Tinh Hoa

Cảnh giác trước ‘Thỏ trắng đáng yêu’ của quân đội Trung Quốc

Tướng Lưu Nguyên (bên trái), chính ủy viên của Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc, ra khỏi Đại Lễ Đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 4 tháng 3. Chính quyền Trung Quốc dùng nhiều mưu mẹo để thúc đẩy các mục tiêu quân sự (Feng Li/Getty Images)

Cuối tháng trước, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi thắt chặt bảo mật quân sự. Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân trích dẫn công văn chính thức, đề cập đến nguyên tắc giữ bí mật giúp quân đội Trung Quốc chiến đấu và chiến thắng trong chiến tranh.

Công văn này đi kèm các bài báo của cơ quan thông tấn nhà nước về giá trị của bí mật. Những động thái này diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vào đầu tháng 4, khi đó ông hứa với các lãnh đạo Trung Quốc sẽ tăng cường cởi mở và minh bạch các hoạt động trên mạng của Mỹ, và hy vọng Trung Quốc cũng đáp lại bằng các hành động tương tự.

Vấn đề bảo mật trong quân đội Trung Quốc thường được coi là mối quan tâm lớn nhất trong các báo cáo quốc phòng tại quốc hội và báo cáo của quân đội Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 12.2% trong năm nay, lên đến 132 tỷ USD, cũng như đã tăng liên tục trong hai thập kỷ qua. Dù vậy, Lầu Năm Góc tin rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc phải cao hơn nhiều, ước tính năm 2012 họ chi gấp đôi con số trong báo cáo.

Có nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng liệu Trung Quốc có phải là mối đe dọa thực sự không, khi hình ảnh quân đội Trung Quốc trong mắt thế giới chỉ là: những tàu chiến và máy bay từ thời Liên Xô, cập nhật công nghệ mới chậm chạp, một quân đội với trang bị thông tin liên lạc kém tin cậy.

Dù vậy điều mà các chuyên gia thường không chú ý trong các cuộc thảo luận là quân đội Trung Quốc không bao giờ cho thế giới biết về lực lượng hacker (tấn công mạng), các quân át chủ bài, lực lượng gián điệp và những toan tính lọc lừa của họ.

Tại Trung Quốc, người dân coi chế độ cầm quyền là một chú “thỏ trắng đáng yêu”. Thuật ngữ này thường theo sau là cụm từ “tâm địa đen tối”.[người dịch: Câu này tương tự với một câu trong Truyện Kiều của Việt Nam “Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không dao”.]

Không có sự so sánh nào chính xác hơn. Chiến lược quân sự Trung Quốc không dựa trên sức mạnh, mà dựa vào mưu mẹo và lừa dối – và các phương cách lừa dối mới là mối đe dọa thực sự.

Cuộc chiến tranh khác thường

Ngày 12 tháng 5, Trung Quốc thử nghiệm một trong những vũ khí chống vệ tinh – tên lửa tiêu diệt vệ tinh Dong Ning 2. Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết việc phóng tên lửa này là một sứ mệnh khoa học.

Vũ khí chống vệ tinh là một phần của cái mà Trung Quốc gọi là “quân át chủ bài”. Đây là hệ thống cho phép quân đội Trung Quốc vô hiệu hóa nhằm vào hệ thống vệ tinh của quân đội Mỹ, khiến họ không thể tấn công. Vì sức mạnh của quân đội Mỹ phụ thuộc mạnh mẽ vào việc liên lạc hoặc định vị GPS qua vệ tinh. Ashley Tellis, thành viên kỳ cựu của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, tổng kết vấn đề trong phiên điều trần quốc hội ngày 28 tháng 1. Tellis nói, “Các nhà hoạch định chiến lược của quân đội Trung Quốc tập trung chủ yếu vào vô hiệu hóa năng lực không gian của Mỹ vì họ tin rằng hoạt động vô hiệu hóa này là điều then chốt để giảm ưu thế của quân đội Mỹ”

Các vũ khí bí mật của Trung quốc không chỉ có thế. Chúng còn bao gồm các cuộc tấn công mạng, bức xạ sóng ngắn cường độ cao, và đầu đạn xung điện từ. Một báo cáo bí mật về quân át chủ bài của Trung Quốc, do Trung tâm Tình báo Quốc gia Mỹ đưa ra vào tháng 9, 2010, cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng các vũ khí này để “gây bất ngờ” với Đài Loan hoặc Mỹ. Tài liệu này viết “Vũ khí chủ bài hiện đại này sẽ cho phép lực lượng công nghệ thấp của Trung Quốc chiếm ưu thế so với lực lượng công nghệ cao của Hoa Kỳ trong cuộc chiến địa phương hóa”.

Bên cạnh các vũ khí hiện có, Trung Quốc còn dùng các chiến thuật quân sự khác, thậm chí phù hợp hơn với phương châm “thỏ trắng đáng yêu, tâm địa đen tối” của họ.

Một báo cáo công bố vào tháng 4, nhưng đã gửi tới Lầu Năm Góc một năm trước, giải thích rằng Trung Quốc đang dùng chiến lược đánh lạc hướng trong quân sự, mà họ gọi là “Ba Cuộc Chiến” để dành lợi thế trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Báo cáo này cho biết, Ba Cuộc Chiến bao gồm cuộc vận động truyền thông, cuộc chiến luật quốc tế và chiến dịch chiến tranh tâm lý. Báo cáo nói rõ Trung Quốc đang dùng chiến lược này trong nỗ lực làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ lên các nước khác.

Sau đó tất nhiên là vận dụng mạng lưới gián điệp của Trung Quốc, gồm cả điệp viên ngầm, những kẻ thao túng, và một mạng lưới cá nhân cung cấp thông tin bao phủ rộng. Trung Quốc cũng thường xuyên dùng tình báo trên mạng trong chiến lược này.

Trần Dụng Lâm, Cựu cán bộ ngoại giao của Trung Quốc ở Úc, cho biết vào năm 2005 rằng Trung Quốc có hơn 1.000 gián điệp ở Úc. Dù vậy quy mô thật sự của tình báo Trung Quốc vẫn là một ẩn số. Theo một số nhận định, trong thời kỳ hòa bình gián điệp Trung Quốc thường lấy cắp các tài sản trí tuệ để giúp kinh tế Trung Quốc. Trong thời kỳ chiến tranh, vai trò này có thể thay đổi.

Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, và không nhất thiết là quan điểm của Đại Kỷ Nguyên.

Theo Đại Kỷ Nguyên