Gỗ đàn hương: Có gì đó bên trong? (Christopher Michel/Wikimedia Commons)
Con người có khoảng 350 loại thụ thể khứu giác khác nhau trong mũi, giúp phát hiện mùi hương rồi truyền phát tín hiệu đến não. Các thụ thể này làm việc cùng nhau để cung cấp cho chúng ta một cảm giác về mùi. Nhưng mũi không phải là nơi duy nhất mà các thụ thể khứu giác tồn tại. Tế bào của các mô khác trên cơ thể cũng sử dụng các thụ thể này để phản ứng với các hợp chất “mùi” hóa chất. Và chúng tôi đã phát hiện ra rằng sự hiện diện của chúng trong các tế bào da có thể giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Các thụ thể khứu giác đã được chứng minh là tồn tại trong hầu hết các mô của con người, nhưng chức năng của chúng ngoài việc phát hiện mùi hương chỉ được minh chứng trong một vài loại tế bào, chẳng hạn như tinh trùng, tuyến tiền liệt và ruột kết.
Ví dụ, kích hoạt các thụ thể khứu giác trong tinh trùng ảnh hưởng đến hướng và tốc độ bơi của nó, trong khi trong các tế bào ruột kết nó thúc đẩy sự phóng thích chất serotonin (một quá trình như là một phần của hệ thống thần kinh ruột – cũng có biệt danh là “bộ não thứ hai” của chúng ta).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, đã được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Bệnh ngoài da (Journal of Investigative Dermatology), chúng tôi đã phát hiện ra rằng thụ thể khứu giác cũng có thể được tìm thấy trong các tế bào sừng – các tế bào hình thành nên lớp ngoài cùng nhất của da – và việc kích hoạt các thụ thể này sẽ làm tăng tỷ lệ sinh sôi và di chuyển của những tế bào da này.
Chúng tôi thấy rằng các tế bào da có một thụ thể gọi là OR2AT4 để phản ứng với mùi hương của gỗ đàn hương vốn thường được dùng trong hương trầm và nước hoa. Và chúng ta có thể kích hoạt thụ thể này khi sử dụng Sandalore, một loại hương gỗ đàn hương tổng hợp. Mẫu sử dụng trong nghiên cứu bao gồm các tế bào sừng được nuôi cấy và da của con người, chúng tôi phát hiện ra rằng kích hoạt OR2AT4 sẽ làm kích phát một đường tín hiệu khiến nồng độ canxi được tập trung cao hơn trong các tế bào. Điều này sẽ làm gia tăng khả năng sinh trưởng của tế bào sừng và giúp chúng di chuyển nhanh hơn – chính là các quá trình cơ bản của việc lành vết thương. Thí nghiệm làm trầy xước mô da được tách ra từ người đã chứng minh được hiệu quả lành vết thương này.
Ngoài OR2AT4, chúng tôi tìm thấy một vài thụ thể khứu giác, không chỉ trong các tế bào sừng mà còn trong các melanocytes – các tế bào sản xuất hắc tố melanin được tìm thấy trong lớp dưới cùng của lớp biểu bì – và trong các tế bào nguyên bào sợi, loại tế bào cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm lành vết thương. Chức năng của các thụ thể này là điều mà chúng tôi đang có kế hoạch để mô tả trong các thí nghiệm trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy các thụ thể khứu giác trong da của con người có lợi ích điều trị tiềm năng, và hiểu biết được cơ chế của chúng có thể là một điểm khởi đầu cho các loại thuốc và mỹ phẩm mới. Ví dụ, Sandalore có tiềm năng được sử dụng như một thuốc mỡ bôi có đặc tính chống lão hóa hoặc đẩy nhanh việc chữa lành vết thương.
Nhưng trước khi điều này thành hiện thực, cần nhớ rằng loại hương nồng nàn cô đặc này phải được xử lý cẩn thận cho đến khi chúng tôi xác định chắc chắn các chức năng của các loại thụ thể khứu giác khác nhau trong các tế bào da. Vì bên cạnh những tác động tích cực của Sandalore lên thụ thể OR2AT4, chúng ta cũng có thể phát hiện ra rằng nó khiến các thụ thể khác gây ra những tác động tiêu cực đối với tế bào da người.
Hanns Hatt không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phiếu hoặc nhận được tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào được hưởng lợi từ bài viết này, và không có đảng phái liên quan. Bài viết này được xuất bản trên The Conversation. Đọc bài viết gốc ở đây.
Theo Đại Kỷ Nguyên