Tinh Hoa

Chính phủ TQ chặn các ứng dụng nhắn tin để ngăn chặn biểu tình ở Hồng Kông

Hôm 1/7 vừa qua, hàng trăm nghìn người rầm rộ xuống đường biểu tình ở Hồng Kông. Hai ngày sau đó, một số ứng dụng mạng xã hội và OTT đang hoạt động tại Trung Quốc bị gián đoạn.

Theo Thời báo Phố Wall, các ứng dụng nhắn tin như Line, KakaoTalk tại Trung Quốc đã bị gián đoạn nhiều tính năng từ hôm thứ Ba (1/7). Đây là lần đầu tiên các công ty này gặp sự cố lớn như vậy tại đây. Dịch vụ ảnh Flickr của Yahoo cũng không thể truy cập hôm 3/7.

LineKakao cho biết họ không biết nguyên nhân khiến dịch vụ của họ bị gián đoạn tại Trung Quốc. Trong email trả lời Thời báo Phố Uôn, phát ngôn viên Yahoo cho biết đã nhận được báo cáo Flickr bị chặn đối với người dùng Trung Quốc và đang điều tra vấn đề. Nhiều dịch vụ của Google không thể truy cập do hãng này đã bị chặn hoàn toàn vào tháng trước.
 

Người dùng Trung Quốc không sử dụng đầy đủ tính năng trên Line vài ngày qua. Ảnh: WSJ

Bắt đầu từ tối ngày 1/7 trùng với ngày biểu tình quy mô lớn chống Trung Quốc tại Hồng Kông, có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ nước này có hành động can thiệp. Quan chức Ủy ban Thông tin Quốc gia Trung Quốc từ chối bình luận về điều này.

Người phát ngôn của Line không biết khi nào ứng dụng có thể truy cập trở lại. Tháng 5/2014, một quan chức Line tiết lộ công ty Nhật Bản dự định mở rộng quy mô tại đây vì có hàng trăm triệu người dùng tiềm năng.

Trong khi đó, Sonia Im, phát ngôn viên Kakao, cho biết dù vài tính năng vẫn hoạt động, người dùng không thể thêm bạn bè mới, dùng biểu tượng hay kiểm tra thông báo. Theo bà Im, vài người dùng báo cáo tình trạng vào tối thứ Ba song sự cố trên diện rộng xảy ra vào thứ Tư (2/7). Kakao hiện có 140 triệu người dùng trên toàn cầu.

Tại Trung Quốc, người dùng Line biết có tin nhắn mới nhưng không đọc được, còn ứng dụng KakaoTalk tải được nhưng không đăng ký được.

Dù Line không nổi tiếng tại quốc gia đông dân nhất thế giới, dịch vụ vẫn được người dùng trẻ ưa chuộng nhờ bộ biểu tượng (sticker) phong phú. Ngược lại, tại Hồng Kông, Line lại rất phổ biến và là kênh để chia sẻ tin tức về cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Ứng dụng có khoảng 400 triệu người dùng khắp thế giới.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thi hành nhiều chính sách nhằm thắt chặt quản lý Internet. Theo đó, chính phủ lập ra hội đồng cấp cao để tăng cường khả năng an ninh mạng, cảnh báo các ngôi sao Internet với lượng người theo dõi lớn về việc lan truyền tin đồn thất thiệt và còn mở chiến dịch lớn chống khiêu dâm.

Một số dịch vụ khác như Viber, WhatsApp hay WeChat vẫn hoạt động bình thường.

 

Du Lam (Theo WSJ)
Tin tiếng Việt từ 
ICTnews