Cuộn danh sách bằng đồng-Copper Scroll là một trong số những tài liệu lưu trữ kỳ lạ vào thế kỷ thứ nhất được phát hiện đầu tiên trong những hang động ở Qumran, thường được gọi là những cuộn sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls).
Bạn đang xem bài viết thuộc chuyên mục 1001 bí ẩn của Bocau Network.
Tuy nhiên, Cuộn sách này rất khác so với các tài liệu khác trong thư viện Qumran. Tác giả, kịch bản, phong cách, ngôn ngữ, thể loại, nội dung đều khác với tất cả các cuộn sách khác – khiến các học giả tin rằng nó phải được đặt trong hang động tại một thời điểm khác với các tài liệu cổ xưa còn lại. Giáo sư Richard Freund nói: Cuộn danh sách bằng đồng “có lẽ là độc đáo nhất, quan trọng nhất, và cũng khó hiểu nhất”.
Phần lớn số cuộn sách Biển Chết được tìm thấy bởi Bedouin, trong khi đó Cuộn danh sách bằng đồng, hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Jordan ở Amman, được phát hiện bởi một nhà khảo cổ. Nó đã được tìm thấy vào ngày 14 tháng 3 năm 1952 phía sau Hang động 3 tại Qumran. Đây là cuộn sách cuối cùng trong 15 cuộn được phát hiện trong hang động, do đó được gọi là 3Q15. Trong khi các cuộn sách khác được viết trên giấy da hoặc giấy cói, cuộn sách này lại được viết trên kim loại: đồng trộn với khoảng 1 phần trăm thiếc.
Kim loại bị ăn mòn không thể trải ra bằng cách thông thường, vì vậy vào năm 1955, cuộn giấy đã được cắt thành 23 dải và sau đó được chắp lại với nhau. ‘Ngôn ngữ của cuộn sách khác với các ngôn ngữ khác- đó là tiếng Do Thái nhưng gần gũi với ngôn ngữ của Mishnah hơn là tiếng Do Thái trong văn phong của các Cuộn sách Biển Chết khác. John Marco Allegro, người giám sát việc mở cuộn giấy và sao chép nội dung trong đó. Rõ ràng nội dung cuộn sách chứa điều gì đó độc đáo và bí ẩn. Không giống như các cuộn sách khác có nội dung là các tác phẩm văn học, Cuộn danh sách bằng đồng này chứa một danh sách.
Danh sách này đặc biệt chỉ dẫn đến 64 địa điểm chứa kho báu. 63 trong số những địa điểm trên đề cập đến các kho báu vàng và bạc được ước tính theo tấn. Tổng cộng, hơn 4.600 talăng kim loại quý được liệt kê trên cuộn giấy, nâng tổng giá trị chuyên chở hàng vượt quá một tỷ đôla.
“Bốn mươi hai talăng (đơn vị khối lượng cổ đại) nằm dưới cầu thang trong hầm muối… Sáu mươi lăm thanh vàng nằm trên thềm thứ ba trong hang động trong nhà máy đãi quặng cũ… Bảy mươi talăng bạc được đặt trong bình gỗ tại bể chứa của một hầm chôn cất trong sân của Matia. Mười lăm cubit (đơn vị đo chiều dài ngày xưa bằng 45.72 cm) từ mặt trước cửa phía đông nằm trong một bể chứa nước. Mười talăng nằm trong đường dẫn của bể… Sáu thanh bạc được đặt ở bờ đá dưới bức tường phía Đông trong bể. Lối vào bể ở dưới lối vào được lát đá. Đào sâu xuống bốn cubit ở góc phía bắc của hồ bơi là phía đông của Kohlit, nơi sẽ có hai mươi hai talăng đồng bạc”. (DSS 3Q15, col. II, bản dịch của Hack và Carey).
Kho báu của cuộn sách đã được cho là kho báu của đền thờ Do Thái. Một số học giả đã tuyên bố nó thuộc về đền thờ của Solomon (Ngôi đền thứ nhất- First Temple). Ngôi đền đã bị phá hủy bởi Nebuchadnezzar- vua Babylon vào năm 586 TCN. Tuy nhiên, cuộn giấy có niên đại từ năm 25 đến năm 100 SCN. Do đó giả thuyết không hợp lý.
Các chuyên gia khác cho rằng kho báu có thể là của ngôi đền thứ hai- Second Temple. Tuy nhiên, những ghi chép lịch sử cho thấy kho báu chính của ngôi đền vẫn còn trong tòa nhà khi nơi này rơi vào tay người La Mã. Không loại trừ khả năng này một phần đáng kể kho báu có thể đã bị lấy và được giấu đi trước khi người La Mã đến.
Mặc dù có nhiều người không quan tâm nguồn gốc những kho báu, nhưng họ quan tâm việc nó đang còn ở đâu hơn. Cuộn danh sách bằng đồng đã dẫn đến một trong những cuộc săn lùng kho báu lớn nhất trong lịch sử kéo theo những cuộc thám hiểm tìm kho báu…
Tuy nhiên, việc tìm kiếm kho báu không dễ dàng. Các địa điểm được viết như thể người đọc có một kiến thức sâu sắc về những ám chỉ mập mờ. Ví dụ, hãy xem xét cột 2, câu 1-3: “Trong hầm muối đó, dưới những bậc thang: bốn mươi mốt talăng bạc. Trong hang động của hầm đãi quặng cũ trên thềm thứ ba:. Sáu mươi lăm thỏi vàng”. Nếu không có một điểm khởi đầu, thì những chỉ dẫn như trên quả là vô nghĩa. Hơn nữa, kho báu có thể đã bị đánh cắp bởi những người La Mã hai ngàn năm trước và giờ không còn nữa. Dù vậy, điều này cũng không ngăn cản được những con người say mê khám phá.
Một trong những cuộc săn lùng kho báu lớn nhất đã diễn ra năm 1962, dẫn đầu bởi John Allegro. Bằng cách đi theo một vài trong số những nơi được liệt kê trong cuộn giấy, đội đã khai quật nhiều nơi có thể là nơi chôn cất kho báu. Tuy nhiên, cuối cùng họ trở về tay không, và mặc dù đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, Cuộn danh sách bằng đồng không đem đến dù chỉ một phát hiện trọng đại nào. Dù vậy, với bất cứ ai có một chút tinh thần Indiana Jones (tên một nhà khảo cổ học gan dạ trong phim Hollywood) bên trong, thì đây vẫn còn là một vật phẩm hấp dẫn trêu ngươi, và không nghi ngờ rằng nó sẽ tiếp tục cám dỗ trí tưởng tượng của nhiều học giả cùng công chúng trong nhiều thế kỷ tới.
Theo Đại Kỷ Nguyên