Tinh Hoa

Thế giới bí ẩn của ngành dầu mỏ

Dầu mỏ cung cấp nhiên liệu cho xe cộ và nền kinh tế, thế nhưng nó cũng là nguồn nhiên liệu cho nạn hối lộ và tham nhũng trên toàn thế giới. 

Ken Silverstein, một ký giả điều tra từng nhận được giải thưởng đồng thời là cựu biên tập viên ở Washington của tạp chí Harper’s, đã phanh phui những bí mật đen tối nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ trong quyển sách mới xuất bản của anh: “Thế giới bí ẩn của ngành dầu mỏ”. Ông đã chia sẻ những phát hiện được trong quá trình điều tra, và điều chúng ta có thể làm để đấu tranh chống lại những ông trùm dầu mỏ tham nhũng.

1. Ông cho rằng, thực sự dầu mỏ chính là ngành công nghiệp tham nhũng nhất trên thế giới. Tại sao vây?

Từ khi Luật Chống tham nhũng và hối lộ khi kinh doanh ở nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act – FCPA) được thông qua vào năm 1977, ngành công nghiệp năng lượng đã xuất hiện ngày càng nhiều vụ hối lộ hơn bất cứ khu vực kinh tế nào khác. Ngành năng lượng cũng đã bị giáng đòn mạnh với tổng số tiền phạt dưới đạo luật FCPA lớn hơn bất kỳ ngành nào khác.

Nếu bạn bán một sản phẩm cơ khí, bạn sẽ kiếm được một khoản tiền nhỏ từ rất nhiều các hợp đồng. Nhưng khi bạn làm trong ngành kinh doanh dầu mỏ, bạn đang theo đuổi một nhóm nhỏ các thương vụ khổng lồ có trị giá lên đến hàng chục tỷ đôla.  Keith Myers, một nhà tư vấn ở London và cựu thành viên ban quản trị tập đoàn dầu khí Anh Quốc British Petroleum, đã nói với tôi:  “Tham nhũng là bệnh dịch hoành hành trong ngành năng lượng không phải vì người trong ngành này tồi tệ hơn hay có đạo đức thấp kém hơn, mà là vì bạn đang giao dịch với tổng số tiền rất lớn. Một triệu đô la ở đây hay ở đó không làm nên bất kỳ khác biệt nào cho tình hình kinh tế tổng quan của một dự án, nhưng lại có thể tạo ra sự khác biệt to lớn cho tình trạng kinh tế của một vài cá nhân có quyền trì hoãn, ngừng hay phê duyệt dự án”.

 

2. Là người tiêu dùng, chúng ta gánh chịu bao nhiêu trách nhiệm đối với thành công của ngành công nghiệp dầu khí? Chúng ta nên đặt những câu hỏi nào, và hỏi ai?

Một mặt, người tiêu dùng có rất nhiều trách nhiệm bởi lẽ chúng ta đang lèo lái nhu cầu tiêu thụ xăng dầu – ví dụ như, chúng ta cần xăng dầu để chạy chiếc SUV. Và như một cựu thành viên ban quản trị tập đoàn Chevron đã bảo tôi: “Chừng nào chúng ta còn muốn xăng dầu giá rẻ, thì nền kinh tế dân chủ sẽ không thể tồn tại”- nghĩa là chúng ta nhập khẩu dầu khí từ rất nhiều các chính quyền tham nhũng, độc tài và vì vậy chúng ta đang chống đỡ những chế độ này bằng chính túi tiền của mình. Nhưng các quan chức được bầu chính là người thiết lập các chính sách, vì vậy câu hỏi này nên được đặt ra cho chính phủ. Về việc nên nêu ra những câu hỏi như thế nào, thì có quá nhiều, nhưng dưới đây là một số câu hỏi: Tại sao chính phủ tiếp tục trợ cấp một cách phung phí cho ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt? Liệu chính phủ có nên xông xáo hơn trong việc ngăn cản tiêu thụ xăng dầu bằng thuế suất cao hơn và tiêu chuẩn nhiên liệu nghiêm ngặt hơn? Tại sao ngành năng lượng lại được miễn trừ khỏi tất cả các đạo luật bảo vệ môi trường chủ chốt đã được ban hành trong vòng 40 năm qua? Liệu chúng ta có thật sự cần thiết phải ủng hộ hoặc tiếp tay cho mọi chế độ độc tài có nhiều tài nguyên dầu mỏ ở ngoài kia, hay phải chăng đang có một số chế độ (Cộng hòa Guinea, Turkmenistan) đang vượt quá giới hạn, nhưng lại là nơi các trói buộc thương mại và chính trị bị giảm đến mức tối thiểu?

