Tinh Hoa

Lục tà trong Y học Trung Hoa

Ảnh “thái cực” (Shutterstock*)

Y học Trung Hoa cho rằng bệnh tật đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Các nguyên nhân từ bên trong là những thứ liên quan tới trạng thái tinh thần của chúng ta và được chia thành “thất tình” bao gồm: mừng, giận, buồn, vui, lo, sợ sệt, kinh hãi (hỷ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh). Các nguyên nhân bên ngoài của bệnh liên quan tới môi trường của chúng ta và được gọi là “lục dâm” hay “lục tà” bao gồm: Phong (gió), Hàn (lạnh), Thử (nắng/nhiệt), Thấp (độ ẩm), Táo (độ khô), Hoả (nóng). Trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ nói về Lục Dâm hay Lục Tà. Tất nhiên còn có các yếu tố khác góp phần vào bệnh tật, như chế độ dinh dưỡng, tai nạn và phong cách sống nhưng có lẽ tôi sẽ đề cập đến các chủ đề này vào một dịp khác…

Là một học giả Y học Trung Hoa, khi một người bệnh tìm đến tôi, tôi sử dụng các mô hình này để giúp tìm ra nguyên nhân của triệu chứng bệnh. Tôi sẽ luận bàn sơ về Lục Tà, và sẽ sớm quay lại với Thất Tình.

Các tên gọi của Lục tà (gió, lạnh, nắng/nhiệt, độ ẩm, độ khô, nóng) có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước và nghe có vẻ cổ lỗ, song chúng mô tả chính xác nhiều loại bệnh cùng biểu hiện của các rối loạn trong cơ thể. Ví dụ như trong tự nhiên, Phong (gió) thường thay đổi như chong chóng, cứ đến và đi mà không báo trước. Tương tự như vậy, các triệu chứng liên quan đến Phong trong thân thể cũng thường được đặc trưng bởi sự đến và đi, đôi khi đột ngột. Bạn đã lần nào đột nhiên bị một cơn đau đầu mà nó chấm dứt một cách bí ẩn cũng như khi nó đến chưa? Đó là sự tấn công bởi Phong. Và, nếu bạn có cơn đau đầu tương tự cộng với một khuôn mặt đỏ bừng và toát mồ hôi, thì nhiệt có thể dùng để miêu tả các triệu chứng này, qua đó chúng tôi biết được rằng tình trạng của bạn thuộc về Phong hay Nhiệt (thử). Điều này nghe có lí chứ?

Hãy điểm qua một số triệu chứng phổ biến của mỗi cái “tà”

Phong (gió): Một trường hợp nhiễm Phong bao gồm cách triệu chứng như hắt hơi, đau đầu, và sung huyết. Gió cũng khiến các yếu tố gây bệnh (hoặc bệnh) dễ dàng xâm hại cơ thể bạn, bởi nếu bạn thực sự cảm thấy hơi suy nhược và hệ thống miễn dịch kém, thì có nhiều khả năng bạn dễ bị tổn thương bởi các vấn đề khác.

Hàn (lạnh): Sự xâm nhiễm bởi Hàn có thể từ từ, dồn đọng, và làm suy giảm khí huyết. Triệu chứng tương tự như khi bạn dễ dàng bị run lên và co ro lúc bị lạnh. Các biểu hiện của việc thừa khí hàn là bị ớn lạnh, run rẩy, lạnh chân tay, xanh xao, chuột rút đau đớn, hoặc co thắt.

Thử (nắng/nhiệt): Thử là dạng ‘tà’ gây tổn hại chất dịch trong cơ thể bạn, làm nhiễu loạn tâm trí và có thể làm hỏng khí âm trong người. Các triệu chứng của Thử là đỏ mặt hoặc mắt, khát, sốt, da dẻ tối lại hoặc nhiều dịch vàng (đờm màu vàng hoặc nước tiểu màu vàng), khó ở, ra mồ hôi và ngứa ngáy. Phải chăng thuật ngữ ‘nóng đầu’ là từ đây mà ra?

Táo (khô): Các vấn đề về Táo có nhiều điểm tương đồng với Thử; cả hai tồn tại một cách liên tục. Táo tập trung vào việc tiêu thụ dịch chất đặc biệt là liên quan đến phổi. Đó là tại sao hầu hết các triệu chứng liên quan đến cơ quan này hoặc biểu hiện tình trạng khô. Ví dụ như ho khan, da khô, lưỡi khô, môi nứt nẻ và táo bón.

Thấp (ẩm): Sự thừa tính Thấp thường có nguyên nhân từ việc sinh sống hoặc làm việc trong một môi trường ẩm thấp. Một cách khác để nhìn nhận về Thấp đó là tình trạng chất lỏng trong cơ thể bị trì trệ hoặc xáo trộn. Các triệu chứng của Thấp bao gồm việc cảm thấy nặng nề, phù thũng, chậm chạp, đờm dính, và nước tiểu cặn.

Hỏa (nóng): là một tác nhân gây bệnh từ bên ngoài chỉ xảy ra khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ cực cao và/hoặc kéo dài. Các triệu chứng mà bạn có thể hay gặp bao gồm đổ nhiều mồ hôi, khó thở, chóng mặt và buồn nôn. Nó chính là say nắng.

Qua hàng nghìn năm quan sát và nghiên cứu, các nhà Y học Cổ truyền Trung Hoa đã phát triển sáu yếu tố mà cho đến nay vẫn còn tính ứng dụng cao. Xác định được loại triệu chứng mà bạn đang gặp phải sẽ giúp các học giả Y Học Trung Hoa tìm ra loại thảo dược và huyệt vị phù hợp để áp dụng điều trị cho bạn. Ví dụ, nếu bạn đang bị thừa nhiệt (Thử), các thảo dược có tính hàn là thích hợp; nếu bạn bị thừa ẩm (Thấp), các thảo mộc khô trong tự nhiên sẽ được chọn dùng. Ý tưởng tương tự như vậy được áp dụng trong châm cứu. Nếu bạn đang bị chuột rút đau đớn gây ra bởi sự dồn đọng Hàn, tôi có thể áp dụng nhiệt vào khu vực này và chọn các huyệt giúp cải thiện dòng lưu thông của khí huyết từ đó làm giảm cơn đau.


Bác sĩ châm cứu Jennifer Dubowsky được cấp giấy phép châm cứu qua thực hành tại trung tâm Chicago, Illinois, từ năm 2002. Dubowsky có bằng Cử nhân Khoa học tại Kinesiology từ Đại học Illinois tại Chicago và bằng Thạc sĩ Khoa học tại Y Dược Oriental từ Học Viện Châm Cứu Southwest tại Boulder, Colorado. Trong quá trình học tập, bà đã hoàn tất quá trình thực tập tại Bệnh viện Sino-Japanese Friendship tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Dobowsky đã nghiên cứu và viết nhiều bài y học Trung Hoa và cho ra các cuộc đàm luận về chủ đề này. Bà đang cung cấp một blog về sức khỏe và y học Trung Hoa tại Blog Châm Cứu Chicago. Adventures in Chinese Medicine là cuốn sách đầu tay của bà. Bạn có thể tìm tại www.tcm007.com.

 

Theo Đại Kỷ Nguyên