Ở giữa sa mạch Peru có một kỳ quan cổ đại bí ẩn có tên gọi “Những đường vẽ Nazca” (Nazca Lines) càng trở nên rõ nét, sau khi các trận cuồng phong và bão cát vừa hé lộ thêm một số hình vẽ chưa từng thấy trước đây.
Những hình vẽ mới này cùng với các hình vẽ đã biết về một con chó, chim ruồi, chim kền kền và khỉ, được cho là sản phẩm của người Nazca cổ đại từ thế kỷ 1 – thế kỷ 6 sau Công nguyên. “Những đường vẽ Nazca” được phát hiện lần đầu tiên từ trên không vào năm 1939, khi một phi công bay ngang qua vùng cao nguyên Nazca.
Hình vẽ mới phát hiện được được cho là về một con rắn dài chừng 60 mét.
Toàn bộ khu vực chứa đựng “Những đường vẽ Nazca”, trải dài hơn 80km giữa 2 thị trấn Nazca và Palpa, cách thủ đô Lima của Peru khoảng 400km về phía nam, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1994.
Hình vẽ con nhện
Nó bao gồm khoảng 700 hình vẽ được khắc tạc vào lớp vỉa đá sáng màu hơn, sâu chừng 10 – 15cm, đối lập với cát sỏi sẫm màu hơn xung quanh. Cộng thêm điều kiện khí hậu ở đây khô, không có gió và nhiệt độ ổn định, những hình vẽ được bảo tồn hàng ngàn năm cho tới ngày nay mà chẳng hề bị cát và đất che lấp.
Hình vẽ một giống lạc đà tọa lạc gần một loài chim chưa nhận diện được.
Nhìn chung, các hình vẽ được chia làm 2 nhóm: nhóm đầu tiên gồm khoảng 70 hình vẽ đã được nhận diện, dường như mô phỏng các sinh vật như động vật, chim, côn trùng, cây cỏ và hoa. Nhóm thứ hai gồm các hình vẽ về những đường thẳng và các hình dạng cơ bản như xoắn ốc, tam giác hay chữ nhật.
Cho đến hình khắc trên núi giống người ngoài hành tinh
Điều kỳ lạ về “Những đường vẽ Nazca” là chúng quá lớn (hình vẽ lớn nhất dài tới 275m), chỉ rõ thấy nếu được nhìn từ phía trên cao. Thêm vào đó, lí do tại sao các hình vẽ này được tạo ra, vẫn là bí ẩn gây nhiều tranh cãi suốt nhiều thập niên qua.
Một giả thuyết cho rằng, các hình vẽ bí ẩn theo cách nào đó có liên quan đến nước. Chẳng hạn như, một hình vẽ có dạng tam giác ở chân núi Cerro Blanco chạy dọc các mạch nước bên trong núi, trong khi hình vẽ chim kền kền gắn liền với truyền thuyết của cư dân địa phương rằng, khi chim kền kề bay phía trên núi, tiếp sau đó sẽ là những trận mưa lớn.
Tương tự, hình vẽ chim ruồi khắc họa loài chim chỉ xuất hiện vào mùa hè, sau các trận mưa xối xả.
Theo giới nghiên cứu, tất cả các hình đều được tạo ra từ một đường vẽ liền mạch và không có điểm giao cắt. Chúng được tin là chứa đựng lời thỉnh cầu các vị thánh thần mang mưa tới.
Bản đồ về vị trí một số hình vẽ kỳ lạ ở sa mạc Nazca.
Các chuyên gia tin rằng, thổ dân Nazca từng nhảy múa dọc các đường vẽ khi họ cầu mưa. Nhiều hình vẽ giữa sa mạc cũng đã xuất hiện trên các đồ gốm có từ nền văn minh Nazca, vốn tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 100 – 800.
Tháng 12/2012, giáo sư Clive Ruggles thuộc Đại học Leicester (Anh) từng tuyên bố, một trong các hình vẽ với mô-típ xoắn ốc trong sa mạc Peru, nhiều khả năng từng là một mê cung. Nó có thể được tạo ra như “đường đi của linh hồn”.
“Những đường vẽ Nazca là một trong những bí ẩn khảo cổ học khó lí giải nhất vì số lượng, bản chất, kích cỡ cũng như tính liên tục của chúng. Sự tập trung và tọa lạc liền kề nhau của những hình vẽ cũng như tính liên tục văn hóa của chúng cho thấy, đây là sản phẩm của một hoạt động quan trọng và kéo dài”, trích nhấn xét của UNESCO.
Theo Vietnamnet, Daily Mail, Live Science