Các hãng hàng không thế giới đang rối loại vì chiến sự, hàng trăm chuyến bay đã phải bị hủy, hoãn vì lý do tập trận.
50-60 nước sở hữu hệ thống tên lửa phòng không tương tự loại được cho là đã dùng để bắn rơi MH17.
Chưa hết bàng hoàng vì vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines(MAS) ở miền Đông Ukraine, các hãng hàng không thế giới còn đau đầu vì một điểm nóng mới (mà cũ) khác là Trung Đông.
Hủy chuyến bay vì rốc-két, tập trận
Nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ và châu Âu hôm 22-7 quyết định tạm ngừng các chuyến bay đến và rời khỏi Israel sau vụ tấn công rốc-két gần sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv. Theo đài BBC, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cấm các hãng hàng không nước này bay đến Israel trong vòng 24 giờ.
Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cũng khuyến cáo các hãng của châu lục này tránh bay qua không phận Israel. Ngay cả trước khi EASA cảnh báo, một số hãng hàng không châu Âu như Swiss International Airlines (Thụy Sĩ), Germanwings (Đức) và Austrian Airlines (Áo) đã ngưng bay tới Israel.
Một loạt chuyến bay bị hủy tại sân bay Ben Gurion (Israel) hôm 22-7 Ảnh: Reuters
Lệnh cấm trên được xem là thắng lợi to lớn nhất của Hamas trong xung đột đang diễn ra với Israel bởi nó có thể cô lập Israel trên trường quốc tế. Chiến sự tại Dải Gaza đã bước sang ngày thứ 17, khiến ít nhất 639 người Palestine và 31 người Israel thiệt mạng.
Theo đài CNN, hàng trăm chuyến bay đã phải bị hủy, hoãn vì lý do tập trận ở miền Đông Trung Quốc hôm 21-7 và sự gián đoạn này có thể tiếp diễn trong những tuần tới.
Trên mạng xã hội Weibo của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc tiết lộ các hãng hàng không được lệnh cắt giảm 1/4 số chuyến bay tại 12 sân bay ở miền Đông Trung Quốc, trong đó có 2 sân bay sầm uất nhất tại Thượng Hải, từ ngày 20-7 đến 15-8.
Không có lý do chính thức nào được đưa ra nhưng có thông tin các chuyến bay phải nhường bầu trời cho những cuộc tập trận dày đặc.
Không thể tránh hết vùng xung đột
Tại Libya, các tay súng trang bị tên lửa vác vai đang giành quyền kiểm soát sân bay chính của đất nước. Đó là chưa kể đến không ít hệ thống phòng không cầm tay bị bỏ lại khắp khu vực Sahel ở châu Phi kể từ khi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ.
Cuộc nội chiến Syria hoặc tình hình chiến sự ở Iraq cũng khiến các chuyến bay dân sự có nguy cơ trở thành mục tiêu của vũ khí trên mặt đất, nhất là khi các tổ chức cực đoan có trong tay những loại vũ khí tinh vi.
Ngoài ra, chuyên gia John Pike thuộc trang GlobalSecurity.org cho biết hiện có 50-60 nước sở hữu hệ thống tên lửa phòng không tương tự loại được cho là đã dùng để bắn rơi MH17.
Các chuyên gia chống khủng bố và vũ khí tin rằng bầu trời nhìn chung vẫn an toàn vào thời điểm này. Chuyên gia Brian Jenkins thuộc tổ chức Rand Corporation nhận định với quá nhiều cuộc xung đột vũ trang trải dài từ Tây Phi đến Trung Á, sẽ là phi thực tế nếu buộc các hãng hàng không tránh hoàn toàn những vùng này.
Vì thế, có thể thông cảm cho MAS khi một trong những chuyến bay của họ gần đây phải “né” không phận Ukraine bằng cách bay sang Syria. MAS sau đó cho biết chuyến bay này phù hợp với quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và tuyến đường trên đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, không có gì bảo đảm thảm kịch MH17 sẽ không tái diễn bởi đây cũng chính là những gì MAS phát biểu sau khi chiếc máy bay này rơi.
6 không phận nguy hiểm nhất
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào tuần rồi đưa ra hướng dẫn các vùng không phận mà các chuyến bay thương mại nước này có thể bay qua, đồng thời nêu tên 6 nước nguy hiểm nhất đang bị áp dụng lệnh cấm bay: Ethiopia, Iraq, Libya, Triều Tiên, Somalia và Ukraine.
Ngoài ra, theo báo The Wall Street Journal, FAA còn liệt kê hàng loạt vùng không phận nguy hiểm mà các hãng hàng không nước này cần lưu ý khi thiết lập đường bay, như Afghanistan, CHDC Congo, Ai Cập (đặc biệt là bán đảo Sinai), Iran, Kenya, Mali, Syria và Yemen.
Theo Nld