Ngày 12/8/1981, IBM đã công bố máy tính IBM Personal Computer 5150, mở ra khái niệm mới, khái niệm về máy tính cá nhân. IBM 5150 nặng 9,5 kg, gồm 1 bàn phím, 1 case và 1 màn hình CRT và có giá 1.565 USD. IBM 5150 sử dụng 16K bộ nhớ trong, có khả năng kết nối với TV, chơi game và xử lý văn bản.
Tuy nhiên, trên thực tế, IBM 5150 không phải là máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới, mà Apple với bộ máy tính AppleII, được ra mắt 1977 mới là thiết bị được xem tạo nên cuộc cách mạng cho máy tính cá nhân. Tuy nhiên, Apple lại không sử dụng máy tính cá nhân (PC) để đặt cho hệ máy tính của mình (các máy tính của Mac không gọi là PC), nên danh hiệu PC đầu tiên vẫn thuộc về IBM 5150.
Trải qua 30 năm tồn tại và phát triển, từ những “cổ máy khổng lồ”, máy tính cá nhân đã trở nên nhẹ nhàng, di động và mạnh mẽ hơn. Thậm chí, máy tính cá nhân đang dần trở thành “lỗi thời” và sẽ bị thay thế trong tương lai bởi những thiết bị như smartphone hay máy tính bảng.
Cùng nhìn lại những giai đoạn thăng trầm của máy tính cá nhân trong bài viết dưới đây.
Giai đoạn trước 1981
Vào giai đoạn này, những chiếc máy tính không được gọi đến với tên gọi “máy tính cá nhân”, mà thay vào đó là “máy tính siêu nhỏ”, mặc dù phong cách thiết kế có nét tương tự như IBM 5150.
Khi công nghệ ngày càng phát triển và giá thành giảm đi, cuối thập niên 70, “máy tính siêu nhỏ” đã trở nên phổ biến hơn. Trong 1 gia đình, người vợ sẽ sử dụng nó để lưu trữ các công thức nội trợ, người chồng sẽ dùng nó để quản lý các tài khoản gia đình và những đứa trẻ sẽ sử dụng nó để giải bài tập về nhà và thư giãn với trò chơi Pong, 1 trong những trò chơi điện tử đầu tiên trên thế giới.
Apple II, 1 trong những mẫu máy tính đầu tiên của Apple
Các dòng máy tính nổi tiếng trong giai đoạn này có thể kể đến như Commodore PET, Atari 400, Apple II… tuy nhiên, khái niệm máy tính cá nhân vẫn chưa hề được nhắc đến.
Thập niên 80 – Giai đoạn thống trị của IBM
“Đây là chiếc máy tính cho tất cả những ai muốn một hệ thống cá nhân tại văn phòng, trường đại học hoặc tại nhà” – C.B. Rogers, phó chủ tịch của IBM giới thiệu về chiếc “máy tính cá nhân” đầu tiên được giới thiệu vào năm 1981.
“Chúng tôi tin tưởng vào độ tin cậy, hiệu suất và dễ sử dụng. Đây là chiếc máy tính tiên tiến nhất, giá cả phải chăng nhất trên thị trường” – Rogers tự hào tuyên bố.
Chỉ 1 năm trước đó, Roger đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo 1 nhóm phát triển để tạo ra 1 thế hệ máy tính mới và phải thực hiện điều đó nhanh chóng. Vào thời điểm này, kế hoạch tạo ra 1 khái niệm máy tính mới đã gặp phải nhiều hoài nghi về mức độ thực tế. Thậm chí, ngay cả khi PC ra đời, sự thành công của khái niệm mới này cũng đã gặp phải nhiều nghi vấn về sự thành công.
IBM 5150, chiếc máy tính mở ra khái niệm PC trong lịch sử
“Việc IBM giới thiệu PC cũng giống như dạy 1 con voi nhảy” – 1 nhà phân tích thị trường vào lúc đó đã nhận xét về khái niệm PC của IBM như vậy.
Điểm nổi bật của PC so với các hệ máy tính khác, đó là các bộ phận của PC được cung cấp từ bên thứ 3, bao gồm phần cứng và cả phần mềm, như vi xử lý được cung cấp bởi Intel, hệ điều hành sử dụng MS-DOS của Microsoft… điều này giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc để phát triển, giúp PC của IBM thành công trên thị trường. Cùng với đó, tên tuổi của IBM cũng là 1 trong những điều tạo nên sự thành công của PC.
Tiếp bước sự thành công bước đầu, PC được nâng cấp và phát triển nhanh chóng. Chỉ trong vòng 10 năm sau đó, IBM đã tăng tốc độ vi xử lý gấp 10 lần so với phiên bản đầu tiên, bộ nhớ hệ thống tăng hơn 1.000 lần (từ 16KB lên 16MB) và bộ nhớ lưu trữ tăng hơn 10.000 lần (từ 160KB lên 1.6GB).
