Tinh Hoa

Câu chuyện về nhiếp ảnh Việt Nam: Những ông vua đầu tiên được chụp ảnh

Nhiếp ảnh Việt Nam được du nhập khi nào và ai là người đầu tiên được chụp ảnh? theo một số nhà nghiên cứu và sưu tầm. Việc chụp ảnh du nhập vào nước ta mãi đến mùa thu năm 1863, khi vua Tự Đức cử Sứ đoàn Phan Thanh Giản – Phạm Phú Thứ – Ngụy Khắc Đản sang Pháp thương thuyết, lần đầu tiên người Việt Nam biết đến nhiếp ảnh.

Theo ghi chép của sử sách Việt Nam, thì Đặng Huy Trứ (1825-1874) – một quan lại triều Nguyễn người Thừa Thiên Huế đã đưa kỹ thuật này từ Trung Quốc vào Việt Nam bằng việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại Hà Nội năm 1869.

Những người Việt Nam đầu tiên được chụp ảnh

Mùa thu năm 1863, vua Tự Đức cử Sứ đoàn Phan Thanh Giản – Phạm Phú Thứ – Ngụy Khắc Đản sang Pháp thương thuyết, lần đầu tiên người Việt Nam biết đến nhiếp ảnh và được cụ Phạm Phú Thứ ghi lại trong Như Tây Sứ Trình Nhật Ký sau đây:

“Ngày mồng bảy (19-9-1863), Hà-bá-lí (tức Aubaret – quan chức của Chính phủ Pháp) báo rằng Quốc trưởng của họ muốn xem ảnh của Sứ bộ, nên quan đại thần của đô thành đã cho người đến báo với các quan sứ sáng mai, mặc phẩm phục sẵn sàng để chụp ảnh đệ trình lên trên”.

Hôm sau, “Ngày mồng tám (20-9-1863)…Giờ Ngọ (11 đến 13 giờ) trời hơi tạnh, chúng tôi lần lược mặc phẩm phục lên nhà lầu lợp kính trong Quán để chụp ảnh (quán nầy có mấy gian trên tầng lầu mà mái và tường đều lợp bằng kính (plaques de verre) để lấy ánh sáng mặt trời. Cách chụp ảnh làm như thế nầy:

“Trước hết, lấy nước thuốc xoa trên một tấm kính rồi đặt tấm kính vào ống kính; sau đó, người được chụp đứng trước ống kính và quay mặt về ống kính; ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người in lên tấm kính, không sai một sợi tóc. Tục người Tây thích chụp ảnh nhất. Phàm những người mới quen biết nhau thì thích có ảnh của người quen; người trên, kẻ dưới đều như vậy vì người ta nói rằng, làm như vậy để tỏ ra không quên nhau.

Từ đó về sau, viên quan nầy nhiều lần đưa thợ mang máy đến quán mời chúng tôi chụp ảnh và chia tặng chúng tôi. Tiền công chụp một tấm ảnh nhỏ là một quan, tấm lớn hơn là bốn, năm quan.” […]

“Ngày Mồng chín (21.9.1863), mưa phùn. Mấy người thợ chụp ảnh lại đến mời chúng tôi chụp chung một tấm ảnh nhỏ (hôm trước, đã chụp riêng từng người, hôm nay, mới chụp chung cả đòan để cùng đệ trình lên Quốc trưởng”. 
 
Tấm ảnh lịch sử, từ trái sang phải: Ngụy Khắc Đản (Bồi sứ, nhân vật thứ ba); Phan Thanh Giản (Chánh sứ, người đứng đầu Sứ đoàn); Phạm Phú Thứ (Phó sứ, nhân vật thứ hai) – Ảnh TL do NĐX st 
 

Phòng Ngự sử Nguyễn Hữu Thận, 30 tuổi, quan võ, Tòng Ngũ phẩm có thể được xem và vị quan triều Nguyễn được chụp ảnh lần đầu tiên – Ảnh TL

Hiệu ảnh đầu tiên ở Kinh đô Huế năm 1878

Vào trung tuần tháng 3 năm 1874, Sứ đoàn Phan Thanh Giản đem những bức hình chụp bên Tây về Kinh đô Huế làm cho nhiều quan dân háo hức muốn biết người phương Tây đã làm như thế nào mà tài tình đến vậy. Sau đó, triều Nguyễn cho ông Trương Văn Sán sang Tây học nghề chụp ảnh.

