nhận được 10.000 NDT. Các y tá phụ việc được bác sĩ thuê từ các bệnh viện trong vùng với tiền công khoảng 4.000 NDT cho mỗi ca.
Tuy nhiên đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng trôi trong hoạt động ghép tạng tại Trung Quốc, theo một số nhà điều tra và luật sư quốc tế, tại Trung Quốc còn có hoạt động mổ cắp nội tạng từ tử tù và tù nhân lương tâm mà không được sự đồng ý của họ.
Điều tra hoạt động mổ cắp nội tạng học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc
Nhật báo Pháp Luật, một tờ báo của nhà nước cho hay, Phó Giám đốc Khoa Cấy ghép thận của Bệnh viện Đa khoa Quảng Châu, ông Chu Vân Tùng (Zhu Yunsong), đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới buôn lậu nội tạng bất hợp pháp này, nhưng Chu Vân Tùng không được nhắc đến là một trong những người bị kết án. Theo báo Đại Kỷ Nguyên, tên tuổi và chức danh của vị bác sĩ này cũng được nhắc đến trong đường dây mổ cắp nội tạng học viên Pháp Luân Công ghi nhận trong tác phẩm “Thu hoạch đẫm máu”.
Bác sĩ quân đội, Chu Vân Tùng, người đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới buôn lậu nội tạng bất hợp pháp, và cũng là cái tên nằm trong cuốn sách điều tra về hoạt động mổ cắp nội tạng học viên Pháp Luân Công bất hợp pháp tại Trung Quốc, cuốn sách mang tên “Thu hoạch đẫm máu”.
Cũng theo trang Đại Kỷ Nguyên, cuốn sách “Nội tạng Quốc gia”-2012, tác giả/ nhà nghiên cứu Ethan Gutmann đã ước tính có khoảng 65.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy tạng (trong thời gian 2000-2008), được chọn lọc từ khoảng 1,2 triệu học viên bị giam giữ ở bên trong hệ thống lao động cưỡng bức của Trung Quốc. Số lượng tăng vọt các ca cấy ghép tạng kể từ năm 2000, một năm sau khi chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công được triển khai.
Trong khi đó, cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” của David Kiglour và David Matas trong quá trình điều tra và thu thập chứng cứ đã cung cấp hơn 30 dẫn chứng và lập luận chứng minh cho sự tồn tại của hoạt động mổ cắp nội tạng phi pháp này.
Theo nhận định từ Nghị viện châu Âu: “Trung Quốc đã phát triển một ngành kinh doanh khổng lồ, mờ ám và phi đạo đức là bán nội tạng cho người nước ngoài.”
Bên cạnh đó, ngày 30 tháng 7 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị Quyết 281 công khai lên án ĐCSTQ về tội ác cưỡng bức mổ cắp nội tạng các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác.
Đây là tội ác được các nhà điều tra, các nhà làm luật, hội bác sĩ trên toàn thế giới nhận định là tội ác phản nhân loại. Tuy nhiên, các yếu tố chính trị, kinh tế phức tạp xoay quanh vấn đề của cuộc bức hại Pháp Luân Công đã khiến cho tội ác này không được đưa ra ánh sáng.
Theo Zing News, Đại Kỷ Nguyên