Sau vụ cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung Ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ thông tin mật của Mỹ gây chấn động dư luận lúc bấy giờ; thì hiện nay, nước Mỹ có lẽ đang phải đối mặt với một ‘Snowden’ thứ hai.
Edward Snowden
Giữa lúc chưa khắc phục hết hậu quả từ vụ Edward Snowden rò rỉ tin mật về chương trình do thám nội địa, Washington lại kết luận một nhân vật mới tiếp tục tiết lộ thông tin mật cho giới truyền thông, đe dọa an ninh quốc gia.
Theo đài CNN, kết luận trên được đưa ra sau khi trang tin tức Intercept, do cựu phóng viên tờGuardian (Anh) Glenn Greenwald thành lập, đăng tải thông tin dựa từ tài liệu viết hồi tháng 8-2013 của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia.
Thông tin này cho thấy sự mở rộng quy mô của hoạt động theo dõi những phần tử và nghi can khủng bố dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Đáng chú ý là vào thời điểm nêu trên, Snowden đã chạy trốn khỏi Mỹ nên nhiều người cho rằng nguồn cung cấp tin cho Intercept là một kẻ khác. Chính ông Greenwald cũng đề cập “Snowden thứ hai” khi viết trên trang Twitter: “Dường như lần này là một người khác!”. Hiện chưa rõ kẻ bí ẩn này tuồn bao nhiêu tài liệu mật cũng như mức độ thiệt hại từ vụ việc.
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN hồi tháng 2, ông Greenwald nói: “Tôi tin chắc sẽ còn những nguồn tin khác trong chính phủ Mỹ, những người nhìn thấy được hành vi sai trái và được truyền cảm hứng bởi sự dũng cảm của Snowden”. Greenwald là một trong những phóng viên đầu tiên sử dụng những dữ liệu Snowden cung cấp.
Ông Anatoly Kucherena, luật sư của Snowden, cho biết cựu nhân viên CIA vẫn tiếp tục ở lại Nga trong lúc chờ Cơ quan Di trú Liên bang Nga xem xét việc gia hạn tị nạn sau khi thời hạn này kết thúc vào nửa đêm 31-7. Ông Vladimir Volokh, người đứng đầu Hội đồng Tư vấn Dịch vụ di trú Liên bang Nga, tiết lộ Snowden vẫn gặp nguy hiểm nên tìm mọi cách để ở lại Nga.
Số phận của một “người thổi còi” khác – Julian Assange, nhà sáng lập trang WikiLeaks – không khá gì hơn khi phải trú ẩn tại Đại sứ quán Ecuador ở London – Anh từ tháng 6-2012 để tránh bị bắt giữ và đưa về Thụy Điển với cáo buộc tấn công tình dục.
Theo đài RT (Nga), cảnh sát Anh đã phải chi đến 11,8 triệu USD cho chi phí giám sát Assange, tính đến ngày 6-8. Nhiều người chỉ trích chính phủ Anh lãng phí tới 15.000 USD/ngày trong suốt 777 ngày qua chỉ để “rình mò chờ tóm cổ một tên tội phạm”. Trong khi đó, giới chức Ecuador nói rằng Assange luôn được chào đón tại đại sứ quán, miễn là ông muốn ở lại.
Theo nlt, Intercept