Một trong những vị thần nổi tiếng nhất của thần thoại Hy Lạp cổ là Artemis, vị nữ thần canh gác cho chốn hoang dã, sự sinh nở, và những người phụ nữ.
Artemis không bao giờ kết hôn, nhưng ba vị Thần Số Mệnh đã biến vị thần này thành một bà đỡ đẻ. Chiron, một nhân mã có kiến thức y học, đã đặt cho tên một loài thảo mộc có vị rất đắng theo tên của vị thần này: Artemisia (Cây Ngải).
c
Vị đắng
Cây ngải được biết đến với vị cực đắng rất đặc trưng. Mặc dù chúng ta có lẽ không thích vị đắng, nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng giúp thanh lọc thân thể.
Để cân bằng giữa vị mặn và vị ngọt, ẩm thực cổ thường có các món đắng. Vị đắng có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa nhờ kích thích túi mật sản xuất ra nhiều mật, có tác dụng hỗ trợ quá trình nhũ tương hóa (phân nhỏ) các chất béo. Chính vì lý do này mà loại thức uống như cà phê (một trong số rất ít thực phẩm đắng được sử dụng trong ẩm thực hiện đại) hay thức uống tiêu hóa lại thường được phục vụ vào cuối bữa ăn nặng.
Cây Ngải Tây
Có vị đắng nhất trong họ ngải là cây ngải tây (Artemisia absinthium). Những tư liệu cổ đại từ Kinh Thánh cho đến Shakespeare đều dùng vị đắng cây ngải tây để ám chỉ một trái tim lạnh và những thời khắc khó khăn.
Một cây ngải tây trưởng thành trông giống như cây bụi màu bạc. Khi ra hoa cây sẽ cho ra những bông hoa nhỏ nhắn màu vàng, ngát hương.
Cây ngải tây sẽ giúp bạn “trục xuất” các ký sinh trùng ra khỏi cơ thể (sâu bọ và các loại sinh vật nhỏ hay xâm nhập khác), đồng thời giống như các loại thảo mộc có vị đắng khác, cây ngải tây cũng có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Theo thầy thuốc thời La Mã cổ đại Dioscorides, cây ngải tây có công dụng bảo vệ cơ thể khỏi ảnh hưởng của các chất độc —bao gồm từ cây độc cần, nấm hình cái dù (toadstool), và vết cắn của con hải long lá (rồng biển biến thân).
Các thảo mộc đắng cũng được sử dụng để điều hòa sự mất cân bằng cảm xúc, như hoảng loạn, lo lắng, hoặc trầm cảm. Các nhà thảo dược sử dụng ngải tây để chủ trị trường hợp nặng trong những ca bệnh trên.
Trong cuốn “Trí tuệ Thảo Dược Thư” nhà thảo dược học- ông Matthew Wood đã miêu tả cây ngải tây như một biện pháp chủ trị cho những ai đang trải qua các sự kiện tàn nhẫn và vô nhân tính.
“Nó đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân mắc chứng thiếu cảm xúc, tính cách trầm lặng, hoặc đã từng kinh qua những hoàn cảnh tàn bạo, hay có nguy cơ trở nên tàn bạo với người khác”- ông viết.
Ngải tây có hiệu quả nhất khi dùng với một lượng rất nhỏ, và vị cực đắng của cây thuốc thường sẽ đảm bảo mọi người không dám ăn quá nhiều. Tuy nhiên, trộn với đường và hòa tan vào trong rượu sẽ giúp món ngải tây trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Ngải tây là thành phần chính trong rượu apxin, một loại rượu màu xanh khét tiếng thường bị lạm dụng quá mức bởi những họa sĩ và nhà văn ở Châu Âu vào những năm đầu của thế kỷ 20. Rượu apxin được ủ với mục đích ban đầu là thuốc chống sốt rét cho binh lính, nhưng loại rượu này nhanh chóng nổi tiếng khắp châu lục, cho tới khi nó bị cấm vào đầu những năm 1900.
Các bằng chứng cho thấy tác dụng gây ảo giác của rượu apxin đã bị thổi phồng lên quá mức, nhưng danh tiếng của loại rượu này vẫn không hề giảm đi.
Lệnh cấm rượu apxin đã được bãi bỏ trong những thập kỷ gần đây, nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã cấm các bao bì “có in các hình ảnh minh họa hiệu ứng gây ảo giác, hay miêu tả những ảnh hưởng đến tâm thần”.
Ngải Cứu
Cây ngải cứu (tên khoa học là Artemisia vulgaris) có các bông hoa nhỏ tỏa hương giống như ngải tây, nhưng ở những chiếc lá mọc so le có một mặt trên xanh đậm và mặt bên dưới màu bạc. Ngải cứu thường mọc hoang dã giữa những loài cây cỏ dại khác.