Mùa hạ năm Tự Đức thứ 31 (1878) ông Sán về nước và trình bày “tiểu phép chụp ảnh” với bộ Hộ. Bộ Hộ lại tâu lên vua Tự Đức, được nhà vua rất hài lòng. Nhà vua bèn sai bộ Công làm một nhà riêng bên phải sở Thương Bạc (vị trí ở giữa Nhà hát Hưng Đạo và cửa Thượng Tứ hiện nay) để cho Văn Sán chụp ảnh. Văn Sán không những chụp ảnh cho vua, cho các ông hoàng bà chúa, mà còn được phép chụp cho cả quan dân bên ngoài. Có thể nói hiệu ảnh Văn Sán sáng lập năm 1878 là hiệu ảnh đầu tiên ở Cố đô Huế (Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, bản dịch của Viện Sử học, t.34, Nxb KHXH, HN.1976, tr.125)

Ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh

Hiệu ảnh của Trương Văn Sán được vua Tự Đức cho phép “không những chụp ảnh cho vua, cho các ông hoàng bà chúa, mà còn được phép chụp cho cả quan dân bên ngoài”. Tuy vậy, cho đến nay chúng tôi chưa sưu tập được một tấm ảnh nào có niên đại được chụp sau ngày hiệu ảnh của Trương Văn Sán ra đời (1878). Riêng trường hợp các ông Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã rời Huế sau sự kiện thất thủ Kinh đô (7-1885) nay vẫn còn tìm được một vài tấm ảnh của hai ông. Có thể dự đoán những tấm ảnh của hai ông còn được xem trên sách báo ngày nay đã được Trương Văn Sán chụp trước tháng 7-1885.

                    
 
Hai ông Phụ chánhTôn Thất Thuyết (trái) và Nguyễn Văn Tường

Còn vua Tự Đức thì cho đến nay được biết nhà vua cho phép Trương Văn Sán mở hiệu ảnh tại Huế nhưng không có một tấm ảnh nào chụp nhà vua cả. Những hình vua Tự Đức in trong sách và trên báo chí lâu nay đều là ảnh vẽ của người Pháp. Vua Tự Đức cấm đạo Thiên chúa nên có một số họa sĩ phương Tây theo đạo Thiên chúa ghét bèn tưởng tượng ra vẽ hình vua Tự Đức rất dễ sợ.

Sau ngày vua Tự Đức qua đời, các vua Nguyễn lên ngôi thời “Tứ nguyệt tam vương” (từ cuối 1883 đầu 1884) là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước thì không thấy có một di ảnh nào. Trong hồ sơ lưu trữ của Pháp, vua Hiệp Hòa còn lưu lại một tấm tranh vẽ caricature mấy nét chứ không phải ảnh chụp. Ảnh vua Hàm Nghi mà sách báo trước đây đăng tải là tấm ảnh do một người Pháp chụp trộm lúc nhà vua đã bị đày sang Algérie (sau năm 1889). Qua sử sách của triều Nguyễn, được biết vua Đồng Khánh (1885-1889) là ông vua Nguyễn đầu tiên cho phép thợ ảnh chụp ảnh vua. 

 

Chân dung vua Đồng Khánh – ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh vào đầu năm 1886. Ảnh chụp tại điện Văn Minh. Một bản gởi sang Pháp, một bản treo tại Điện Cần Chánh. 

Tấm ảnh nầy chụp vào cuối tháng 12 Ất Dậu nhằm tháng 1 năm 1886. Chụp vào mùa đông xứ Huế, trong điện Văn Minh không đủ ánh sáng, nên tấm ảnh lịch sử của vua Đồng Khánh gởi cho Chính phủ Pháp không rõ lắm. Vì thế về sau vua Đồng Khánh cho chụp lại, nhà vua mặc đại triều nhưng đầu lại quấn khăn chứ không đội mũ. Tấm ảnh thứ hai nầy rõ hơn và được in trên sách báo Tây lúc đó và cả sau nầy.

Chân dung vua Đồng Khánh- ông vua Nguyễn đầu tiên được chụp ảnh vào đầu năm 1886. Ảnh do vua Khải Định giữ

Các bức ảnh chụp vua quan sau này


Chân dung vua Thành Thái (1889-1907) trong bộ triều phục
 
Ảnh chụp hai người vợ của vua Thành Thái năm 1907
.
Vị vua trẻ tuổi Duy Tân ngồi trên kiệu, ảnh chụp năm 1907.


Vua Duy Tân chụp cùng quan lại trong triều năm 1907 


Ảnh chụp vua Khải Định bên cạnh các vị quan cố vấn
 

Vua Khải Định dùng bữa trưa tại điện Cần Chánh.
 
Nam Phương Hoàng Hậu ngày được tấn phong năm 1934
 .

Nhan sắc kiều diễm của Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại

Thái tử Bảo Long, con vua Bảo Đại, ảnh chụp năm 1936.
 

Chân dung vua Bảo Đại, ảnh chụp năm 1928

Bà Chúa Nhất, trưởng nữ của vua Dục Đức, chị cả của vua Thành Thái, ảnh chụp năm 1931.


Lễ thiết triều của các quan lại triều Nguyễn, ảnh chụp năm 1926


Quan lại triều Nguyễn trước điện Thái Hòa


Một vương phi già trong triều đình Huế
 

Hai vị quan phục vụ trong triều, ảnh chụp tại Huế năm 1931.
 

Một vị quan triều Nguyễn chụp cùng vợ của mình năm 1899
 

Ngài đề đốc cùng hai bà vợ, ảnh chụp năm 1894. 

 

Theo Motthegioi, baoduhoc.vn