Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người trẻ không muốn có con sớm. Tuy nhiên liệu điều này có thực sự tốt cho trẻ? Để chứng minh điều này, các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia đã dành sự quan tâm và thực hiện nhiều nghiên cứu mở rộng liên quan đến mối liên hệ giữa trí tuệ của trẻ so với tuổi tác của cha mẹ.
Dưới đây là 4 điều mà chúng ta thường không hay nhắc đến có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển về trí tuệ và cảm xúc của trẻ.
1. Trí tuệ của một đứa trẻ phụ thuộc vào độ tuổi của cha mẹ
Mỗi đứa trẻ khi được sinh ra đều mang trong mình khoảng 70 gen đột biến mà cha mẹ chúng không có. Và hầu hết các đột biến này đến từ tinh trùng chứ không phải từ trứng. Do đó, nếu người bố càng lớn tuổi thì càng truyền nhiều đột biến sang cho con.
Trong đó, số lượng đột biến cũng liên quan trực tiếp đến khả năng nhận thức. Càng nhiều đột biến, con người càng ít có khả năng phát triển trí tuệ một cách bình thường. Điều này đã được ước tính bằng các bài kiểm tra IQ thường xuyên, các bài kiểm tra về chức năng tinh thần và các bài kiểm tra về đọc hiểu. Nói cách khác, điều này sẽ không tốt cho trẻ em nếu chúng được sinh ra bởi một người cha đã lớn tuổi.
Tuy nhiên đối với độ tuổi của các bà mẹ thì lại có chút khác biệt. Phụ nữ càng lớn tuổi, trí thông minh của đứa con khi họ sinh ra càng cao. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng điều này không chỉ phụ thuộc vào gen, mà còn thuộc về nhiều yếu tố xã hội khác như: phụ nữ lớn tuổi được giáo dục tốt hơn, có kinh nghiệm hơn, họ biết cần phải cải thiện những gì và họ có xu hướng chăm sóc con an toàn nhiều hơn.
Theo thống kê, những đứa bé được sinh ra khi mẹ chúng còn trẻ sẽ phát triển chậm hơn.
2. Nên xét nghiệm di truyền ngay cả khi bạn nghĩ mình không mắc bệnh
Các xét nghiệm sẽ kiểm tra DNA của những bà mẹ xem có sự hiện diện của một số bệnh di truyền hay không (được thực hiện trước khi mang thai) hoặc kiểm tra DNA của phôi thai khi đang ở trong bụng mẹ. Kết quả đưa ra sẽ phán đoán được những dấu hiệu cho thấy liệu đứa trẻ có bị mắc bệnh gì không.
Hoặc trước khi mang thai, các ông bố bà mẹ cũng nên đi làm các xét nghiệm. Vì thậm chí nhiều người trong chúng ta có thể mắc một số bệnh rối loạn nhưng lại không hề hay biết điều này.
3. Sự phát triển của đứa trẻ có liên quan đến mức độ lo lắng của mẹ trong giai đoạn mang thai
Để đảm bảo cho hệ thần kinh trung ương phát triển một cách đúng đắn, não bộ đôi lúc cần phải chịu áp lực, căng thẳng. Tuy nhiên điều quan trọng ở đây là không được đi quá giới hạn của nó. Việc gặp quá nhiều căng thẳng lo âu sẽ chỉ khiến con người trở nên tệ đi.
Với ý tưởng này, một nhóm nghiên cứu của trường Đại học Johns Hopkins đã thực hiện nghiên cứu trên nhiều phụ nữ mang thai. Tất cả người mẹ đều tốt nghiệp đại học và đều đạt tiêu chuẩn sức khỏe về thế chất và tinh thần. Trong giai đoạn mang thai và khi đứa bé được 2 tuổi, các chuyên gia đã ước lượng mức độ căng thẳng ở những bà mẹ cũng như đo lường khả năng nhận thức ở những đứa trẻ.
Họ phát hiện rằng con của những bà mẹ chịu áp lực căng thẳng ở mức thấp hoặc vừa sẽ phát triển tốt hơn về cả trí tuệ lẫn thể chất. Nhưng ngược lại nếu bà mẹ nào phải chịu căng thẳng quá độ, đứa con của họ sẽ phát triển kém hơn những đứa trẻ khác.
Vì vậy, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: sự phát triển về não bộ của trẻ em chỉ cải thiện nếu các bà mẹ chịu áp lực căng thẳng ở mức vừa phải trong thời kỳ mang thai.
4. Mức độ căng thẳng của các bà mẹ khi mang thai cũng tác động tới tính cách của con mình sau này
Các chuyên gia đang tích cực nghiên cứu sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ và ngày càng tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy, phôi thai có thể cảm nhận được sự căng thẳng của mẹ và chịu ảnh hưởng một phần từ những căng thẳng đó.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm trên 50 phụ nữ mang thai bằng cách theo dõi nhịp tim của những phụ nữ này trong lúc họ đang thực hiện bài kiểm tra “hiệu ứng Stoop” (bài kiểm tra nhằm gây chút căng thẳng cho họ).
Nếu một phụ nữ bị trầm cảm hoặc có mức độ lo lắng tăng cao, từ trước khi bước vào thí nghiệm thì bài kiếm tra sẽ khiến nhịp tim của họ sẽ tăng lên rất nhanh. Và tất nhiên, điều này cũng sẽ làm nhịp tim của thai nhi tăng theo.
Vì thế, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận: nếu những bà mẹ phải chịu nhiều áp lực khiến cho nhịp tim đập nhanh, khả năng cao con của họ sẽ là những đứa trẻ hiếu động.
Tuy nhiên, đây vẫn không phải là những yếu tố duy nhất mang tính quyết định tới sự phát triển của trẻ mà còn nhiều yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Chẳng hạn, những phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên sống trong những ngôi nhà có đường ống đã cũ hay những ngôi nhà được sơn từ 20 năm về trước bởi những nơi như này thường chứa hàm lượng chì trong không khí cao.
Cũng có nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng trước khi mang thai, phụ nữ cần kiểm tra tuyến giáp của mình: nếu tuyến giáp hoạt động bất bình thường, đứa trẻ sinh ra khả năng sẽ có mức IQ thấp hơn.
Đồng thời các bác sỹ cũng khuyên các bậc cha mẹ cần nghiêm túc hơn trong ý định sinh con, và chuẩn bị đầy đủ hành trang cần thiết để nâng cao môi trường nuôi dưỡng cho con cái sau này.
Thanh Thiên (theo Bright Side)