 

3. Liệu sẽ vẫn tồn tại nhu cầu không đổi đối với các nguồn năng lượng hóa thạch bất chấp sự minh bạch đang gia tăng trong ngành? Vậy, trên lý thuyết, liệu hiện trạng tham nhũng này có thật sự ảnh hưởng nhiều đến tương lai của tình trạng ấm lên toàn cầu?

Không, sẽ không như vậy vì như bạn nói, việc giảm thiểu tham nhũng sẽ không làm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nên việc này sẽ không có liên hệ trực tiếp với tình trạng ấm lên toàn cầu.

 

4. Ai sẽ thu lợi từ mức độ minh bạch đang gia tăng trong ngành dầu khí? Có bất cứ lợi ích rõ ràng nào đối với người tiêu dùng hay không?

Đứng trên quan điểm kinh tế mà nói, có lẽ sẽ không có một lợi ích to lớn cho người tiêu dùng. Giá xăng dầu sẽ không hạ thấp xuống nếu hành vi hối lộ (hợp pháp hoặc không) được loại trừ bởi vì đây chỉ là một phần nhỏ trong chi phí tổng thể. Nhóm người thu lợi chính sẽ là những người ở các nước sản xuất dầu mỏ bởi vì tại thời điểm hiện nay người dân của rất nhiều các nước như vậy không biết chính phủ họ chi tiêu nguồn doanh thu trong ngành năng lượng như thế nào. Bốn năm trước Quốc hội Mỹ đã ban hành Đạo luật Dodd-Frank, trong đó bao gồm một điều khoản (Khoản 1504) yêu cầu các công ty xăng dầu, khí đốt và khai khoáng phải công khai các khoản chi trả cho chính phủ của họ. Điều khoản này vẫn chưa được tiến hành do vấp phải sự phản đối từ các ban ngành liên quan, với lý do là điều khoản này sẽ gây hại cho “khả năng cạnh tranh” của các tập đoàn của Mỹ ở hải ngoại, bởi vì các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc không phải công khai các thông tin tương tự. Sự minh bạch không phải là một phương thuốc chữa bách bệnh. Một số chính phủ khá công khai minh bạch về các khoản doanh thu từ dầu mỏ mà họ thu về, họ chỉ không minh bạch về cách chi tiêu khoản tiền này, nhưng sẽ khó khăn hơn nếu chính phủ muốn biển thủ tiền. Khó có thể tranh cãi về vấn đề này.

 

5. Có những tổ chức hoặc cá nhân nào chuyên phơi bày nạn tham nhũng trong ngành công nghiệp này không? Nếu có, vậy chúng ta có thể làm gì để hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống tham nhũng này?

Có rất nhiều các tổ chức tuyệt vời ngoài kia. Tôi xin được nhấn mạnh tỷ dụ tổ chức Global Witness (Nhân Chứng Toàn Cầu – có trụ sở tại London và văn phòng ở Washington DC): Tổ chức này tiến hành các cuộc điều tra nguyên gốc, loại một về tình trạng tham nhũng trong ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên và làm việc rất hiệu quả không kém gì các đơn vị điều tra truyền thông hàng đầu. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng tiến hành các cuộc điều tra tuyệt vời về tình trạng tham nhũng trong ngành công nghiệp năng lượng. Có một công ty Thụy Sỹ gọi là Berne Declaration đã làm rất tốt trong việc theo dõi các ngành kinh doanh hàng hóa. Với hiện trạng ngành kinh doanh truyền thông truyền thống đang ngày một thụt lùi,  thì công việc của những tổ chức như thế này đang trở nên ngày càng quan trọng hơn.

Theo vietdaikynguyen