Các nhà đầu tư Trung Quốc chạy trốn biểu tình bạo động ở Việt Nam tại cửa khẩu Bavet ở biên giới Campuchia-Việt Nam, ngày 14/5/2014.
Công dân Trung Quốc ở Việt Nam bắt đầu băng qua biên giới vào Campuchia để chạy trốn các cuộc biểu tình bạo lực vì vụ xung đột ở Biển Ðông.
Phát ngôn viên Tòa đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh, ông Trần Văn Thông, nói với ban tiếng Khmer của đài VOA rằng ‘rất nhiều’ người Trung Quốc bắt đầu vượt biên giới vào tuần này.
“Họ (người Trung Quốc) không bị trục xuất khỏi Việt Nam”, ông nói với ban Khmer của đài VOA, “Ðó là quyết định cá nhân. Tôi không biết lý do tại sao người Trung Quốc không muốn sống ở đó nữa. Ông nói ông không “biết họ có muốn đến Campuchia hay những nơi nào khác không”.
Chưa rõ số người Trung Quốc đến từ Việt Nam là bao nhiêu và các giới chức Campuchia từ chối bình luận về những vụ vượt biên diễn ra sau khi các nhà máy Trung Quốc và Ðài Loan bị các đám đông hỗn loạn nhắm làm mục tiêu cho các cuộc tấn công ở miền Nam Việt Nam.
Trong khi đó, người đứng đầu của Hiệp hội người Khmer gốc Việt ở Campuchia, ông Sem Chi, cho biết các thành viên có kế hoạch biểu tình vào tuần này bên ngoài sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh.
“Chúng tôi sẽ tổ chức (biểu tình), nhưng phải chờ đến khi tôi trở về (từ các tỉnh) để thảo luận với ủy ban của chúng tôi”, ông cho biết.
Nhưng phát ngôn viên của Bộ Nội Vụ Campuchia Khieu Sopheak nói một cuộc biểu tình như vậy là không được phép.
“Người nước ngoài không được sử dụng lãnh thổ của Campuchia để tổ chức biểu tình chống một nhóm người nước ngoài khác”. Ông nói. “Pháp luật không cho phép điều đó”.
Campuchia có một nhóm dân cư người Việt khá lớn và hầu hết các thành viên của Hiệp hội Khmer-Việt Nam được cho là thường trú nhân của Campuchia.
Hình ảnh biểu tình chống Trung Quốc tại Bình Dương và Ðồng Nai:
- Xe tải bị đốt cháy trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Bình Dương.
- Một nhà máy ở Bình Dương bị đốt. Phía trước là biểu ngữ với hàng chữ ‘Chúng tôi yêu Việt Nam. Hãy bảo vệ chén cơm.”
- Người biểu tình phản đối Trung Quốc nhắm mục tiêu vào khu công nghiệp ở Bình Dương. Ðám đông phóng hỏa đốt mọi thứ, từ vật liệu, máy tính, cho tới các trang thiết bị và máy móc khác.
- Một tấm bảng với hàng chữ “Công ty chúng tôi không phải là công ty Trung Quốc.”
- Người biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Biểu tình tại Khu Công Nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
- Công ty nước ngoài treo biểu ngữ ủng hộ Việt Nam.
Theo VOA