Trong một giai đoạn lịch sử lâu dài loài cây này được dùng như một loại thuốc và một công cụ tiên tri giúp bảo vệ khỏi sự quấy nhiễu của các linh hồn ma quỷ. Trong danh sách Thảo dược Hiện đại vào năm 1931 của mình, nhà thảo dược người Anh Maude Grieve từng nói cái tên mugwort (ngải cứu) đến từ khả năng chống ký sinh trùng của nó.
“Cũng có ý kiến cho rằng cái tên Mugwort, không phải là phát xuất ra từ ‘mug’ (cái chén), một loại cốc để uống, mà là từ moughte (một loại bướm đêm hoặc con giòi), bởi vì vào thời của Dioscorides, cùng với ngải tây, ngải cứu được cho là có tác dụng chống lại sự tấn công của bướm đêm”- Grieve đã viết.
Các nhà thảo dược hiện đại vẫn đánh giá cao cây ngải cứu. Trong một bài đăng trên blog, nhà thảo dược và tác giả sách- bà Susun Weed lưu ý rằng nếu thấy cây ngải cứu mọc gần một căn nhà hoặc được sơn trên cánh cửa ngôi nhà thì nó thường biểu thị cho: “căn nhà của một nhà thảo dược hoặc một bà đỡ đẻ, một căn nhà được canh gác bởi nữ thần Artemis”.
Weed gọi loài cây này là “cronewort” (cây bà già), bởi vì nó là tất cả mọi thứ mà một bà già cần. “Tôi (ngải cứu) làm khuây khỏa những ai đang đau buồn; tôi làm lay động những ai đang bị trầm cảm. Tôi xóa đi sự bực dọc và giải tỏa những khớp xương nặng trịch. Tôi mang đến bình an và giấc ngủ, sự nghỉ ngơi và sự đảm bảo”- bà viết.
Loại thảo dược này là lựa chọn yêu thích cho phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi, một phần lớn do loài cây này rất hợp với tử cung, như giúp giảm cơn đau đẻ, cơn đau bụng do hành kinh, và ra máu nhiều.
Ngải cứu có thể được dùng cho cả nam và nữ. Weed nói rằng cây thuốc có tác dụng đối với rất nhiều các hệ thống trong cơ thể như hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa, hệ hóoc môn, hệ thần kinh và hệ tuần hoàn.
Các thầy thuốc Trung Y đã phát hiện ra rằng đốt một bó ngải cứu để hơ vào một số huyệt vị có thể giúp trục xuất khí lạnh ra khỏi cơ thể. Các nhà châm cứu vẫn sử dụng kỹ thuật hơ ngải để làm ấm các khớp cứng giảm cơn đau bụng do hành kinh, và quay mông thai nhi trong tử cung.
Cây Ngải Giấm
Ở đầu bên kia của họ Ngải là cây ngải giấm. Là loại ngải có vị nhẹ nhất, tên khoa học của loại ngải giấm này là dracunculus, nghĩa là “tiểu long”.
Cây ngải giấm trông thanh nhã hơn các loại ngải chữa bệnh. Ngọt nhiều hơn đắng, tính chất của ngải giấm đã được khai thác ứng dụng trong ẩm thực như làm gia vị cho nước sốt kem hoặc cà chua.
Nhìn chung, cây ngải được biết đến nhờ hương thơm do có nồng độ cao các tinh dầu thiết yếu, và với một mùi thơm đặc trưng quyện giữa cam thảo và cây hồi, ngải giấm là một trong bốn loại gia vị thảo mộc chính của ẩm thực Pháp.
Ngải Hoa Vàng
Ngải Hoa Vàng là một loại ngải thu hút được nhiều sự chú ý nhất từ y học hiện đại. Chất hóa học chiết xuất từ ngải hoa vàng gọi là artemisinin vốn được dùng để bào chế ra một loại thuốc chữa sốt rét rất hiệu quả. Đôi lúc được gọi là ngải tây Trung Quốc, loài cây này được nghiên cứu nhiều hơn bất kỳ loại thảo mộc Trung Quốc nào khác.
Số liệu thực tế của Cây Ngải
- Họ Ngải thuộc về nhóm Asteraceae, một nhóm bao gồm cây hướng dương, cây cúc tây và cây cúc.
- Rất nhiều cây ngải mọc hoang dã trong tự nhiên, và thường được tìm thấy ở các vùng đất bỏ hoang trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một số biến thể của nó thì được trồng trong vườn hoa cảnh, như là ngải Vua Bạc (Artemisia ludoviciana) và ngải Thợ Cối Bụi Bặm (Artemisia stelleriana) với một màu bạc rất đặc biệt.
- Cây ngải chứa rất nhiều dầu, bao gồm long não và thujone. Những chất dầu này đóng vai trò như một chất chống sâu bọ tự nhiên, và đem đến cho cây ngải một mùi hương sảng khoái.
- Đặt ngải cứu dưới gối nằm được cho là sẽ mang đến cho bạn những giấc mơ đẹp.