Nói 1 cách đơn giản, thập niêm 80 là thập niên thống trị của IBM và PC trên thị trường máy tính, từ chỗ chiếm lĩnh thị trường 55% vào năm 1986, PC của IBM đã chiếm đến 84% thị trường máy tính vào năm 1990.
Thập niên 90 – PC “thăng hoa”
Những năm 90 của thế kỷ trước là giai đoạn ra đời của nhiều thương hiệu công nghệ lớn, tạo điều kiện đẻ PC phát triển nhanh chóng hơn nữa.
Compaq (sau này đã bị mua lại bởi HP) và Dell nhanh chóng trở thành những hãng sản xuất máy tính sử dụng hệ điều hành Windows lớn nhất thế giới. Điểu này cũng đã giúp Windows trở nên phổ biến.
Trái ngược với sự “thăng hoa” của PC, Apple lại gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với những chiếc máy tính sử dụng Windows vào thời điểm bấy giờ, cho đến khi Steve Jobs trở về với “quả táo” vào năm 1997 và ra mắt iMac, sau này là iBook, Apple mới dần lấy lại “nguồn sinh lực” của mình.
IBM tiếp tục 1 lần nữa trở thành “người tiên phong” khi cho ra mắt khái niệm máy tính xách tay (laptop) đầu tiên vào năm 1992, với thương hiệu ThinkPad và thương hiệu này đã trở thành 1 trong những thương hiệu máy tính lâu đời và thành công nhất trong lịch sử.
ThinkPad 700C – chiếc laptop ThinkPad đầu tiên của IBM
Thập niên 2000 – “Rúng động” với “thảm họa Y2K”
Vừa bước vào thiên niên kỷ mới, nền công nghiệp máy tính đã phải bị rúng động với nỗi lo sợ về “thảm họa Y2K”, khiến cả giới công nghệ lo sợ rằng máy tính trên toàn cầu sẽ bị lỗi khi bắt đầu bước vào năm 2000, khi mà các hệ thống máy tính sẽ chỉ nhận diện là năm 00 (do chỉ lấy 2 số sau của năm).
Tuy nhiên, may mắn là kết quả cuối cùng không quá khùng khiếp như dự đoán và mọi hệ thống vẫn đã vượt qua được trở ngại này.
Y2K đã từng là “cơn ác mộng” của các hệ thống máy tính
Thập niên 2000 đánh dấu sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội, làm thay đổi hoàn toàn cách thức giao tiếp của con người. Điều này cũng đã dần làm thay đổi cách thức con người sử dụng máy tính: năng động và tiện lợi hơn, di chuyển dễ dàng hơn.
Đây cũng là nguyên nhân chính, khiến máy tính cá nhân dần bị thay thế bởi các thiết bị điện tử nhỏ gọn hơn như smartphone hay máy tính bảng.
Thập niên 2000 cũng là thập niên chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa Apple và Microsoft trên thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân.
Tương lai của máy tính cá nhân
Nhiều người tin rằng, máy tính cá nhân đã đạt đến mức “tiến hóa” cao nhất của nó và sẽ bị thay thế bởi 1 thế hệ mới hơn, thuận tiện hơn, đó chính là máy tính bảng.
Ngoại trừ bàn phím vật lý, màn hình lớn… các tính năng như mạng xã hội, giải trí, duyệt web, email, chơi game… đều có thể dễ dàng thực hiện trên các máy tính bảng.
Các hãng điện tử cũng đang tập trung sức lực trong cuộc đua trên thị trường máy tính bảng mà không còn mấy mặn mà với việc sản xuất PC.
Tương lai của máy tính cá nhân sẽ là máy tính bảng
Trong 1 bản báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Forrester cho biết, máy tính bảng sẽ thay thế hoàn toàn netbook (laptop cỡ nhỏ) vào năm 2012, và đến 2015, 23% người dùng máy tính sẽ là tablet, chứ không phải là PC.
Có vẻ như, tương lai của PC sẽ đúng như Steve Jobs, CEO của Apple đã từng nói: “Các thiết bị cá nhân sẽ trở nên nhẹ hơn, nhỏ hơn, năng động hơn và cá nhân hơn. Smartphone và table sẽ dần thay thế PC, đưa thế giới bước vào giai đoạn mới, giai đoạn ‘hậu PC’”.
Việc 1 sản phẩm công nghệ bị thay thế bởi 1 sản phẩm công nghệ mới tiên tiến hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu, như quy luật đào thải của tự nhiên. Tuy nhiên, dù như vậy, PC vẫn đóng 1 vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển công nghệ thế giới và lịch sử của loài người.
Phạm Thế Quang Huy