Thủ tướng Đức bà Angle Merkel đến trụ sở EU ở Bỉ để thảo luận về việc thắt chặt biện pháp trừng phạt Nga để phản ứng lại việc gia tăng xung đột ở Ukraine (Ảnh: Getty)
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa gia tăng áp lực trừng phạt Nga bằng các lệnh cấm vận vì cáo buộc nước này ủng hộ các tay súng ly khai ở miền đông Ukraine.
Mỹ đã nhằm vào các ngân hàng lớn như Gazprombank, các công ty quốc phòng và năng lượng như Roseft.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được dẫn lời nói rằng các lệnh cấm vận sẽ đưa quan hệ Mỹ-Nga ‘vào ngõ cụt’.
EU cho biết sẽ thông báo các chi tiết của lệnh cấm vận vào cuối tháng Bảy và tiết lộ rằng các ngân hàng đầu tư của họ sẽ không cấp vốn cho các dự án của Nga nữa.
Vòng cấm vận mới của Mỹ do Bộ Tài chính nước này loan báo đã mở rộng các biện pháp trừng phạt trước đây vốn chỉ giới hạn ở một số nhân vật ở Nga và Ukraine và một số công ty.
Bên cạnh các ngân hàng và các công ty năng lượng, nhà sản xuất vũ khí Kalashikov Concern cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Hai thực thể nhà nước tự phong ở miền đông Ukraine – Cộng hòa Nhân dân Donetsk and Cộng hòa Nhân dân Luhansk – cũng bị trừng phạt.
Phát biểu ở Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói các biện pháp cấm vận này được đưa ra bởi vì Nga đã không làm tròn lời hứa giảm căng thẳng ở Ukraine.
“Những biện pháp trừng phạt này rất nặng,” ông nói trước báo giới, “Nhưng đây là những biện pháp có mục tiêu với mục đích là có tác động mạnh nhất đối với Nga trong khi hạn chế liên lụy đến các công ty của Mỹ và của các nước đồng minh của chúng ta.”
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho Ukraine. Ông nói rằng ‘người dân Ukraine xứng đáng được quyết định vận mệnh của mình’.
Lệnh trừng phạt của Mỹ không bao gồm biện pháp cắt đứt hoàn toàn với một số khu vực của kinh tế Nga – một bước đi mà các quan chức Mỹ nói nước này sẽ để dành phòng khi Moscow đưa quân vào Ukraine.
Theo BBC