Vào đêm ngày 10 – rạng sáng ngày 11 tháng 8, năm 2014, người dân Việt Nam có thể đón thời điểm trăng tròn gần nhất và sáng nhất hay còn gọi là “siêu trăng”.
Theo anh Đặng Tuấn Duy – chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), điều đáng chú ý của sự kiện ngày 10 và 11/8 chính là thời điểm trăng tròn (full moon) và thời điểm Mặt trăng đạt tới vị trí cực cận (perigee), gần như cùng lúc (cách nhau chỉ 20 phút). Lần cực cận này cũng là lúc Mặt trăng đạt tới vị trí gần Trái đất nhất trong năm 2014, ở khoảng cách 356.896km (theo fourmilab). Các nhà khoa học cho biết Mặt trăng sẽ không tiến tới gần Trái đất ở khoảng cách tương tự cho tới ngày 28/9/2015. Đây là một hiện tượng thiên văn thú vị vì theo một số nhà khoa học, lúc diễn ra “siêu trăng”Mặt trăng có thể to hơn 12-14% và sáng hơn 30% so với thông thường. Tuy nhiên mắt thường chúng ta khó nhận ra sự khác biệt này nếu không có công cụ đo (cách phân biệt tốt nhất là chụp ảnh Mặt trăng bình thường và Mặt trăng lúc “siêu trăng” với cùng tiêu cự máy ảnh rồi đem so sánh). Trong năm 2014, Mặt trăng cũng có vài lần trăng tròn (ngày 13/6 và ngày 9/9) và cũng được gọi là “siêu trăng”, nhưng khoảng cách giữa Mặt trăng – Trái đất lớn hơn và thời điểm giữa lúc cận điểm và lúc trăng tròn cũng cách nhau khá xa, không cùng lúc so với ngày 10 và 11/8.
Những điều có thể bạn chưa biết về “siêu trăng”1. Thuật ngữ “siêu trăng” không bắt nguồn từ thiên văn học mà từ chiêm tinh học. Theo nhà chiêm tinh học Nolle tại website astropro.com (website đã khởi nguồn cho tên gọi này), vào năm 1979 ông định nghĩa rằng: “Trăng non hay trăng tròn xảy ra khi Mặt trăng ở đúng vị trí hay gần vị trí (90%) nó đạt cực cận (gần nhất) so với Trái đất trên quỹ đạo của nó (vị trí perigee)”. Theo Nolle thì một năm có thể có 4-6 siêu trăng. 2. Ba năm trước, ngày 19/3, Mặt trăng tròn cùng lúc với vị trí cực cận đã được gọi với tên là “siêu trăng” mà các nhà thiên văn học chưa bao giờ dùng tới. Trong vài năm tiếp sau, thuật ngữ “siêu trăng” được dùng phổ biến hơn cho một vài lần trăng tròn ở cận điểm. 3. Theo ước tính, cứ 413,4 ngày (1 năm 1 tháng 18 ngày) sẽ diễn ra một lần “siêu trăng”, tức lúc đó trăng tròn sẽ diễn ra cùng lúc với vị trí nó đạt cực điểm. 4. Lần “siêu trăng” mà Mặt trăng có khoảng cách tới Trái đất < 356.500km là rất hiếm, lần đầu trong thế kỷ 21 là ngày 25-11-2034 (356.456km) và khoảng cách nhỏ nhất trong thế kỷ 21 là vào ngày 6/12/2052 (356.425km). Và để đạt tới khoảng cách <356.400km thì còn hiếm hơn nữa, đến ngày 1-1-2257 mới xảy ra. 5. Nhiều người cho rằng sự kiện trăng tròn trùng với vị trí cận điểm sẽ ảnh hưởng tới các kiểu khí hậu trên Trái đất. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học phủ nhận điều này. Họ khẳng định”siêu trăng” sẽ không gây ra các sự kiện địa chất nào, chỉ tạo nên một số khác biệt với sự lên xuống của thủy triều. Nếu nó cộng hưởng với điều kiện thời tiết nào đó, có thể sẽ gây ra vài vấn đề ở những vùng ven biển mà thôi. Đặng Tuấn Duy – chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) |
Theo Tuổi Trẻ |