Trong những cuộc tiếp xúc gần đây với nhân viên y tế cũng như người dân bản địa ở Sierra Leone, cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần so với những cuộc nội chiến từng xảy ra ở đất nước này.
Moniah Saya, đang giải thích cho đội ngũ nhân viên y tế về cách thức lây lan virus Eboal.
Nhưng thay vì sợ hãi và hoang mang, người dân khu vực Tây Phi đã chuẩn bị những xô nước rửa tay chứa đầy dung dịch clo kháng khuẩn. “Bạn không thể biết người ngồi bên cạnh mình có bị nhiễm bệnh hay không nên cách tốt nhất là tự ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt nhất có thể. Bởi chúng ta cũng đã thấy những trường hợp cả gia đình cùng mắc bệnh…”, Alfred Charles chia sẻ.
Alfred Charles cùng xô nước rửa tay chứa dung dịch clo.
Đối với rất nhiều người trên thế giới, Ebola chỉ là một căn bệnh xa lạ, được biết đến qua hình ảnh, tin tức. Nhưng đối với người dân Tây Phi như Charles, đối diện với căn bệnh là công việc diễn ra hằng ngày, “Bất cứ đâu – Facebook, điện thoại, Whatsapp, tại những khu vực công cộng, trong gia đình… – mọi người đều nói về Ebola”.
Là người quản lý chương trình của Hội cứu trợ Công giáo Caritas, Charles hiện đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân về loại virus mới chỉ xuất hiện gần đây ở Sierra Leone. Anh đến từng nhà, từng trường học, từng nhà thờ, những nơi anh có thể tập trung được tất cả mọi người để truyền đạt những kiến thức anh được biết về căn bệnh này và hướng dẫn mọi người rửa tay bằng nước clo để sát trùng.
Tuy nhiên, công việc không nhận được nhiều hưởng ứng từ mọi người, “Rất nhiều người vẫn rất thờ ơ và chủ quan với Ebola. Đó là một trong những thách thức lớn nhất”, Charles nói.
Những câu chuyện về việc nhân viên y tế và Chính phủ bắt giữ và sát hại người dân được lan truyền khắp nơi. Để xóa bỏ những lời đồn thổi quả thực không dễ dàng, “Chúng tôi cho họ thấy những hình ảnh, những bộ phim về Ebola. Chúng tôi cố gắng để chắc chắn rằng họ hiểu về loại virus đầu tiên xuất hiện ở khu vực cũng như mức độ nguy hiểm của nó, đó là Ebola và nó hoàn toàn tồn tại”, Alfred Charles tiếp tục.
Cho đến nay (1/8/2014) đã có 1.323 trường hợp nghi ngờ và xác nhận bị nhiễm Ebola và 729 trường hợp tử vong. Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng loại virus này lây truyền từ loài dơi ăn quả sang người, nhưng không ai biết nguyên nhân tại sao. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng yếu kém cùng với thiếu thực hành vệ sinh tại những nước trong khu vực nghèo nhất thế giới này đã không giúp ích được gì trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Theo lời Monia Sayah, một y tá thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới thì sự thiếu hụt về mọi mặt đã làm mọi việc trở nên khó khăn.
Sayah là một tình nguyện viên đến từ Brooklyn, New York, vừa hoàn thành hai phần việc trên tuyến đầu ở Guinea, quốc gia Tây Phi đầu tiên phát hiện trường hợp mắc bệnh hồi tháng Ba.
Một trong những thách thức đầu tiên trong công việc của cô là cố gắng thuyết phục mọi người tin rằng căn bệnh là hoàn toàn có thực.
Ngoài ra, khối lượng công việc rất lớn, cô phải thường xuyên đối mặt với hàng chục bệnh nhân cách ly, cứ mười người thì có tám người đang hấp hối tương đương với tỷ lệ tử vong trong đợt dịch trước (khoảng 79%), hiện nay số người chết sau khi nhiễm Ebola đã giảm xuống còn khoảng 60%. Trong tình trạng đó, cô phải đảm bảo rằng bản thân không được tiếp xúc với virus cũng như vô tình gây lây nhiễm chéo cho bất cứ người hay vật khác.
Khi đến cơ sở điều trị vào buổi sáng, cô được trang bị áo choàng, áo chống thấm, nón, kính bảo hộ, găng tay và ủng cao su, mỗi inch trên cơ thể đều được bao phủ. Sau khi kết thúc công việc của một ngày, ngoại trừ ủng cao su, mọi thứ đều bị tiêu hủy.
Bởi vì không có thuốc đặc trị Ebola nên công việc chăm sóc bệnh nhân là giúp họ giữ ẩm và làm sạch vết thương, giúp họ đi dạo và cho họ sử dụng thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng. “Họ chỉ có một mình. Họ bị cô lập”, Sayah nói, công việc của nhân viên y tế không chỉ chăm sóc vết thương mà còn là ở bên cạnh, động viên và an ủi.
Còn rất nhiều khó khăn khác mà Sayah phải vượt qua. “Chúng tôi giúp bệnh nhân ăn trưa, thăm họ vài giờ sau đó và đột nhiên họ ra đi. Thật sự rất tàn nhẫn. Bạn sẽ không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra”, Sayah nghẹn ngào. Kể từ khi làm việc trong lĩnh vực này, cô đã chứng kiến nhiều trường hợp đã mất toàn bộ gia đình, nhìn thấy nhiều thanh thiếu niên, những bà mẹ đang mang thai ra đi ngay trước mắt mình.
Ngoài ra, chẩn đoán và đưa ra kết luận trong giai đoạn đầu của bệnh cũng là một công việc hết sức khó khăn khi những triệu chứng đầu tiên của Ebola không có nhiều khác biệt so với những căn bệnh thông thường khác. “Chẳng có gì, tất cả bạn có là một cái nhiệt kế”, Sayah giải thích. Nếu chẩn đoán sai trường hợp không nhiễm bệnh, sẽ có một sự cách ly không cần thiết. Nếu một bệnh nhân được xác định dương tính có nghĩa là địa điểm đó là nơi virus tiềm tàng và có thể có nhiều trường hợp mắc bệnh khác.
Những chuyên gia Ebola cho rằng một trong những nguyên nhân góp phần làm bùng nổ dịch bệnh là do thiếu hụt nguồn nhân viên y tế để đối phó, nếu không đủ người tìm kiếm cũng như chăm sóc kịp thời những trường hợp mắc bệnh thì mỗi trường hợp bỏ qua đó chính là khởi đầu của những sự lây lan mới.
WHO cùng các tổ chức viện trợ khác hiện đang có nhiều kế hoạch tài trợ. Ngoài ra, Liên Hợp Quốc cũng cam kết sẽ chi 100 triệu USD để dập tắt các ổ dịch hiện tại.
Hồ Duyên@bocau.net
Theo Vox