Tinh Hoa

Nga dùng ‘biện pháp sốc’ cấm nhập thực phẩm để trả đũa Phương Tây

Để đáp trả lại các lệnh trừng phạt, Nga đã dùng ‘biện pháp sốc’ cấm nhập thực phẩm từ Phương Tây. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cam kết các biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến giá cả trong nước.
 

Tại cuộc họp nội các hôm 7/8, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố kể từ ngày này, Nga cấm nhập khẩu hoàn toàn thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các loại rau trái từ Úc, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Na Uy trong thời hạn 1 năm.

EU dọa kiện Nga

Một ngày trước, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp kinh tế chuyên biệt nhằm bảo đảm an ninh cho nước Nga. Thủ tướng Medvedev thừa nhận trừng phạt chỉ là “hạ sách” nhưng tình hình diễn biến phức tạp khiến Nga phải áp dụng các biện pháp đáp trả.

Ông nói nông dân Nga đang sẵn sàng cung ứng những mặt hàng thiếu hụt cho thị trường, đồng thời cam đoan biện pháp trả đũa sẽ không ảnh hưởng đến giá cả trong nước.

 

Nga áp dụng lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm của phương Tây từ ngày 7-8. (Ảnh: ITAR-TASS)

 

Bình luận về sắc lệnh của Tổng thống Putin, các chuyên gia và báo chí Nga cho rằng đây là “liệu pháp sốc” đối với thị trường thực phẩm nước này. Theo báo Kommersant, dù đụng chạm đến ít nhất 10% hàng nhập khẩu của Nga nhưng quyết định trên sẽ tạo động lực mạnh để mở cửa cho hàng nhập khẩu từ những nơi khác.

Quyền giám đốc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Nga Andrei Karpov cho biết sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp mới trong nước cũng như ở các nước không ủng hộ lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Belarus Leonid Marinich nhanh chóng cam đoan sẽ cung cấp thực phẩm cho Nga.

Một người phụ nữ đang chọn mua cà chua ở Moscow. (Ảnh: European Press)

Ngoài ra, hãng tin Newsru cho biết một số quốc gia Mỹ Latin như Brazil và Argentina lên tiếng sẵn sàng bán thịt cho thị trường Nga. Cơ quan giám sát thú y và kiểm dịch thực vật Liên bang Nga cũng đang xem xét khả năng nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Ecuador.

Ngay lập tức, theo Itar-Tass, các nhà sản xuất thịt gà và xuất khẩu thịt gia cầm và trứng ở Mỹ đã kêu gọi Washington khôi phục quan hệ thương mại bình thường với Moscow càng sớm càng tốt. Các chính khách và doanh nhân nhiều quốc gia EU cũng lo ngại nước họ sẽ thiệt hại hàng tỉ USD. Một số còn dọa sẽ đòi Brussels bồi thường nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga gây khủng hoảng kinh tế cho họ, điển hình là phát biểu của Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb hôm 6/8.

Ngoại trưởng Lithuania, ông Linas Linkevicius, hôm 7/8 cho biết EU có thể xem xét gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để buộc Nga phải hủy bỏ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm mang động cơ chính trị vì vi phạm trực tiếp các tiêu chí của WTO.

“Chúng tôi sẽ phân tích kỹ lưỡng các biện pháp này để quyết định có đệ đơn kiện lên WTO hay không” – ông Linkevicius nói và cho biết thêm hiện chưa thể nói liệu EU có áp dụng các biện pháp thương mại đáp trả lệnh cấm của Nga hay không.

Lithuania là một trong các nước EU phụ thuộc Nga về thương mại nhiều nhất với 25 tỉ euro hàng nhập khẩu từ Nga trong năm 2013.

“Làm cỏ” Donetsk?

Tuần dương hạm Vella Gulf lớp Ticonderoga thuộc hạm đội 6 Hải quân Mỹ đã đến biển đen(Ảnh: AP Photo/Dave Martin)

 

Trong khi đó, hạm đội 6 Hải quân Mỹ thông báo Tuần dương hạm Vella Gulf lớp Ticonderoga đã vào biển Đen với nhiệm vụ “bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực”. Sự có mặt của Vella Gulf diễn ra giữa lúc NATO, Lầu Năm Góc và Kiev đều lo ngại Nga có thể đưa quân vào Ukraine.

Hôm 6/8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết ông đồng quan điểm với Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski rằng có nguy cơ cao Nga sẽ sử dụng quân đội ở Ukraine. Về phần mình, Nga bác bỏ cáo buộc đã tăng quân số từ 12.000 lên 20.000 binh sĩ dọc biên giới với Ukraine.

Itar-Tass đưa tin chiến sự ở Đông Ukraine đang hết sức phức tạp. Hai vùng Budennovsky và Petrovsky ở Donetsk đã bị pháo binh Ukraine bắn phá đêm 6/8; còn khu vực trung tâm Donetsk bắt đầu bị dập pháo từ trưa 7/8, con số thương vong chưa được xác định.

Trước đó, trung tâm báo chí của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho biết lực lượng an ninh Ukraine chuẩn bị “làm cỏ” 2 TP Donetsk và Маkeyevka khi chuyển một số lượng lớn đại pháo và binh lính đến đây. Ngay từ chiều 6-8, các khu vực phía Nam và Tây Donetsk đã hứng chịu nhiều loạt đạn pháo trong khi những cuộc giao tranh khốc liệt đã diễn ra suốt ngày. 

Theo Nld, Youtube