Tinh Hoa

Viện chiến lược Mỹ “mổ xẻ” tàu sân bay Trung Quốc

 

Bằng cách đặt ra những câu hỏi, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ đã đưa ra những đánh giá của mình về tày sân bay Varyag mà Trung Quốc đang chạy thử.

Theo đó, với một tàu sân bay duy nhất Trung Quốc mới chỉ có thể đáp ứng mục đích huấn luyện, ngoại giao quân sự, chứ chưa đủ khả năng thách thức sức mạnh của Mỹ.

Tại sao Trung Quốc phát triển tàu sân bay?

Sở hữu tàu sân bày một phần được thúc đẩy bởi mong muốn tạo thanh thế của Trung Quốc trên thế giới. Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Ấn Độ, Brazil và Thái Lan hiện đang vận hành tổng cộng 21 tàu sân bay (riêng Mỹ có 11 tàu). Tàu sân bay được đa số người Trung Quốc xem như biểu tượng của quyền lực và thanh thế quốc gia. Các sỹ quan PLA thường viện dẫn rằng Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc duy nhất chưa có tàu sân bay.

 

 

Tàu sân bay Varyag Trung Quốc đang chạy thử chưa đủ khả năng thách thức sức mạnh của Mỹ.
Ngoài ra, Varyag cũng đại diện cho lợi ích quốc gia đang mở rộng của Trung Quốc có được từ sự hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Trong thập kỷ qua, sự phụ thuộc thương mại của Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi từ 40% năm 2000 lên đến 73% trong gia đoạn 2006 – 2008, với trên 80% giao dịch thương mại vận chuyển bằng đường biển. Hơn nữa, việc sở hữu một tàu sân bay sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho PLA thực thi “những sứ mệnh lịch sử mới” được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra năm 2004 và đáp ứng những yêu cầu thực hiện một loạt các hoạt động an ninh phi truyền thống.

 

Khả năng của tàu sân bay Varyag đến đâu?

Varyag nguyên là tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov có chiều dài khoảng 304,5 m và chiều rộng là 37 m. Chiếc tàu này có độ choán nước 58.500 tấn và có thể di chuyển với vận tốc 32 hải lý/giờ. Các động cơ, máy phát điện và hệ hống phòng thủ gồm cả hệ thống phòng thủ bên trong (CIWS) Type 1030 và hệ thống tên lửa FL-3000N đều mới được bổ sung tại cảng Đại Liên.

Theo thiết kế, tàu sân bay này được trang bị 8 súng chống máy bay AK-630 AA, 8 hệ thống phòng thủ bên trong CADS-N-1 Kashtan, 12 tên lửa hải đố hải P-700 Granit, 18 tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal, hệ thống phóng thẳng đứng và bệ phóng rocket tác chiến chống tàu ngầm RBU-12000 UDAV-1. Cũng theo thiết kế, Varyag có thể mang theo 26 máy bay thông thường (như Shenyang J-15) và 24 trực thăng.

 

 

Hệ thống phòng thủ bên trong (CIWS) Type 1030 được Trung Quốc trang bị cho tàu sân bay Varyag.
Varyag sử dụng mẫu phóng “nhảy ván trượt” (ski-jump), là mẫu lược bỏ các máy phóng phức tạp như các tàu sân bay của Mỹ sử dụng. Kích cỡ nhỏ, cộng với máy phóng “nhảy ván trượt” đã giảm đáng kể số lượng máy bay nó có thể mang theo cũng như số lượng máy bay hoạt động cùng một lúc. Thêm nữa, để cất cánh, các máy bay chiến đấu sẽ chỉ mang theo tải trọng nhẹ hơn và sử dụng ít nhiên liệu hơn, do vậy hạn chế rất lớn hỏa lực và tầm hoạt động của chúng. Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Geng Yansheng đã nói rằng Varyag sẽ được sử dụng để nghiên cứu khoa học, thực hành và huấn luyện”.

Thực vậy, tàu sân bay này không có nhiều tính năng phù hợp với nhiệm vụ tác chiến nhưng nó sẽ đem lại cho Trung Quốc cơ hội đào tạo thủ thủy, phi công khi tham gia các hoạt động tàu sân bay. Nắm bắt thành thục những thách thức liên quan đến vận hành, phòng thủ hay duy trì một tàu sân bay và lực lượng phối thuộc chuyên nghiệp đi kèm sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ.

Trung Quốc sẽ đóng bao nhiêu tàu sân bay và dùng cho những nhiệm vụ gì?

Các thông tin báo chí cho thấy, Trung Quốc đã đang đóng ít nhất là 1 nếu không muốn nói là 2 tàu sân bay nội địa và nhiều khả năng sẽ được triển khai trong vòng 15 năm tới. Trong cuộc họp báo ngày 11/7, tướng Trần Bỉnh Đức đã nói rằng chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra về việc Trung Quốc sẽ đóng bao nhiêu tàu sân bay. Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng Trung Quốc cần ít nhất 3 tàu sân bay để khuyếch trương sức mạnh hiệu quả.

 

 

Tàu sân bay USS George Washington – Ngôi sao Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ.
Các sứ mệnh mà tàu sân bay Trung Quốc có thể thực thi vẫn còn là điều chưa rõ ràng. Thay vì tìm cách lặp lại chiến lược và các hoạt động hải quân như của Mỹ, PLAN có thể sẽ phát triển một khả năng khuyếch trương sức mạnh có giới hạn nhằm tăng cường năng lực bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực, đảm bảo việc mở rộng lợi ích ở nước ngoài, thực hiện các nhiệm vụ an ninh phi truyền thống như trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống cướp biển, cứu hộ, chống khủng bố, đối phó với khủng hoảng và ngoại giao quân sự cũng như thể hiện trách nhiệm quốc tế.
 

Tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc có đe dọa Mỹ và các đồng minh?

Thậm chí sau khi Varyag chính thức đi vào hoạt động thì quan điểm được thừa nhận rộng rãi là một tàu sân bay duy nhất chỉ có thể sử dụng giới hạn về mặt quân sự. Trong ngắn hạn, chức năng chính chủ yếu nhằm tăng cường thanh thế quốc gia, tạo cơ hội đào tạo nhân sự và thực hiện ngoại giao quân sự.
 
Tuy vậy, tác động chính trị của việc triển khai tàu sân bay lại lớn hơn. Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, mà nhiều nước trong số đó ngày càng lo ngại về quá trình hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh cũng như việc nước này sẵn sàng sử dụng vũ lực ở các vùng biển tranh chấp, đang lo rằng tàu sân bay sẽ mang lại cho Trung Quốc thêm phương tiện để khuyếch trương sức mạnh ra bên ngoài bờ biển.

Minh Phạm (TheoCSIS)/bee