Tinh Hoa

Brazil – kinh tế chao đảo vì tổ chức World Cup

“Chúng tôi không cần World Cup. Chúng tôi cần được chăm lo về y tế và giáo dục” là biểu ngữ mà người dân Brazil trương lên để phản đối chính phủ.

 

Chưa đầy nửa tháng nữa là trái bóng Brazuca sẽ lăn trên khắp sân cỏ Brazil trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Thế nhưng không khí bây giờ ở xứ sở của vũ điệu Samba lại sục sôi như lò lửa bởi các cuộc biểu tình, phản đối chính phủ vì đã tiêu hoang cho World Cup, đẩy đời sống người dân vào tình cảnh khó khăn.

Đến thổ dân cũng tràn xuống đường phản đối World Cup

Biểu tình phản đối World Cup không còn là chuyện lạ ở Brazil suốt 2 năm qua. Nhưng cuộc biểu tình mới nhất vào ngày 27.5 vừa qua mới đáng nói vì quy tụ đủ thành phần với hơn 1.500 người, đa số là các thổ dân, bộ tộc bản địa lâu đời của Brazil tham gia.

Đoàn người từ nhiều nơi đã tập hợp lại rồi kéo nhau đi tới thủ đô Brasilia và tòa nhà quốc hội để phản đối kế hoạch tổ chức World Cup tốn kém, hoang phí của chính phủ. Các thổ dân đã mang theo vũ khí thô sơ như cung tên, giáo mác và cởi trần, vẽ người, đội mũ lông chim, đeo vòng cổ giống như cách thức mà cha ông họ chuẩn bị lâm trận.

Băng rôn với dòng chữ phản đối chính phủ và FIFA đã được trương lên trong suốt cuộc tuần hành của đoàn người tại thủ đô. Cuối cùng, sự quá khích nảy sinh, có ít nhất 1 cảnh sát bị thương và nhiều người biểu tình bị vây bắt khi hai bên xảy ra đụng độ khá quyết liệt…
 Các bộ tộc ở Brazil cũng “chịu không thấu” với World Cup, họ cũng đổ xuống đường ngày 27.5

Trong một diễn biến khác tại Rio de Janeiro, thành phố lớn nhất Brazil, người dân đã kéo đến sân tập của đội tuyển Brazil tập luyện để phản đối, khi chiếc xe bus chở các ngôi sao “Selecao” vừa đến. Không có bạo động hay va chạm nhưng việc người dân Brazil nhắm vào đội tuyển quốc gia để biểu thị sự phản đối thì vấn đề không còn là chuyện giận dữ tức thời hay bộc phát.

Hầu hết cuộc biểu tình phản đối chính phủ của người dân Brazil trong suốt 2 năm qua đều liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục, việc làm và nhà ở. 
Cụ thể, trước đây tổng thống Dilma Rousseff từng hứa hẹn sẽ hỗ trợ bán nhà giá thấp cho người vô gia cư nhưng chính sách này không thực hiện được vì kinh phí đã dồn cho việc tổ chức World Cup. Tương tự, những khoản kinh phí dự trù chi cho y tế, giáo dục cũng bị “biến mất”, phải đổ tiền để xây dựng, nâng cấp một loạt 12 sân vận động cả cũ lẫn mới.

Sa lầy vì quá phô trương, xa hoa

Để tổ chức World Cup 2014, Brazil đã xây mới tổng cộng 6 sân vận động và nâng cấp 6 sân vận động khác để tạo ra 12 địa điểm thi đấu trên khắp cả nước. Kinh phí ước tính cho công tác tổ chức lên đến 14 tỉ USD, tức đắt ngang ngửa một kỳ Olympic như Athens 2004 hay London 2012.

Sự hồ hởi ban đầu của người dân đất nước cuồng say bóng đá khi nhận quyền tổ chức World Cup sau đó đã biến thành sự lo lắng, cuối cùng là phẫn nộ. Để có đất cho những công trình thể thao đồ sộ ngay tại các thành phố lớn nhất Brazil, chính quyền đã phải giải tỏa rất nhiều quỹ đất của số dân lên đến 250.000 người nhưng lại không tái định cư hoàn toàn cho những người dân bị mất nhà cửa, nên rất nhiều người trong số đó trở thành vô gia cư.

Khó khăn về kinh tế toàn cầu và việc cắt giảm ngân sách cho các khoản an sinh xã hội khác đã khiến tỉ lệ thất nghiệp và tội phạm gia tăng một cách nhanh chóng ở Brazil. Ngay tại những thành phố lớn như Sao Paulo hay Rio de Janeiro, chuyện cướp vũ trang xảy ra thường xuyên. Chính phủ Brazil thường mở các đợt tấn công tội phạm với quy mô lớn có trực thăng, thiết giáp và lính đặc nhiệm nhắm vào các điểm đồn trú tại các khu ổ chuột khiến Brazil đón World Cup trong không khí cực kỳ căng thẳng.

Tờ Le Figaro (Pháp) cho biết, vào tháng 11.2013 trong một cuộc thăm dò thì tỉ lệ người Brazil ủng hộ World Cup là 79% nhưng sang tháng 3.2014 đã giảm xuống còn 58%. Chưa rõ tỉ lệ này cho đến hiện nay có còn giữ quá mức 40% hay không.
12 sân vận động cực kỳ hoành tráng của Brazil phục vụ cho World Cup 2014 để rồi kết quả là những cuộc khủng hoảng triền miên
Chưa có quốc gia nào tổ chức World Cup mà xây dựng nhiều sân vận động như Brazil. Việc xây các sân vận động to lớn trong sự chật vật kinh phí và giá cả tăng vọt đã khiến 2/3 số sân bị chậm trễ. 
Sân Mane Garrincha, đặt theo tên huyền thoại bóng đá Brazil ở thủ đô Brasillia được xây với giá 850 triệu USD, đắt gấp 3 lần con số dự toán. Đã có 2 sân chắc chắn không thể hoàn thành 100% đến ngày tổ chức World Cup (12.6), trong đó có sân Sao Paulo là nơi diễn ra trận khai mạc giữa Brazil và Croatia.

Tiến độ xây dựng gấp rút để kịp thời gian cũng khiến tình trạng mất an toàn lao động và tai nạn liên tiếp xảy ra ở các công trình World Cup, mà tính đến thời điểm này đã có tổng cộng 19 công nhân thiệt mạng.

Theo Motthegioi