Tinh Hoa

Sử dụng máy chiếu thế nào đạt hiệu quả cao trong giáo dục

Phương pháp dạy học theo kiểu truyền thống (thầy đọc trò chép) không mang lại hiệu quả cho cả người học và người dạy; không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Việc đổi mới phương pháp chỉ có hiệu quả và tác động tích cực khi giảng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng và được trang bị những kỹ năng cần thiết về khả năng thuyết trình, hiểu biết và sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy như tin học và các trang thiết bị nghe nhìn. Việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn trong giảng dạy giúp cho người học có hứng thú, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ qua đó giúp người dạy chuyển tải nội dung đến người học một cách có hiệu quả nhất. Trên cơ sở khai thác triệt để thế mạnh các phương tiện nghe nhìn như hiệu ứng màu sắc, âm thanh, hình ảnh động giảng viên có thể giới thiệu các khái niệm, diễn giải một quá trình, đặt các câu hỏi… bằng những minh họa trực quan làm cho bài giảng bớt trừu tượng. Để tiếp thu một vấn đề sẽ rất hiệu quả nếu người học vừa được nghe, được nhìn và được suy nghĩ theo logic. Do vậy, khi giảng viên có khả năng làm chủ chuyên môn thì phương tiện nghe nhìn sẽ có tác dụng hỗ trợ giảng dạy rất tốt. Với các trợ giúp này giảng viên dễ dàng nhấn mạnh các điểm chính của bài giảng cũng như giúp duy trì bài giảng một cách hứng thú và lôi cuốn người học. Sử dụng thành thạo phương tiện nghe nhìn tạo cho giảng viên cơ hội chuẩn bị trước bài giảng tốt hơn, thể hiện được sự logic và tính sáng tạo của mình. 
Các phương tiện nghe nhìn phục vụ cho việc giảng dạy hiện nay rất đa dạng như máy chiếu qua đầu (overhead), video, máy thu thanh (cassette player), phần mềm powerpoint và các phần mềm trình diễn, hệ thống nghe nhìn, phòng lab, đĩa CD (laser disks), băng video (video tapes), máy quay camera (video camera), máy quay video kỹ thuật số (digital camera), máy vi tính (desktop computer) và máy vi tính xách tay (laptop).… Các phương tiện này đã góp phần làm cho bài giảng sinh động, tạo nên sự hứng thú và tập trung theo dõi của người học, giảm nhẹ sức lao động của giảng viên trong quá trình giảng dạy. Lý giải cho vấn đề trên, các chuyên gia của Hiệp hội Nghe nhìn Quốc tế cho biết: Khi nghe, con người sẽ tiếp nhận và chỉ lưu giữ được 10-30% nội dung thông tin; hoặc 20-40% khi chỉ nhìn, nhưng hiệu quả sẽ đạt tới 60 – 80% nếu kết hợp cả hai chức năng trên. Ngoài ra, nếu vừa nghe, vừa nhìn lại vừa thảo luận, trao đổi thì hiệu quả lưu giữ thông tin còn cao hơn rất nhiều.