Tinh Hoa

Việt Nam xử lý thế nào khi có dịch Ebola?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay dịch bệnh Ebola đang lây lan rất nhanh tại 4 nước Tây Phi đã có trên 1.600 người mắc và 887 người tử vong. Để ứng phó tình hình dịch bệnh Ebola vào Việt Nam, Cục Hàng không và Bộ Y tế bước đầu đã có những động thái cụ thể.


Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa ban hành Chỉ thị số 2918 về việc phòng dịch Ebola lây lan qua đường hàng không.

Bệnh dịch do virus Ebola có thể lây vào nước ta qua người từ vùng dịch ở Tây Phi nhập cảnh vào nước ta qua đường hàng không, để đảm bảo ngăn chặn kịp thời khống chế dập dịch bệnh có thể xảy ra, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị các Cảng vụ hàng không, Cảng hàng không quốc tế và các hãng hàng không phối hợp chặt chẽ với Kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh lây nhiễm qua đường hàng không.

“Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ hành khách đi máy bay từ vùng có dịch (4 nước: Guinea, Liberia, Nigeria, Sierraleone) vào Việt Nam, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi vấn để cách ly theo dõi gửi bệnh viện điều trị”, Chỉ thị của Cục Hàng không nêu rõ.



Dịp này, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với y tế trên địa bàn sân bay và kiểm dịch y tế quốc tế để kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra; nghiêm cấm vận chuyển động vật và thực phẩm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch trên tàu bay. 

Các hãng hàng không yêu cầu khách đi máy bay thực hiện tốt việc khai tờ khai y tế, đảm bảo cung cấp đủ tờ khai y tế trên máy bay.

Được biết, để chủ động đối phó với dịch bệnh do virus Ebola, Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động như gửi công văn yêu cầu các Bộ (Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp triển khai việc khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế; đề nghị ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Ebola; tăng cường truyền thông; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng thuộc phạm vi quản lý về phòng chống lây nhiễm bệnh khi đi đến các nước có dịch bệnh.

Hiện để chủ động ứng phó với dịch bệnh, Việt Nam cũng đã đưa ra 3 phương án: Theo đó, tình huống 1 khi chưa ghi nhận ca bệnh, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

Trong tình huống này, công tác tăng cường giám sát phát hiện tại cửa khẩu được tăng cường, thực hiện kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào Việt Nam.

Giai đoạn này cũng bắt đầu thực hiện tờ khai y tế bắt buộc với hành khác nhập cảnh từ vùng dịch. Theo đó, từ ngày 15/8, Bộ Y tế sẽ triển khai tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch chưa qua 21 ngày tại tất cả các cửa khẩu quốc tế; bằng đường hàng không, đường bộ.

Tại hệ thống bệnh viện cũng sẵn sàng về trang thiết bị, thuốc… sẵn sàng tiếp nhận, thu dung khi có bệnh nhân.

Tình huống 2 khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập thì cần khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. 

Theo đó, ngay sau khi có ca bệnh xâm nhập, ngoài việc giám sát phát hiện tại cửa khẩu, cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc vi rút Ebola có yếu tố dịch tễ liên quan, theo dõi sức người người có tiếp xúc với người bệnh trong vòng 21 ngày.

Trong điều trị sẽ thực hiện nghiên ngặt cách ly với bệnh lý nguy hiểm nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây lan và sẽ điều trị bệnh nhân tại tuyến cao nhất để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng cần phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng. 

Lúc này, việc quan trọng là tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc với toàn bộ người dân trong khu ổ dịch.

Về điều trị sẽ phân tuyến, triển khai bệnh nhân để giảm tải bệnh viện tuyến cuối. Các bệnh viện cũng cần chủ động kế hoạch mở rộng thu dụng, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Thiết bị cách ly bệnh nhân nhiễm dịch trên máy bay


Theo vtc, voa, scmp