Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta có nhiều loại sâu bọ, nếu không diệt trừ bớt thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây hại. Tuy nhiên, chỉ có ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch mới có thể tiêu diệt chúng bằng những món ăn dưới đây.
Đầu tiên là cơm rượu nếp
Cơm rượu nếp là món ăn phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ngay buổi sáng mồng 5, sau khi thức dậy, đánh răng rửa mặt, mỗi người sẽ ăn một bát cơm rượu để diệt sâu bọ trong người.
Theo truyền thống, người xưa thường dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để giết “sâu bọ” – những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể, và cơm rượu nếp là món ăn hoàn hảo hội tụ đầy đủ những vị như thế – đã được trọng dụng.
Dưới góc độ khoa học, lớp cám của vỏ gạo nếp rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm cả gluxit, protit, lipit, các muối khoáng. Trong đó, vitamin nhóm B và chất xơ là có nhiều hơn hết. Do đó, chúng ta ăn cả nước lẫn cái của cơm rượu nếp không những có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng mà còn có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và cao huyết áp.
Thứ hai là bánh tro
Banh tro hay còn gọi là bánh gio, bánh ú, là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ.
Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng. Vì vậy bánh tro theo ông bà xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.
Thứ ba là món thịt vịt
Món thịt vịt trước đây được xem là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung, tuy nhiên càng ngày thịt vịt càng phổ biến ở nhiều vùng miền trên cả nước.
Người ta cho rằng thịt vịt có tính hàn, chất mát, ngọt có tác dụng làm chuyển động phong huyết, tăng thêm năng lực. Đồng thời, thịt vịt cũng chữa nóng sốt cao và hạ nhiệt. Do đó, trong ngày Tết Đoan Ngọ, khí trời nóng nực, nên người ta dùng thịt vịt để quân bình nhiệt hàn.
Mặt khác nữa, có người lại cho rằng bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, thịt vịt béo hơn và không có mùi hôi. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Cuối cùng là tráng miệng bằng hoa quả đúng mùa
Cùng với bánh tro, cơm rượu nếp và thịt vịt thì hoa quả đúng mùa cũng được xem là một phương thuốc diệt sâu bọ. Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn. Các loại trái cây mùa hè như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, cũng là các thứ quả không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết Đoan Ngọ.
Dịp này, các gia đình thường chuẩn bị mâm thức ăn nguội để cúng bái tổ tiên rồi sẽ ăn để bảo vệ sức khỏe.
Miền Bắc thường sẽ có quả dưa hấu trên bàn cúng; từ Thanh Hóa vào đến Huế thường nấu xôi ăn với thịt vịt; còn người Đà Nẵng đến Quảng Ngãi thường cho trẻ nhỏ vào vườn hái quả ăn, một số ít gia đình nấu xôi chè cúng lễ. Cư dân nông thôn miền Nam thường đúc bánh lọt, bánh tro, nấu chè trôi nước và xôi gấc cúng tổ tiên rồi cả nhà quây quần cùng nhau ăn.
Theo eva