Vừa qua, tổng thống Barack Obama đã bày tỏ quan điểm của ông trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng tập trung vào chính sách ngoại giao của Mỹ với Châu Á – một phản ứng trước sự bành chướng về sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, “trục” này có vẻ vẫn bị lu mờ bởi một loạt các cuộc khủng hoảng quốc tế, bao gồm việc Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Nga hiện là nhà sản xuất dầu khí lớn thứ 3 thế giới, cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 toàn cầu. Các quốc gia Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng xuất khẩu của nước này, và vì vậy, phản ứng của Phương Tây trước khủng hoảng ở Ukraine trở nên vô cùng phức tạp.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Economist, Obama đã hạ thấp vai trò của Moscow trên trường quốc tế, đồng thời cho rằng Tổng thống Vladimir Putin, trong ngắn hạn, là một kẻ chuyên gây rắc rối để trục lợi chính trị, và sẽ khiến Nga chịu tổn thất về dài hạn.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cần phải nhìn xa. Nga chẳng làm được gì… Những người dân nhập cư đã không còn đổ xô tới Moscow để tìm kiếm cơ hội như trước nữa. Tuổi thọ trung bình của nam giới Nga là khoảng 60 tuổi. Dân số ngày một thu hẹp lại”.
Nói về những thách thức trong khu vực đối với Nga, Obama cho hay: “Chúng ta cần phải đảm bảo rằng họ không gây leo thang tới mức khiến vấn đề về vũ khí hạt nhân xuất hiện trở lại trong những cuộc thảo luận về chính sách ngoại giao”.
Đối với Trung Quốc, Obama mô tả những căng thẳng với nước này là “có thể kiểm soát được”. Ông Obama khẳng định: “Có một điều mà tôi cần phải nói về Trung Quốc, đó là cần phải kiên quyết với họ bởi vì họ sẽ không dừng lại cho tới khi gặp phải sự kháng cự… Họ không cần tình cảm, cũng không quan tâm tới những khái niệm trừu tượng, do đó, chỉ áp dụng các chuẩn mực quốc tế đối với họ là không đủ”.
Nói với tạp chí The Economist (Anh), ông Obama cho rằng cần phải cứng rắn với Trung Quốc vì “họ sẽ cứ lấn tới hết mức có thể cho đến khi bị kháng cự”, theo Reuters.
Nhà lãnh đạo này tin tưởng rằng, những căng thẳng thương mại sẽ được giảm bớt nếu Trung Quốc từ bỏ danh hiệu “công xưởng giá rẻ của thế giới” và các công ty trong nước bắt đầu sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, tôn trọng sở hữu trí tuệ.
Do đó theo Obama, cần phải có cơ chế với cả 2 nước Nga, Trung Quốc bởi họ “vi phạm các chuẩn mực quốc tế”. Không những vậy, Tổng thống Mỹ còn cho rằng cũng cần phải cho họ thấy “những lợi ích tiềm năng dài hạn.”
Theo Soha