Nếu Nhật Bản quyết định mở rộng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á, thì rất có khả năng Tokyo sẽ can dự vào xung đột ở biển Đông.
Asahi Shimbun – tờ báo lớn thứ hai của Nhật Bản cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe lấy sự thay đổi của tình hình thế giới và “mối đe dọa” xung quanh Nhật Bản đang mở rộng làm lý do, đã giải thích chính sách bảo đảm an ninh hiện nay thay đổi về căn bản và tính cần thiết phải sửa đổi giải thích Hiến pháp để dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể.
Quyết định trên của Thủ tướng Shizon Abe được đưa ra ngay sau khi một ban cố vấn an ninh trình báo cáo cho Thủ tướng Shinzo Abe, với đề xuất diễn giải lại Hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm này đồng nghĩa với việc Nhật Bản có thể thực hiện quyền sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ các đồng minh hoặc các quốc gia có mối quan hệ mật thiết với Nhật Bản, trong trường hợp họ bị tấn công vũ trang.
Theo tin tức, một số quan chức cấp cao của Nhật đã đề cập khả năng mở rộng quyền phòng vệ tập thể không chỉ đối với Mỹ mà còn cả những quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo hôm 15/5 về việc mở rộng quyền phòng vệ tập thể.
Nếu Nhật Bản quyết định thực hiện quyền tự vệ tập thể và hợp tác với các nước liên quan vì mục tiêu trên thì có thể sẽ mở ra cánh cửa lớn về sự can thiệp của Nhật Bản ở Biển Đông.
Tờ Asahi Shimbun còn chỉ ra với tình trạng Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng theo sau vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan HD 981 ( Haiyang Shiyou 981) ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Nhật có thể hỗ trợ Việt Nam nếu Tokyo quyết định mở rộng áp dụng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á, khu vực có nhiều quốc gia vướng vào tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông.
Tờ này đánh giá, việc Nhật tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể là cách kiềm chế khả năng mở rộng trên biển của Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo ngày 15/5, Thủ tướng Abe cũng lưu ý rằng ngay lúc ông phát biểu thì ở biển Đông đang xảy ra “vụ đối đầu nghiêm trọng do hành động đơn phương được hậu thuẫn bởi vũ lực”. Tuy nhiên, trong toàn bộ các phát biểu của mình, ông Abe không hề xuất hiện chủ trương chiến lược ngoại giao cải thiện quan hệ Nhật-Trung.
Hôm 17/5, Chính phủ Mỹ tái khẳng định rằng nước này ủng hộ những nỗ lực của Nhật Bản trong việc mở rộng vai trò của quân đội ở nước ngoài, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét việc áp dụng quyền phòng vệ tập thể.
Các quan chức Mỹ thể hiện rõ quan điểm rằng Washington ủng hộ Tokyo thảo luận khả năng thực thi quyền phòng vệ tập thể chiểu theo Hiến pháp nước này. Theo bà Marie Harf, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, với tư cách là một đồng minh, Mỹ “hoan nghênh và ủng hộ” tranh luận trong nội bộ của Nhật Bản về việc liệu Tokyo cần phải dỡ bỏ lệnh cấm việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể mà nước này tự áp đặt hay không.
Theo Nguoiduatin