Hãng tin Reuters đưa tin tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan hôm nay thông báo sẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam bồi thường thiệt hại do bạo động. Theo Formosa, thiệt hại tại một nhà máy luyện kim đang được xây dựng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh lên đến 3 triệu đô la. Người dân địa phương khi trả lời RFI Việt ngữ tuần rồi nói rằng lao động của tập đoàn Formosa tại đây hầu hết là người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp vào Việt Nam.
DDK Group, một công ty Đài Loan chuyên sản xuất yên xe đạp gần Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các cuộc bạo loạn đã gây ra khoảng thiệt hại koảng 4 triệu USD.
Ước tính sơ bộ từ chính quyền tỉnh Bình Dương mà Financial Times đọc được cho thấy có khoảng gần một phần ba trong tổng số 950 công ty nước ngoài ở Bình Dương đã bị hư hại trong vụ bạo lực. Chỉ tính riêng Đài Loan có 161 công ty bị hư thiệt hại, so với 24 từ Hàn Quốc và 11 từ Trung Quốc đại lục .
Người Đài Loan biểu tình phản đối tại văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc.
Hôm 16/5, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) thông báo hầu hết những kẻ kích động bạo loạn đều không phải là công nhân. Báo chí trong nước dẫn lời ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐVN cho biết những người kích động có tổ chức rất chặt chẽ : chuẩn bị sẵn cờ, áo thun để phát cho công nhân, photocopy bản đồ tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, có bộ đàm liên lạc, sử dụng bom xăng để đốt các nhà máy.
Dư luận nghi ngờ chính Bắc Kinh đứng phía sau các vụ bạo động này vì nhiều mục đích: bôi nhọ Việt Nam, chặn đứng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đồng thời phá hoại nền kinh tế Việt Nam qua việc các nhà máy bị đập phá gây hoang mang cho các nhà đầu tư, chính quyền bị thất thu thuế, công nhân mất việc làm.
Theo rfi, BBC